11:09 23/11/2020

Ông Joe Biden chọn cố vấn đối ngoại Antony Blinken làm Ngoại trưởng Mỹ

Tờ New York Times đưa tin cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken được kỳ vọng sẽ đưa nước Mỹ trở lại vai trò đồng minh tin cậy, sẵn sàng tham gia các thỏa thuận toàn cầu và thúc đẩy nỗ lực đa phương để đối phó kẻ thù chung. 

Chú thích ảnh
Ông Antony Blinken là ứng cử viên hàng đầu cho chức Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AP

Ông Blinken được mệnh danh là người bảo vệ các liên minh toàn cầu, đồng thời là một trong những cố vấn chính sách đối ngoại thân cận của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Chính khách này được dự đoán sẽ đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ trong nội các mới của ông Joe Biden. Theo các nguồn tin, ở cương vị trên, ông Blinken sẽ cố gắng gắn kết các đồng minh quốc tế tham gia một cuộc cạnh tranh mới với Trung Quốc.

Ông Antony Blinken, 58 tuổi, giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Ông bắt đầu sự nghiệp cố vấn chính sách đối ngoại từ thời Tổng thống Bill Clinton. Chính sách đối ngoại sâu rộng của ông hứa hẹn giúp xoa dịu những căng thẳng hiện nay của các nhà ngoại giao cũng như các lãnh đạo toàn cầu sau 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. 

Chính trị gia gạo cội này đã làm việc cùng ông Biden gần 20 năm, trong đó có thời gian dài giữ chức cố vấn hàng đầu tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ và sau này là cố vấn an ninh quốc gia cho ông Biden khi ông này làm phó tổng thống. Tại vị trí trên, Antony Blinken đã góp phần đưa ra nhiều chính sách đối phó với tình hình chính trị đầy biến động và bất ổn tại Trung Đông. 

Điều cốt lõi trong những ưu tiên hàng đầu của ông hiện nay là đưa Mỹ trở lại vai trò đồng minh tin cậy, sẵn sàng tham gia các thỏa thuận toàn cầu – trong đó có hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – vốn bị Chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương chấm dứt. 

“Nói một cách đơn giản, những vấn đề lớn mà đất nước chúng ta cũng như cả hành tinh phải đối mặt - cho dù đó là biến đổi khí hậu, đại dịch, cho dù đó là sự lan truyền của vũ khí gây hại - rõ ràng rằng trong số đó không có giải pháp đơn phương. Ngay cả một quốc gia hùng mạnh như Mỹ cũng không thể một mình xử lý”, ông Blinken phát biểu hồi mùa hè vừa qua.

Tại một diễn đàn hồi tháng 7 tại Viện Hudson, ông Blinken cho rằng việc hợp tác với các quốc gia khác có thể có đem đến lợi ích khi đối đầu với một thách thức ngoại giao hàng đầu: cạnh tranh với Trung Quốc. Ông chủ trương thúc đẩy những nỗ lực đa phương để phát triển thương mại, đầu tư công nghệ và nhân quyền, thay vì buộc các quốc gia riêng lẻ phải lựa chọn giữa nền kinh tế của hai siêu cường.

Điều này đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tăng cường củng cố quan hệ bền chặt hơn với Ấn Độ và khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – nơi 14 quốc gia vừa ký thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới (RCEP). Tương tự, Mỹ có thể nỗ lực tăng cường thiết lập các thỏa thuận tại châu Phi – nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng bằng đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng – cũng như công nhận châu Âu là ưu tiên hàng đầu.

Được giới phân tích đánh giá là người theo chủ nghĩa ôn hòa, ông Blinken từng tìm cách giảm bớt vấn nạn khủng hoảng tị nạn và di cư. Cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đặt mức giới hạn 110.000 người tị nạn được phép tái định cư tại Mỹ trong năm tài chính 2017. Con số đó đã giảm xuống còn 15.000 vào năm tài chính 2021. Ông cho biết sẽ tìm cách hỗ trợ hơn nữa Guatemala, Honduras và El Salvador - các quốc gia vùng Tam giác phía Bắc của Trung Mỹ - để thuyết phục người di cư rằng họ sẽ an toàn và sống tốt hơn khi ở lại quê hương. 

Trong quan điểm của mình, ông Antony Blinken cho rằng đã đến lúc giảm bớt thời gian và nguồn lực dành cho vùng Trung Đông, cho dù đây từng là khu vực ông chú trọng trong khoảng thời gian sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 và Mỹ đem quân sang Iraq năm 2003. 

Ông cũng góp phần cố vấn cho đề xuất của ông Biden tại Thượng viện về việc thành lập ba khu vực tự trị ở Iraq phân chia theo bản sắc dân tộc hoặc giáo phái. Tại thời điểm đó, ý tưởng này vốn bị bác bỏ rộng rãi, kể cả Thủ tướng Iraq cũng phản đối. Trong Chính quyền Tổng thống Obama, ông Blinken là người đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao nhằm kêu gọi trên 60 quốc gia hợp lực chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Trái ngược với một số đồng nghiệp khó tính cùng thời, ông Blinken từng trò chuyện với các nhà báo ở Baghdad năm 2012 để tìm hiểu sâu hơn về những gì binh lính, nhà ngoại giao và nhân viên tình báo ở trong khuôn viên đại sứ quán có thể cung cấp cho họ.

Trước khi làm việc tại Cục Chính sách châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1993, chính trị gia này từng đam mê nghề phóng viên và sản xuất phim. Ông rèn giũa kỹ năng truyền thông bằng cách trở thành người soạn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Bill Clinton và sau đó, là người giám sát chính sách về châu Âu và Canada tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng.

Thời niên thiếu, ông Blinken lớn lên tại New York và Paris, tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Columbia. Ông là con riêng của một người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, đồng thời thường nói về tấm gương đạo đức Mỹ đặt ra cho phần còn lại của thế giới.  

“Trong thời khủng hoảng hay thiên tai, nước Mỹ chính là nơi thế giới luôn hướng về đầu tiên”, ông phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới năm 2015.

Hoàng Trang/Báo Tin tức