03:19 16/03/2020

Ốm không dám nghỉ làm - Hiện tượng báo động thời COVID-19 ở Hàn Quốc

Trừ khi ngất xỉu hoặc không thể đi lại, nhà quản lý hành chính Peter Cha vẫn sẽ đi làm bất kể ốm mệt thế nào.

Chú thích ảnh
Người dân Hàn Quốc đi bộ tại quảng trường Gwanghwamun, Seoul ngày 12/3. Ảnh: AFP

Xin nghỉ ốm là điều khiến các chủ doanh nghiệp ở Hàn Quốc không mấy hài lòng. Tại quốc gia Đông Bắc Á này, “làm việc tốt” đồng nghĩa với việc vùi đầu nhiều giờ tại văn phòng. Người lao động sợ nghỉ làm sẽ gây bất tiện cho đồng nghiệp và khiến quản lý có ấn tượng xấu về họ. Hàn Quốc cũng không có hệ thống xin nghỉ ốm phù hợp. 

Theo phóng viên Strait Times, hiện tượng xã hội trên có tên gọi là “noonchi” – nghệ thuật đánh giá tình huống và hành động tương ứng để làm hài lòng người xung quanh. Hiện tượng này đã ăn sâu vào tâm trí người dân Hàn Quốc với suy nghĩ rằng không loại bệnh tật, ốm đau nào có thể ngăn cản một người đi làm, đến nhà thờ, đi học hoặc dự đám tang. Đó chính là điều đáng lo ngại giữa thời kỳ dịch bệnh viêm đường hô cấp COVID-19 do chủng virus Corona mới SARS-CoV-2 hoành hành tại Hàn Quốc như hiện nay. 

Tính đến ngày 16/3, đất nước này đã ghi nhận 8.236 ca mắc và 75 ca tử vong vì COVID-19. Tại ổ dịch lớn nhất ở thủ đô Seoul, một số nhân viên trực tổng đài điện thoại tại Sindorim đã có triệu chứng nhiễm virus từ cuối tháng 2 song vẫn tiếp tục đi làm cho đến khi họ xét nghiệm dương tính tuần trước. Trong số 207 nhân viên ở đây, ít nhất 100 người đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. 

Tình hình đã khiến Chính phủ Hàn Quốc phát hành bộ quy tắc hướng dẫn đối với các công sở đông đúc – những nơi rất dễ bị lây nhiễm tập thể - và đề xuất các biện pháp như cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc bố trí lịch làm việc so le. 

Chú thích ảnh
Một người đàn ông chỉnh lại khẩu trang y tế cho con trên đường phố Seoul. Ảnh: Reuters

Là nơi sinh sống của 10 triệu dân, Seoul đã ghi nhận 238 trường hợp mắc COVID-19 khiến thủ đô này là khu vực bị ảnh hưởng nặng thứ ba sau thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. Số người nhiễm virus đang gia tăng khi xuất hiện thêm các ổ dịch mới. 

Cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã làm dấy lên câu hỏi về vấn đề thiếu hệ thống nghỉ ốm phù hợp cũng như thái độ xem nhẹ một số bệnh phổ biến như cúm, sốt và ho. 

Khác với những quốc gia mà đa số người lao động có thể nghỉ ốm hưởng lương như Anh, Pháp hay Singapore, các công ty ở Hàn Quốc muốn nhân viên nếu cảm thấy không khỏe thì đi khám bác sĩ, uống thuốc rồi tiếp tục đi làm. Luật lao động Hàn Quốc đảm bảo ít nhất 11 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm, song không rõ nếu họ xin nghỉ ốm thì thế nào. 

Ông Park Dong-hak, luật sư tại công ty luật lao động Hae Myung, nói với The Straits Times rằng Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động và Đạo luật Quan hệ Lao động Hàn Quốc không quy định rõ ràng về nghỉ ốm hoặc nghỉ phép do bệnh tật. 

Vì vậy, trong khi các công chức được quyền nghỉ ốm do bệnh thông thường, hầu hết các công ty sẽ chỉ cho nhân viên nghỉ nếu mắc bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc gãy chân. Người bị bệnh hoặc cần nghỉ ngơi 1 - 2 ngày sẽ phải dùng đến quyền lợi nghỉ phép hàng năm.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của công nhân phòng COVID-19 tại một công trường xây dựng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/3. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài báo nhan đề “Một đất nước không được nghỉ ốm hưởng lương”, tờ Hankyoreh tháng 5/2019 phản ánh rằng cứ 100 công ty trên 10 nhân viên thì chỉ có 7 công ty cho phép người lao động nghỉ ốm mà vẫn nhận lương ngày hôm đó. 

Tuy nhiên, theo ông Peter Cha, ngay cả khi họ được hưởng quyền lợi này, rất ít người lao động sử dụng nó vì “noonchi”. "Chúng tôi có một hệ thống nghỉ phép toàn diện, nhưng chúng tôi không thể sử dụng hiệu quả do các mối quan hệ xã hội và lo ngại về sự phân cấp bậc tại nơi làm việc", ông nói với Straits Times.

Điển hình, ông Steve Kim, 50 tuổi, chưa từng xin nghỉ ốm suốt 27 năm qua. Nơi làm việc hiện nay của ông Kim, một cơ quan công nghệ chính phủ, cho phép ba ngày nghỉ ốm hưởng lương hàng tháng. Ông chia sẻ: “Tôi không bao giờ cảm thấy ốm yếu đến nỗi không thể đi làm. 'Noonchi' từng là một lý do trong quá khứ. Hiện nay, tôi quá già nên không thể tuân theo điều này. Tuy nhiên, thật mừng khi chúng tôi được nghỉ phép nguyên lương, mặc dù tôi chưa từng sử dụng các quyền lợi này”. 

Đối với công dân Singapore làm việc trong các công ty Hàn Quốc, sự khác biệt trong thái độ đối với việc nghỉ ốm hưởng lương rất rõ ràng. Cô Vanessa Loo, 36 tuổi, quản lý tại một doanh nghiệp toàn cầu ở Seoul, chia sẻ cô bất ngờ khi biết rằng Hàn Quốc không có một hệ thống nghỉ ốm hưởng lương thích hợp, cũng như mọi người vẫn sẽ đi làm lúc ốm đau vì sợ bị sa thải. 

Một số nhà quan sát cho rằng tình trạng trên tại Hàn Quốc có thể thay đổi sau đợt dịch COVID-19 này. Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng nghìn người lao động đang làm việc tại nhà do lo ngại lây nhiễm tập thể tại văn phòng. Các văn phòng trên bao gồm trung tâm tổng đài điện thoại, các hãng thương mại điện tử và các bộ ngành chính phủ. 

Khảo sát mới đây do cổng thông tin nghề nghiệp Saramin thực hiện cho thấy có 40,5% trong số 1.089 công ty và doanh nghiệp sẵn sàng cho phép  nhân viên làm việc tại nhà để ngăn chặn dịch bệnh. 

Giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Seoul, ông Lee Jae-min cho rằng thái độ về nền văn hóa lao động cật lực đang dần thay đổi tại Hàn Quốc, đặc biệt trong lực lượng lao động trẻ tuổi, những người không ngại xin nghỉ làm nếu cảm thấy mệt. Ông nhấn mạnh rằng hệ thống này cũng cần phải thay đổi. 

“Có lẽ, chúng tôi nên nới rộng hệ thống nghỉ ốm để người dân có thể sử dụng thoải mái hơn. Quan niệm bình thường của người Hàn Quốc là thế giới này có thể đổ sập nếu chúng tôi ở nhà thay vì đi làm. Nhưng giờ đây, chúng tôi biết chẳng có gì phải lo lắng và mọi chuyện sẽ còn tốt hơn nếu chúng tôi ở nhà. Đó là điểm tích cực của dịch COVID-19”, ông Lee Jae-min nhận xét. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức