12:01 02/12/2014

Ông giáo về hưu

Bước sang tuổi 60, tôi giã từ nghề giáo viên để về làm một ông lão hưu trí. Đối với tôi, mọi việc như bước sang một ngã rẽ mới, nhàn nhã chứ không còn là một ông giáo cặm cụi đứng trên bục giảng như xưa nữa. Tuy nhiên, tôi thực sự không thích cuộc sống hiện nay của mình chút nào

Bước sang tuổi 60, tôi giã từ nghề giáo viên để về làm một ông lão hưu trí. Đối với tôi, mọi việc như bước sang một ngã rẽ mới, nhàn nhã chứ không còn là một ông giáo cặm cụi đứng trên bục giảng như xưa nữa. Tuy nhiên, tôi thực sự không thích cuộc sống hiện nay của mình chút nào. Suốt ngày cứ quanh quẩn bên mấy chậu hoa, hồ cá cảnh hay vườn cây ăn trái, tôi thấy thật tẻ nhạt. Vả lại, sở dĩ tôi tiếc nuối thời làm giáo viên vì sau nhiều năm truyền ánh sáng tri thức đến cho học sinh, tôi thấy mình chưa thực sự làm tròn bổn phận của một thầy giáo, chưa soi sáng cho các em đi lên giảng đường đại học.

Cũng có một số em giờ đã tốt nghiệp đại học, là ông nọ bà kia, làm ăn khấm khá, hễ thoáng nhìn thấy tôi trên phố là cung kính chào hỏi. Điều đó làm tôi thật ấm lòng. Nhưng, tôi cũng thương cho một số em hiếu học, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà không thể bước tiếp ước mơ của mình, lại lao vào đời mưu sinh chỉ vì cơm áo gạo tiền. Hoặc có một số em đã tốt nghiệp đại học, nghỉ lửng giữa chừng lại có đạo đức không tốt, ra đời lại đi theo hướng tiêu cực. Điều này làm tôi buồn lắm. Tự giận bản thân mình khi không giúp gì được cho các em.

Vốn đã quen với thời dạy học, giờ không nghe tiếng học trò ê a trả bài, không nhìn thấy hình ảnh bục giảng và những bài kiểm trả của các em..., tôi cảm thấy nhớ nhớ. Thấy tôi có vẻ buồn và tẻ nhạt, các con tôi hay mua các lại sách văn học kinh điển về cho tôi đọc nhưng cũng không làm tôi vui vẻ hơn. Cảm giác về một mối lo toan của người thầy chưa "làm nên trò trống" gì cứ đeo đẳng tôi mãi.

Rồi một lần dạo quanh xóm chơi, thấy trẻ em nghèo trong xóm lao động đi học còn thiếu thốn, lại không học hành đến nơi làm tôi xót dạ lắm. Và một ý nghĩ chợt xuất hiện trong đầu tôi. Tôi đã đề nghị với cha mẹ các em cho các em đến nhà tôi học thêm mỗi tối miễn phí, nhằm củng cố thêm kiến thức cho trẻ. Được cha mẹ trẻ đồng ý, tôi thấy trong lòng mình hân hoan một niềm vui khó tả.

Từ đấy, đêm đêm căn nhà của tôi rộn tiếng học trò ê a. Tôi dọn dẹp lại phòng sách của mình để làm phòng dạy học cho các em. Tuy đơn sơ, thiếu thốn vật chất nhưng chúng học rất say mê và còn giới thiệu nhiều bạn khác đến "ghi danh". Lớp học bắt đầu đông dần, làm phòng học chật hơn. Điều đó làm tôi cảm thấy ấm cúng, giống như một kẻ ngủ đông bao năm giờ vươn mình thức giấc. Trí óc tôi vận dụng trở lại bằng những bài giảng cho các em.

Các bạn giáo viên cùng thời với tôi bảo: “Ông thật phúc, về hưu còn có “công việc” bổ ích để làm. Như chúng tôi đây quá tẻ nhạt!”. Quả thật tôi thấy mình hạnh phúc hơn các đồng nghiệp vì về hưu rồi vẫn là một ông giáo miệt mài lao động, vẫn giúp các em tiếp thu kiến thức để mai sau giúp ích cho đời.

Đặng Trung Thành