07:14 18/07/2019

Ông Nguyễn Tiếc Hùng tái đắc cử Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang 

Ngày 18/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự và chỉ đạo đại hội. 

Chú thích ảnh
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tặng bức trướng chúc mừng đại hội. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng quê hương An Giang phát triển bền vững”, Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động nhiệm kỳ mới thiết thực, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.

Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang và các tổ chức thành viên tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, không ngừng xây dựng và củng cố về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phấn đấu vận động quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội đạt ít nhất 500 tỷ đồng; hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở 100% xã nông thôn mới và ít nhất 3 - 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các công trình do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới đều được Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát và có kiến nghị cụ thể…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2019 - 2024. Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cần tích cực nghiên cứu đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền phải cụ thể, phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín ở cộng đồng, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu đúng về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2019 - 2024 tích cực phối hợp với các đoàn thể và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân bảo vệ đường biên cột mốc”..., nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu qua biên giới; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, hữu nghị; tăng cường tuyên truyền xây dựng mối quan hệ đoàn kết nhân dân giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực có đường biên giới, tham gia bảo vệ đường biên cột mốc.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã hiệp thương cử 94 vị tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ông Nguyễn Tiếc Hùng tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2019 – 2024.

* Trong hai ngày 17 - 18/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024. Đại hội đã hiệp thương bầu 85 người là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh nhiệm kỳ mới. Ông Nguyễn Quốc Hoàn tái đắc cử là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Chú thích ảnh
Các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên khoa XI ra mắt. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Mặt trận các cấp của tỉnh Phú Yên cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện yêu cầu “cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân”. Từ đó, Mặt trận các cấp chủ động phản ánh với các cấp ủy Đảng và chính quyền giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các cấp Mặt trận tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh...

Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Phát triển”, Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2019-2024 đã đề ra 5 chương trình hành động. Đó là: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước; phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Để thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động trên, Đại hội xác định phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI đã đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa đạt trên 96%; tỷ lệ thôn, buôn, khu phố văn hóa đạt 93%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 đến 2,5%/năm; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 65%; phấn đấu huy động Quỹ Vì người nghèo đạt trên 75 tỷ đồng.

Nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã không ngừng nỗ lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng và đã đạt được những kết quả tích cực. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các tầng lớp nhân dân đã tự nguyện đóng góp 163 tỷ đồng, hiến 13.773 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng; hoàn thành đưa vào sử dụng trên 1.500 km đường bê tông nông thôn, bê tông hóa 312 km kênh mương thủy lợi nội đồng...

Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, phường thực hiện hiệu quả; đã tổ chức trên 10.000 cuộc giám sát công trình, dự án. Mạng lưới tổ hòa giải được thành lập đến từng thôn, buôn, khu phố; đã hòa giải thành hơn 7.900 vụ việc, góp phần giảm thiểu đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người.

Thanh Sang - Xuân Triệu (TTXVN)