07:09 28/07/2012

Olympic: Giấc mơ từ những vùng bom đạn

Họ không là tiêu điểm của giới truyền thông, cũng không được các nhà tài trợ mặn mà chú ý. Nhưng với một số vận động viên điền kinh ít ỏi đến tham dự Olympic London 2012 từ Afghanistan hay những vùng lãnh thổ Palestine, giấc mơ của họ đã thành hiện thực ngay từ lúc này.

Họ không là tiêu điểm của giới truyền thông, cũng không được các nhà tài trợ mặn mà chú ý. Ngay cả những điều kiện tập luyện tốt, họ cũng không có. Nhưng với một số vận động viên điền kinh ít ỏi đến tham dự Olympic London (Luân Đôn) 2012 từ Afghanistan (Ápganixtan) hay những vùng lãnh thổ Palestine (Palextin), giấc mơ của họ đã thành hiện thực ngay từ lúc này.


Trong các nội dung của ngày thi đấu đầu tiên 28/7, sẽ có hai vận động viên điền kinh Palestine tham gia là Baha al-Farra ở cự ly 400 mét nam và Woroud Sawalha ở cự ly 800 mét nữ. Họ đã phải trải qua không ít gian khổ để có thể góp mặt trong ngày hội thể thao thế giới này.


Huấn luyện viên Majed Abumarahil của họ tâm sự: "Rất khó để tập luyện tại Palestine. Không có sân cũng như dụng cụ tập luyện. Môi trường hoàn toàn không thích hợp với bạo lực luôn có nguy cơ nổ ra ở mọi nơi". Hai VĐV điền kinh này thường phải đi tới các quốc gia Arập khác như Ai Cập, Cata hay Jordan (Gioócđani) để luyện tập.
HLV này cũng kể lại những chặng đường khó khăn khi đi lại từ Dải Gaza đến Bờ Tây, hai lãnh thổ của Palestine bị Israel (Ixraen) chia cắt và kiểm soát an ninh chặt chẽ: "Xaoanha ở Nablus ở Bờ Tây vì thế tôi phải tới đó từ Gaza để cùng cô ấy tập luyện. Vấn đề là tôi phải vượt qua rất nhiều trạm kiểm soát, lần nào cũng phải giải thích tôi là ai, đến đây với mục đích gì".


Cách thuận tiện hơn cả cho đoàn VĐV Palestine là cùng ra nước ngoài tập luyện. Và HLV Abumarahin cũng không giấu giếm sự thỏa nguyện: "Với tôi, mục tiêu đã hoàn thành khi có mặt tại đây. Và khi chứng kiến tên tuổi các học trò bên cạnh những huyền thoại như Usain Bolt hay Asafa Powell, tôi sẽ hạnh phúc tột cùng".
Câu chuyện của VĐV Tahmina Kohistani, gương mặt nữ duy nhất trong đội điền kinh Afghanistan tại Olympic London 2012 cũng có phần tương tự.


Cô tâm sự: "Tôi biết để mơ được huy chương là rất khó khắn. Nhưng tôi có mặt ở đây để mở ra một con đường mới cho nữ giới ở Afghanistan.


Tại quê hương, mỗi ngày khi tập luyện tôi đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Luôn có những người cản trở, chê bai tôi. Trong xã hội Afghanistan, không có khái niệm thể thao cho phụ nữ". Kohistani, 23 tuổi, cũng sẽ thi đấu ở London với trang phục rất kín đáo là quần dài, tất dài và khăn trùm đầu.


Mặc dù thừa nhận khó lọt vào được vòng chung kết cự ly 100 mét nhưng Kohistani cho rằng sự hiện diện của cô tại Olympic lần này đã là một giấc mơ đích thực: "Trở thành một nữ VĐV điền kinh Hồi giáo là quan trọng nhất đối với tôi. Tôi vinh dự khi được đại diện cho quốc gia. Dù ở đó, các vụ bạo lực vẫn diễn ra hàng ngày nhưng tôi muốn thể hiện rằng tinh thần thể thao vẫn luôn hiện diện, ở cả phụ nữ".



TTXVN/Tin tức