08:21 23/08/2017

Ông Kim Jong-un thăm nhà máy quốc phòng, Triều Tiên để lộ tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới

Từ hình ảnh mà truyền thông Triều Tiên phát đi có thể thấy Bình Nhưỡng đang phát triển loại tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới, có khả năng bay xa hơn, cũng như khó bị định vị và phá hủy hơn.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm nhà máy sản xuất động cơ sử dụng nhiên liệu rắn.

Trước đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố một loạt các bức ảnh nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đến thăm một nhà máy sản xuất động cơ sử dụng nhiên liệu rắn phục vụ chương trình tên lửa đạn đạo.

Đằng sau lưng của nhà lãnh đạo Triều Tiên, treo trên tường là tấm biểu đồ mô hình tên lửa Pukguksong-3 (được cho là phiên bản mới nhất của tên lửa Pukguksong) hoặc Polaris. Trong khi đó, một tấm biểu đồ khác khó nhận ra, có ghi "Hwasong," hoặc Mars.

Theo Michael Duitsman – một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hạn chế các loại vũ khí hủy diệt, tên lửa Pukguksong-3 là loại hoàn toàn mới và chưa từng xuất hiện trước đây.

Loại tên lửa này có lẽ được thiết kế bay xa hơn và được phóng từ một hộp bảo vệ, cho phép tên lửa vận chuyển dễ dàng hơn cũng như khiến kẻ thù khó xác định và phá hủy chúng. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn phóng nhanh hơn các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Loại tên lửa này cũng có thể tăng cường năng lực tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên.

Trước đó, Triều Tiên cũng đã thử thành công tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 vào tháng 8 năm ngoái. Sau đó là màn phóng thử tên lửa phóng từ hầm ngầm dưới mặt đất Pukguksong-2 vào tháng 2 năm nay. Cả hai tên lửa được tin là loại tên lửa tầm trung có khả năng nhắm đến Nhật Bản và căn cứ Mỹ ở đó.

Việc phát triển kỹ thuật của hai loại tên lửa song song có thể trợ giúp và mang lại lợi ích cho nhau.

Theo Vipin Narang – Phó Giáo sư Khoa học Chính trị thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Triều Tiên khá thông minh khi sử dụng cùng một thiết kế tên lửa cho hai biến thể SLBM và tên lửa mặt đất, với yếu tố chủ chốt ở đây là hộp bảo vệ.

Phó Giáo sư Narang giải thích: “Trên mặt đất, việc vận chuyển, dự trữ và phóng bắn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và bạn cần một hệ thống có hộp bảo vệ để phóng trên biển”.

Hình ảnh lấy từ bản tin đưa về chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Viện vật liệu hóa học phát sóng trên KRT.

Chuyên viên nghiên cứu Duitsman cho rằng chất lượng các bức ảnh công bố rất khó để có thể ngay lập tức nhận ra loại tên lửa còn lại, mặc dù nhìn qua chúng có thể là Hwasong-13 hoặc Hwasong-11.

Hwasong là tên gọi mà Triều Tiên đặt cho phần lớn các tên lửa của nước này, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) duy nhất nước này sở hữu - Hwasong-14 mới được phóng thử vào tháng trước và được tin rằng có khả năng vươn xa tới đất liền Mỹ.

Theo ông Duitsman, nếu như tên lửa trên tấm biểu đồ khó nhận biết kia là Hwasong-13, thì nó sẽ đánh dấu mốc một sự thay đổi đáng kể trong thiết kế, vì tên lửa Hwasong-13 nguyên gốc được giới thiệu trong một lễ duyệt binh năm 2012, khi đó còn là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.

Ông đề nghị cần phải phân tích thêm: “Việc thay đổi toàn bộ tên lửa từ sử dụng nhiên liệu lỏng sang rắn, hoặc ngược lại, là một điều bạn không làm bao giờ. Các nguyên tắc thiết kế rất khác nhau”.

Các tấm hình trên được đăng tải chỉ hai ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn hàng năm có tên gọi "Người bảo vệ tự do Ulchi" (UFG). Phía Bình Nhưỡng chỉ trích đây là cuộc diễn tập cho một cuộc chiến tranh thực sự sắp xảy ra.

Trong chuyến thăm Viện vật liệu hóa học thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên lần này, hãng thông tấn KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới đây đã yêu cầu nghiên cứu chế tạo thêm các đầu đạn và động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu thể rắn. Theo đó, cơ quan trên sẽ mở rộng hơn nữa quy trình sản xuất động cơ cũng như tăng cường khả năng sản xuất các đầu đạn cho tên lửa.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức