08:00 07/08/2021

Olympic Tokyo 2020 - Một kỳ Thế vận hội ấn tượng

Sau 1 năm phải hoãn do dịch bệnh COVID-19 cũng như ít được thi đấu các giải, trước khi bước vào Olympic Tokyo 2020, giới chuyên gia và người hâm mộ "lo lắng" về thành tích của các VĐV. Tuy nhiên, tại Nhật Bản đã chứng kiến những kỳ tích của những VĐV về nhiều kỷ lục thế giới, Olympic, châu lục, quốc gia được thiết lập. Các VĐV đều thi đấu hơn khả năng của mình.

Những kỷ lục khó phai

"Kình ngư" Caeleb Dressel đang là ngôi sao sáng nhất Olympic Tokyo 2020, khi anh mang về cho đội tuyển bơi Mỹ tới 5 tấm HCV ở 6 nội dung đăng ký tham dự, trong đó có 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới tại Thế vận hội năm nay.

Chú thích ảnh
"Kình ngư" Mỹ Caeleb Dressel gây sốt với 5 HCV và 4 kỷ lục Olympic. Ảnh: AFP/TTXVN

Caeleb Dressel -người được mệnh danh là truyền nhân của huyền thoại Michael Phelps- về nhất ở các nội dung 50m tự do nam (21 giây 07, phá kỷ lục Olympic), 100m tự do nam (47 giây 02, phá kỷ lục Olympic), 100m bướm (49 giây 45, phá kỷ lục thế giới và Olympic). Ở nội dung đồng đội, Dressel giành HCV nội dung 4x100m tự do tiếp sức nam (3 phút 08 giây 97) và 4x100m hỗn hợp tiếp sức (3 phút 26 giây 78, phá kỷ lục thế giới và Olympic).

Ở nội dung điền kinh của Olympic 2020, có nhiều kỷ lục thế giới mới được thiết lập, trong đó có 1 kỷ lục Olympic bị phá lần đầu tiên sau 33 năm ở nội dung chạy 100m của nữ.

Với thành tích 10,61 giây, VĐV Jamaica Elaine Thompson-Herah không chỉ bảo vệ thành công chiếc HCV ở Rio 2016 mà còn phá luôn kỷ lục Olympic tồn tại suốt 33 năm do cố nữ VĐV huyền thoại Florence Griffith Joyner (Mỹ) thiết lập từ năm 1988 (10,62 giây). Elaine Thompson-Herah sau đó cũng chiến thắng luôn nội dung 200m nữ (thành tích 21,53 giây) để trở thành nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV 2 nội dung chạy nước rút 100m và 200m ở 2 kỳ Olympic liên tiếp.

Ở nội dung 400m rào nam, VĐV Na Uy Karsten Warholm đã đi vào lịch sử điền kinh khi phá kỷ lục thế giới của chính mình. Với 46 giây 70, VĐV 25 tuổi này cũng phá kỷ lục 400m rào nam tồn tại suốt 29 năm, do cựu VĐV Kevin Young (Mỹ) lập tại Olympic 1992.

Chú thích ảnh
Vận động viên Lasha Talakhadze của Georgia tiếp tục thể hiện sức mạnh trong môn cử tạ hạng trên 109kg nam tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở môn cử tạ, với thành tích 223kg cử giật, 265kg cử đẩy và 488kg tổng cử, lực sỹ Lasha Talakhadze (Georgia) đã thiết lập 3 kỷ lục Olympic, phá 3 kỷ lục thế giới và bảo vệ được màu huy chương như VĐV này từng giành được ở Rio 2016.

Lasha Talakhadze được mệnh danh là người "khoẻ nhất hành tinh". Kể từ tấm HCV đầu tiên tại Giải vô địch cử tạ thế giới (WWC) năm 2015, "Gã khổng lồ" cứ thi đâu thắng đấy, bất bại trên mọi mặt trận. Đô cử 27 tuổi này thậm chí luôn đứng đầu ở cử giật, cử đẩy lẫn tổng cử.

Olympic của những nghị lực, ý chí

Diễn ra trong thời điểm thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19, nhưng đến thời điểm này Olympic Tokyo 2020 đã diễn ra vô cùng thành công và ấn tượng.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach khẳng định: Thế vận hội gặp khó khăn do dịch COVID-19, việc Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra truyền tải thông điệp "đừng bao giờ bỏ cuộc", đồng thời nhấn mạnh sự đoàn kết để vượt qua khó khăn.

Chú thích ảnh
Mang sức mạnh tinh thần lớn lao, nhà vô địch thế giới 7 môn phối hợp Katarina Johnson-Thompson gục ngã trên đường chạy 200m, nhưng từ chối chăm sóc y tế để tập tễnh về đích. Ảnh: AP

Ông Bach nhấn mạnh, Tokyo là thành phố đăng cai Olympic có sự chuẩn bị tốt nhất từ trước tới nay và thực tế đang diễn ra đã cho thấy nhận định này là đúng.

Chủ tịch IOC dẫn ra một số lý do như hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mà thành phố đã thực hiện trước và trong thời gian diễn ra thế vận hội mùa hè.

Sự khác biệt lớn nhất trong kỳ thế vận hội lần này là hầu hết các cuộc thi được tổ chức mà không có khán giả cổ vũ, biến các môn thi đấu thành một sự kiện được tường thuật trực tiếp qua màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên điều đó cũng không làm ảnh hưởng qua nhiều đến tinh thần thi đấu của các VĐV.

Nhà vô địch thế giới 7 môn phối hợp Katarina Johnson-Thompson gục ngã trên đường chạy 200m, nhưng từ chối chăm sóc y tế để tập tễnh về đích.

Ở phần thi chạy 200m thuộc nội dung bảy môn phối hợp nữ, VĐV người Anh 28 tuổi vượt lên dẫn đầu nhóm. Nhưng ngay trước khi tới mốc 100m, cô phải giảm tốc độ, chạy tập tễnh rồi chuyển sang cò lò chân trái. Cô nằm xuống, tay trái ôm đầu, tay phải ôm bắp chân phải. Các nhân viên y tế chạy đến tỏ ý muốn chăm sóc cho Johnson-Thompson. Họ muốn đỡ cô lên xe đẩy, nhưng cô từ chối, đứng dậy và bước đi tiếp. Đương kim vô địch thế giới ban đầu chạy cò lò bằng chân phải, rồi tập tễnh về đích. Một đối thủ chờ ở đích để khoác vai cô động viên.

Tay vợt bóng bàn nữ người Ba Lan Natalia Partyka từng là một huyền thoại của làng bóng bàn khuyết tật khi từng giành đến 5 HCV trong các kỳ Paralympic. Partyka luôn quyết tâm chứng tỏ mình cũng chẳng thua kém gì các tay vợt bình thường và luôn nỗ lực thi đấu song song cả hai đấu trường. Partyka từng lọt vào top 50 thế giới.

Đây cũng là kỳ Olympic thứ 4 Partyka tham dự. Cô vượt qua vòng 1 khi thắng đối thủ người Australia và dừng bước ở vòng 2 khi thua tay vợt hạng 36 thế giới Meshref Dina.

Chú thích ảnh
Olympic dành chỗ cho cả những VĐV miệt mài theo đuổi giấc mơ. Ảnh: DM

Olympic thường được xem là đấu trường tôn vinh sức trẻ. Nhưng sự miệt mài theo đuổi giấc mơ giành huy chương Olympic của VĐV 66 tuổi ở môn cưỡi ngựa Mary Hanna khiến tất cả thán phục. Mary Hanna chính là VĐV cao tuổi nhất tham dự Olympic Tokyo.

Tốt nghiệp ngành mỹ thuật, năm 40 tuổi, bà Mary mới theo đuổi sự nghiệp VĐV. Và ngay lần đầu tiên, bà đã giành vé dự Olympic Atalanta 1996. Từ đó đến nay, bà chỉ vắng mặt ở Olympic Bắc Kinh 2008. Trước khi lên đường sang Nhật Bản dự kỳ Olympic thứ 6, bà Mary đón đứa cháu thứ 4 vừa ra đời.

Bên cạnh đoàn thể thao người tỵ nạn, Olympic Tokyo 2020 chứng kiến sự góp mặt của một đoàn đặc biệt mang tên Ủy ban Olympic Nga (ROC). Hơn 300 VĐV là người Nga nhưng thi đấu với tư cách là VĐV trung lập, mang cờ có biểu tượng của Thế vận hội. Nếu một VĐV Nga giành HCV, "Bản hòa tấu piano số 1" của P.Tchaikovsky sẽ được phát thay cho quốc ca Nga. Án phạt trên được Cơ quan chống doping thế giới đưa ra sau bê bối liên quan đến doping của thể thao Nga từ năm 2018.

Đã có những lo ngại về tinh thần thi đấu của các VĐV Nga khi họ không được đại diện cho quốc gia mình, phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của án phạt. Trái lại, VĐV Nga đang đoàn kết hơn bao giờ hết, nỗ lực cống hiến hết mình để vượt lên thách thức. Họ vẫn thi đấu mạnh mẽ và đầy khát vọng.

L. Sơn/Báo Tin tức