07:13 01/07/2012

Ông Ba Léo với bộ sưu tập độc đáo

Ông Nguyễn Văn Léo (62 tuổi), ở Bến Tre đang sở hữu bộ sưu tập có một không hai. Đó là những mô hình máy bay, tàu thủy của Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và mô hình những vật dụng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân Nam bộ từ xưa tới nay.


Ông Nguyễn Văn Léo (62 tuổi), ở ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại - Bến Tre đang sở hữu bộ sưu tập có một không hai. Đó là những mô hình máy bay, tàu thủy của Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và mô hình những vật dụng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân Nam bộ từ xưa tới nay.

Ông Ba Léo sinh ra và lớn lên tại Thới Thuận, Bình Đại, một trong những điểm ác liệt nhất tỉnh Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong giai đoạn 1963 – 1968, cán bộ và nhân dân ta gọi nơi này là “vùng bóng ma” bởi hàng chục km2 không có người ở, cũng không một nóc nhà, ánh đèn.

Hiện ông Ba Léo đang có trong tay hơn 200 mô hình khác nhau. Ảnh tinmoi.vn


Hầu hết các loại máy bay, tàu chiến tham chiến tại miền Nam đều từng oanh tạc Thới Thuận, kể cả máy bay B52. Từ nhỏ Ba Léo đã theo cha đánh bắt cá khắp nơi, từ các sông, rạch trong tỉnh cho đến các vùng biển gần bờ. Lớn lên, ông tiếp tục gắn bó với nghề và rong ruổi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như một số vùng biển. Chính những điều này đã giúp ông có đủ “vốn sống” cho những sáng tạo miệt mài, giúp tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo sau này.


Kể về sự ra đời của bộ sưu tập, ông Ba Léo khiêm tốn cho đó chỉ là một sự tình cờ. Cách đây chừng 15 năm, ông và cô cháu gái 5 tuổi tình cờ xem cảnh chèo xuồng ba lá trên tivi. Tự nhiên cháu bé hỏi: xuồng ba lá là gì ạ? Ông Ba Léo giải thích nhiều lần, nhưng con nhỏ lắc đầu không hiểu.

Lúc đầu ông tính dắt cháu đi xem nhưng rồi đổi ý, ông dùng gỗ mít sau nhà đẽo, gọt và làm nên một chiếc xuồng ba lá nhỏ giống như thật cho cháu gái xem. Chiếc “xuồng ba lá” này làm cho cháu gái hết sức thích thú và ông Ba Léo như nhận ra “năng khiếu” của mình. Ngay sau đó, ông bắt tay miệt mài làm những loại tàu bè trên sông nước, rồi đến lượt tàu chiến, máy bay, và tất cả những vật dụng gắn liền với đời sống của người dân miền sông nước Nam bộ.


Hiện ông Ba Léo đang có trong tay hơn 200 mô hình khác nhau. Ông xếp chúng vào nhiều nhóm, bao gồm: bộ sưu tập máy bay, tàu chiến Mỹ với 50 mô hình; bộ sưu tập các phương tiện đường sông và đường biển với 44 mô hình; bộ sưu tập khai thác thủy sản trên sông và trên biển với 39 mô hình...

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình là “đặc sản” quê hương như nhà chữ đinh, hầm trốn pháo, các loại vũ khí thô sơ chống giặc của người dân Bến Tre, các vật dụng gắn liền với những trò chơi dân gian của trẻ con... Hai loại gỗ mà ông Ba Léo thường dùng là gỗ mít và gỗ dừa. 


Trong số các mô hình này, ông Ba Léo ấn tượng nhất là “con tàu không số”. Để làm được con tàu này, ông nghiên cứu kỹ những hình ảnh trên sách, báo, Internet và được sự tư vấn của ông Trương Văn Ấn ở ấp 1, xã Thới Thuận, người từng trực tiếp đi trên những con tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Hay mô hình các loại phương tiện tối tân của Mỹ như máy bay B52, B57, hải thuyền, xe bọc thép...

Để chế tác mô hình thu nhỏ các loại vũ khí này, ông Ba Léo làm tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết nhỏ, ông kết hợp những hình ảnh đã từng chứng kiến trong quá khứ với việc tham quan nhiều bảo tàng khắp nơi để làm tư liệu. Đoàn của MIA Hoa Kỳ tại Hà Nội từng đến thăm và sau đó gửi tặng ông hình ảnh cụ thể từ nhiều góc độ khác nhau của các loại phương tiện này. 


Khi tham dự triển lãm, ông Ba Léo khéo léo sắp đặt giữa một bên là những phương tiện, vũ khí tối tân của Mỹ và một bên là những vũ khí thô sơ của người dân Bến Tre; hay sắp xếp những vật dụng gần gũi với đời sống hàng ngày bên cạnh những dụng cụ đồ chơi dân gian... Chính những cách sắp xếp này đã tạo thêm những ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan và giúp bộ sưu tập của ông càng thêm giá trị. 

Ông Ba Léo cho biết: nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre, cũng như các tỉnh ĐBSCL đã đến mời ông về làm việc, nhưng ông không nhận lời. Nhiều tác phẩm được người xem trả giá hàng chục triệu đồng, nhưng ông cũng không bán.

Hiện hầu hết các mô hình của ông đang được gửi bảo quản hoặc cho một số bảo tàng tại ĐBSCL mượn để trưng bày, nhiều nhất là Bảo tàng tỉnh Tiền Giang. Ông Ba Léo chia sẻ: mong muốn lớn nhất của ông là lưu giữ lại những hình ảnh kỷ niệm gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân miền sông nước, cũng như những hình ảnh về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và những đau thương mất mát lớn lao từ cuộc chiến đó. 


Về Thới Thuận, hỏi người dân, ai cũng biết ông Ba Léo, không chỉ vì bộ sưu tập có một không hai, mà còn bởi hình ảnh một ông lão trên 60 tuổi vẫn đều đặn đạp xe đi bán bánh mì từ 6 giờ đến 9 giờ sáng hàng ngày. Ông Ba Léo cho biết, ông sẽ tiếp tục “sáng tác” bởi đây là đam mê lớn nhất của đời ông. Nghệ nhân Nguyễn Văn léo đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người có bộ sưu tập mô hình tàu thuyền khai thác thủy sản lớn nhất Việt Nam vào năm 2010.

Hưng Thịnh