12:11 13/12/2016

Ông Kem sầu riêng

Một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, được nhiều người biết đến là ông Huỳnh Văn Kem, cư ngụ tại ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Loài cây ăn quả đặc sản làm ông Kem nổi tiếng là sầu riêng. Hiện ông là chủ sở hữu trên 7.000 m2 đất trồng chuyên canh các giống sầu riêng chất lượng cao: Mong thong, Ri6.

Ông Nguyễn Văn Mới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn cho biết, ông Kem là nông dân giỏi thâm canh sầu riêng. Đặc biệt, nhiều năm nay, ông rất thành công trong việc xử lý sầu riêng cho trái rải vụ để đạt năng suất cao, vừa thu hoạch đúng thời điểm bán có giá. Lợi nhuận từ cây sầu riêng do vậy cao gấp ba lần so với thu hoạch lúc chính vụ. 


Theo ông Nguyễn Văn Kem, cây sầu riêng thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất Cẩm Sơn, chỉ trồng sau 4 năm đã cho trái. Những năm về sau, cây to, tán lớn, năng suất đạt 30 tấn/ha trở lên là chuyện bình thường. Tuy nhiên, để trồng sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn cần thiết phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học. Trong xử lý rải vụ còn đòi hỏi trình độ canh tác của nông dân, kết hợp với sự cần cù, theo dõi, chăm sóc vườn cây cùng những yếu tố khác…


Ông Kem cho biết, ông trồng sầu riêng từ năm 2006, đến nay cây trong vườn khoảng 10 năm tuổi. Khi trồng, phải chọn giống tốt, chất lượng, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Mật độ trồng từ 20 - 22 cây/1.000 m2. Nếu so với một số địa phương khác có vùng chuyên canh sầu riêng lớn như Long Trung, Long Tiên, Tam Bình (huyện Cai Lậy), thông thường nông dân chỉ trồng 15 - 18 cây/1.000 m2 thì mật độ trong vườn ông trồng hơi dày hơn.


Theo giải thích của ông Kem, sở dĩ trồng dày vì tầng canh tác ở khu vực vườn cây của ông không dày, nên khi rễ cây xuống dưới sâu gặp phải lớp đất phèn sẽ không đi xuống mà ngược lại ăn lan trên mặt mô (líp) trồng. Do vậy, tán cây cũng không vượt lên cao. Trồng mật độ như trên tận dụng được diện tích đất và năng suất toàn vườn đạt cao.


Để vườn cây phát triển tốt, ông Kem quan tâm học hỏi các biện pháp chăm sóc khoa học thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật canh tác sầu riêng do ngành chức năng tổ chức kết hợp với kinh nghiệm bản thân, của những nông dân giỏi đi trước…


Đặc biệt, đối với xử lý thu hoạch rải vụ thì phức tạp hơn, bởi ngoài yếu tố kỹ thuật chủ quan, thời tiết thất thường là nguyên nhân khách quan khiến rất nhiều hộ nông dân không thành công. Đơn cử như trong vụ nghịch năm 2016, đã có nhiều nông dân xử lý gần 2 tháng mà cây chưa ra hoa. 


Thông thường, vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm bắt đầu chăm sóc để cây hồi phục và tiến hành xử lý để cây cho thu hoạch vào thời điểm từ tháng 10, tháng 11 trở đi thường bán có giá cao. Để xử lý cho trái rải vụ theo ý muốn phải dựa vào các nguyên tắc chung: Chăm sóc, tỉa cành, tạo tán sau khi thu hoạch vụ trước; xiết nước kích thích cho cây ra hoa; sau đó tưới nước chăm sóc trở lại, tỉa thưa trái, chăm sóc trái để thu hoạch đúng thời điểm… 


Trong mỗi khâu công việc đều sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Đáng chú ý, để vườn cây sung mãn phải bón nhiều phân hữu cơ, đặc biệt là phân dơi hết sức quan trọng.

Ông Kem có lợi thế nhạy bén, luôn quan tâm tìm hiểu các biện pháp kỹ thuật và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong áp dụng ông cũng coi trọng kết hợp kinh nghiệm, đánh giá về hiệu quả. Qua đó, đúc kết thành quy trình thích hợp với vườn cây chuyên canh của mình. 


Đó là nguyên nhân giúp ông Kem trong các năm qua, luôn thành công trong khâu xử lý cho trái rải vụ. Theo đó, năng suất trái luôn cao và bán được giá.


Cụ thể trong năm qua, ông đạt sản lượng sầu riêng trên 20 tấn quả, bán với giá kỷ lục: 70.000 đ/kg, gấp đôi giá bình quân trong vùng, thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ vào thu nhập từ cây sầu riêng, ông Kem đã xây cất được nhà cửa khang trang, cuộc sống khấm khá hẳn lên.

Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, ông Kem không chỉ là điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương, mà còn là người giàu lòng nhân ái, hết lòng với cộng đồng. 


Ông thường chia sẻ kinh nghiệm thâm canh, xử lý rải vụ thành công với nông dân trong xóm ấp; đồng thời, thường xuyên đóng góp tiền của giúp đỡ hộ nghèo khó, gia đình neo đơn, tiếp sức học sinh nghèo trong xã vượt khó học tốt, kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi và giao thông, chung sức xây dựng nông thôn mới. Trung bình mỗi năm, khoản đóng góp về tiền bạc, vật chất cho các việc có ý nghĩa nhân đạo xã hội trên của ông Kem gần 50 triệu đồng.


Vừa làm giàu cho mình, vừa tích cực tham gia các việc công ích xã hội là tấm gương sáng của ông Huỳnh Văn Kem, một hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của vùng chuyên canh sầu riêng trên quê hương Chiến thắng Ba Rày hôm nay.


Minh Trí (TTXVN)