04:00 30/04/2021

Ôn thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân như thế nào cho hiệu quả?

Bạn đọc hỏi: Xin hỏi những kiến thức trọng tâm của môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là gì? Học sinh cần lưu ý gì khi làm bài thi?

Chú thích ảnh
Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân, học sinh chỉ cần tập trung vào một số chuyên đề, để việc ôn thi đúng trọng tâm và hiệu quả. Ảnh: TTXVN

Về vấn đề này, thầy Trần Văn Năng, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân (GDCD) tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI trả lời như sau:  

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố đề thi tham khảo môn GDCD. Đây là cơ sở để các em học sinh bám sát “ma trận” đề tham khảo, ôn tập một cách hiệu quả và đúng trọng tâm nhất. Nhìn vào “ma trận” này, chúng ta có thể thấy đề thi năm nay cơ bản đáp ứng được 2 mục tiêu cùng lúc là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nếu các em nắm vững kiến thức trọng tâm hoàn toàn có thể đạt được điểm số cao nhất.  

Trong cấu trúc đề năm nay, số lượng câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 10%, tập trung ở các bài 1, 2, 3 và 4. Kiến thức lớp 12 chiếm tới 90% cấu trúc đề thi với số câu hỏi nhiều nhất nằm ở bài 2, bài 6 và bài 7. Thí sinh lưu ý một số câu hỏi thuộc bài 1 và bài 5.

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đưa ra một số hướng dẫn ôn thi. Trong quá trình ôn luyện, học sinh chỉ cần tập trung vào một số chuyên đề, để việc ôn thi đúng trọng tâm và hiệu quả.

Cụ thể, các em chỉ cần tập trung ôn tập phần khái niệm và nội dung của các quyền. Đặc biệt là các bài có nhiều câu hỏi như bài 2, bài 6 và bài 7 thuộc chương trình lớp 12.

Các chuyên đề mà học sinh cần chú ý bao gồm: Thực hiện pháp luật, Công dân với các quyền tự do cơ bản và Công dân với các quyền dân chủ. Chuyên đề Thực hiện pháp luật vẫn chiếm nhiều câu hỏi nhất. Theo đó, học sinh cần lưu ý những điều sau: Khi nào vi phạm hành chính chuyển thành vi phạm hình sự. Phân biệt những việc làm vi phạm hành chính, dân sự, hình sự, kỷ luật.  

Các hình thức thực hiện pháp luật. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đối với chuyên đề Công dân với các quyền tự do cơ bản, học sinh cần nắm vững và phân biệt quyền bất khả xâm phạm về thân thể công dân với quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe; quyền tự do ngôn luận với quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Chuyên đề Công dân với các quyền dân chủ, thí sinh cần nắm vững và phân biệt được ba nhóm quyền: Những biểu hiện vi phạm quyền bầu cử, ứng cử, trường hợp không được quyền bầu cử; Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội: ở phạm vi cả nước, ở phạm vi cơ sở, phân biệt những việc "dân biết", "dân bàn", "dân làm", "dân kiểm tra"; Phân biệt quyền khiếu nại và tố cáo.

Khi làm bài thi, thí sinh cần lưu ý:

Với những câu hỏi dễ, các em cần đọc kỹ câu hỏi và đáp án trước khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm; đối với câu hỏi khó, tức là những dạng câu hỏi tình huống, các em nên đọc kỹ đề bài nhiều lần đến khi hiểu và gạch chân dưới các từ khóa, dùng phương pháp loại trừ, từ đó, đối chiếu với các đáp án để đưa ra lựa chọn chính xác nhất.

Các câu hỏi vận dụng cao thường là phần kiến thức rất khó và sẽ “lấy” mất điểm của học sinh. Thực tế, không ít em lại “mất điểm oan” vào những câu hỏi rất dễ ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Vì tâm lý chủ quan, đọc lướt qua, lựa chọn nhanh.  

Các em cũng cần tập trung ôn luyện và phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Tập trung ôn luyện các dạng đề bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Khi làm bài, các em cần căn giờ hợp lý cho các câu hỏi, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Khi hoàn thành thì phải kiểm tra bài làm thật kỹ. Đặc biệt, khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải điền hết đáp án các câu hỏi, tuyệt đối không để trống, kể cả những câu khó nhất. 

Lê Vân/Báo Tin tức