08:14 21/08/2014

Ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, những người dân di cư tự do (DCTD) chưa được sắp xếp ổn định hiện thiếu đất sản xuất, không ổn định chỗ ở, dẫn đến tỷ lệ đói, nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp


Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, những người dân di cư tự do (DCTD) chưa được sắp xếp ổn định hiện thiếu đất sản xuất, không ổn định chỗ ở, dẫn đến tỷ lệ đói, nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Do chưa được đăng ký hộ khẩu, hộ tịch nên họ không được hưởng các chính sách an sinh của Nhà nước. Tình hình trên đã gây ra nhiều bức xúc cho những địa phương có dân DCTD.

 

Tuyến đường từ Km 30 (QL 279) - Ngối Cáy - Mường Đăng - Km 51 QL 279 dài 19 km, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thành.


Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thực hiện tốt nhiệm vụ bố trí ổn định dân cư và hạn chế tình trạng dân DCTD, các cấp chính quyền cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đối với tình trạng DCTD. Việc bố trí ổn định dân cư, khắc phục tình trạng DCTD phải tiến hành đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách, nâng cao năng lực hệ thống chính trị,… Trước mắt, cần tập trung giải quyết ngay tình trạng bức xúc, cấp bách về đời sống của nhân dân chưa được bố trí ổn định ở Tây Nguyên, kết hợp với việc thực hiện bố trí dân cư nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là khu vực biên giới. Bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm các dự án cấp bách bố trí ổn định dân cư cho khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Giải pháp trước mắt và lâu dài


Tại Hội nghị bàn giải pháp ổn định dân DCTD các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đến hết năm 2014, các địa phương tiến hành ra soát, nắm bắt toàn bộ số dân DCTD chưa được bố trí sắp xếp để có kế hoạch nhanh chóng giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân. Sau đó, tiến hành cấp hộ tịch, hộ khẩu ngay cho các hộ dân đã được sắp xếp vào các dự án bố trí ổn định dân cư. Đối với các hộ dân chưa đủ điều kiện thì cấp thẻ “KT3 đến” để quản lý dân cư và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và phê duyệt các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư, trong đó lập kế hoạch ưu tiên các dự án cấp bách cần phải thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư vào năm kế hoạch 2015”.


Công tác thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ qua các Chỉ thị, Quyết định, văn bản về bố trí ổn định dân cư, hạn chế tình trạng dân DCTD tuy đã có nhiều cố gắng song vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là việc rà soát, điều chỉnh, lập, thẩm định, phê duyệt các dự án chậm, bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án thấp nên không thực hiện được các mục tiêu đề ra, như Quyết định 570/QĐ-TTg kinh phí đầu tư mới bố trí được 6,9% (chủ yếu là vốn lồng ghép), vì vậy số hộ được bố trí ổn định mới đạt 10%, các công trình hạ tầng 5%, các dự án sản xuất dưới 10%.

Theo Phó thủ tướng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ổn định dân cư góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân.


Cần giải quyết đất đai để bố trí ổn định dân cư ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Nghiêm cấm thực hiện các mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào DTTS khi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Hạn chế tối đa việc quy hoạch bổ sung, cấp phép các dự án thủy điện nhỏ, các dự án xây dựng hạ tầng có thể làm ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất của đồng bào... Các địa phương cần tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả để tạo quỹ đất giao cho địa phương quản lý hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất. Khẩn trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nông, lâm trường quốc doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nông trường nhằm tạo công ăn việc làm, bố trí các hộ dân DCTD không có đất đai vào tham gia sản xuất nâng cao đời sống. Tạo nguồn quỹ đất để thực hiện các dự án bố trí dân cư trên địa bàn.


Đối với số hộ hiện đang sống trong vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, cần có biện pháp xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, kiên quyết đưa ra khỏi rừng và bố trí vào các vùng quy hoạch bố trí dân cư. Những hộ sống trong các khu vực bìa rừng, rừng phòng hộ ít xung yếu, rừng phòng hộ nghèo kiệt thì cần rà soát đánh giá để lập kế hoạch báo cáo Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để quy hoạch, bố trí ổn định cho nhân dân. Các hộ chưa có đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống cần rà soát cụ thể để bố trí vào dự án sắp xếp dân cư theo quy hoạch. Những hộ DCTD đến sinh sống xen ghép vào các thôn, bản hiện có bố trí đất ở, đất sản xuất theo quy định của Luật Đất đai tại địa phương để nhân dân ổn định đời sống, sản xuất. Bố trí ổn định dân DCTD đến đâu thì thực hiện cấp hộ khẩu, hộ tịch ngay đến đó để thực hiện việc quản lý dân cư và các chính sách an sinh xã hội.

 

Chưa có đánh giá so sánh mức hỗ trợ

Đến nay, chưa có báo cáo nào đưa ra một bức tranh tổng thể về các chương trình với những thông tin đầy đủ như: Mục tiêu đối tượng, địa phương, nguồn vốn, hỗ trợ ưu tiên, yêu cầu đạt được, kết quả và tác động và hiệu quả của các chương trình. Các báo cáo chỉ ra một số chương trình, thậm chí chỉ nêu tên, phần lớn không có thông tin về tác động và hiệu quả. Qua đó không thể biết có nên tiếp tục đầu tư cho kiểu các chương trình như vậy. Chưa có đánh giá so sánh mức hỗ trợ và tác động từ nơi đi và nơi đến để điều chỉnh chích sách để có hiệu quả. Hiện có các chương trình hỗ trợ cả nơi đi và nơi đến, nhưng có hiện tượng hỗ trợ nơi đến tốt hơn nơi đi và tạo ra tác động ngược. Vì thế chính sách và điều phối thực hiện giữa các chương trình, chính sách hỗ trợ giữa các địa phương phải được cải thiện.

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

 

Ưu tiên đầu tư địa bàn khó khăn

Cần ưu tiên đầu tư cho những địa bàn khó khăn để đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội. Trước hết, bảo đảm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung; các dự án bố trí dân ra thôn, bản sát biên giới và các dự án dân đã di chuyển nhưng chưa ổn định. Xây dựng đề án sắp xếp, ổn định dân cư ở các tỉnh Tây Bắc. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện Đề án ổn định sản xuất và đời sống vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa; Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến 2015 đúng tiến độ, có hiệu quả đồng thời rà soát lại các dự án thực hiện Quyết định 570/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phân kỳ thực hiện cho phù hợp. Tập trung thực hiện bố trí, ổn định các điểm dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng), vùng có nguy cơ về thiên tai vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao về di cư tự do.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc

 

Tăng cường nguồn lực đầu tư

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tăng đầu tư nguồn lực đủ mạnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc để hạn chế và đi đến chấm dứt hiện tượng dân DCTD và tăng thêm mức đầu tư đối với các tỉnh có dân DCTD đến. Cần đầu tư nguồn lực xây dựng những công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo ở các xã nghèo mới thoát khỏi Chương trình 135/CP (giai đoạn 2) nhưng chưa vững chắc, tránh để những trường hợp này “tái đặc biệt khó khăn”.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk


Chí Bình