12:22 07/12/2011

Ốc đảo chưa thoát nghèo

Nhiều đời qua đi, cái nghề “định mệnh” này vẫn cứ bám níu người dân “ốc đảo” như là duyên kiếp từ nhiều đời trước để lại. Thử hỏi với mức thu nhập chỉ có vỏn vẹn chưa đến 20.000 đồng/ngày thì người dân nơi “ốc đảo” sẽ phải ứng phó như thế nào trước thời “bão giá” như hiện nay,...

Vốn dĩ là một làng cổ của xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nhưng thôn Đông Bình lại nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, trở thành một “ốc đảo” nằm lơ lửng giữa “phố ba sông” (sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang). Hơn mấy trăm năm nay, những người dân “xứ đảo” này lại chưa một ngày được sống một cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến một ngày “ốc đảo” sẽ có cầu, có nước sạch, có điện - đường - trường - trạm,…

Thôn vẫn còn … nghèo!

Chúng tôi về thăm Đông Bình vào đúng mùa mưa lũ, cây cầu phao bằng tre “gập ghềnh, lắt lẻo khó đi” được xếp vào “ngủ đông”, nhường chỗ cho con đò ngang. Đứng bên này sông, nhìn sang bên kia, thôn Đông Bình nằm lạc lõng giữa biển nước mênh mông. Những con sóng dữ từ đầu nguồn cứ ùn ùn đổ về mang đến nhiều hiểm nguy mới. Chiếc đò vẫn là phương tiện đi lại duy nhất và cố hữu của người dân “ốc đảo” vào mùa lũ.

Nhìn từ bên này sông Trường Giang, “ốc đảo” Đông Bình ngoi lên giữa lòng “đại dương” bao la trong màu xanh của cây cói


Men theo con đường nhỏ, chúng tôi về với những hộ gia đình nơi xóm nghèo. Đường vào thôn mùa nước lớn hoang vắng. Có lẽ, giữa trời mưa gió bão bùng này thì cũng không còn mấy ai ham ra triền sông mò cua, bắt ốc. Dù mang tiếng mảnh đất ngã ba sông trĩu nặng phù sa bồi đắp, nhưng Đông Bình lại là một “ốc đảo” còn lắm cằn cỗi và hoang sơ. Mấy chục năm đã trôi qua, cuộc sống đã lắm đổi thay, song Đông Bình ngày ấy… và bây giờ vẫn thế! Cuộc sống lam lũ miền sông nước với cái nghèo, cái khó vẫn cứ ám ảnh người dân nơi đây.

Vào mùa lũ, cây cầu phao bằng tre đi “ngủ đông” để nhưỡng chỗ cho con đò nhỏ.


Cũng giống như bao gò đất nổi lên giữa sông, Đông Bình là gò đất nổi doi lên ở vị trí ngã ba sông. Không ai biết rõ gò đất này hình thành tự bao giờ và “thọ” được bao nhiêu năm tuổi. Chỉ biết, tên gọi làng chiếu Đông Bình (mà nay là Bàn Thạch) ra đời vào đầu thế kỷ XVII.

Năm 2011, cả thôn có 171 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo (so với năm 2010, giảm 16 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo). Hộ nghèo của thôn đã chiếm đến gần 50% và là thôn có số hộ nghèo nhiều nhất toàn huyện. Trong tổng số 363 hộ dân với 1.356 nhân khẩu thì có đến trên 70% làm nghề dệt chiếu, số còn lại sống bằng nghề đánh lưới, thả lồng ven triền sông. Hai nghề này là sinh kế duy nhất giải quyết cái ăn qua ngày và chuyện học hành của con cái trên đảo. Nhưng rồi, nghề dệt chiếu cũng trở nên mong manh, nghề đánh bắt cũng khan hiếm. Thôn dần vắng bóng những tiếng cút kít bên khung dệt. Những mỏn đất nhỏ ven sông cũng trở nên hiu quạnh. 20.000 đồng/ngày từ nghề dệt chiếu, 25.000 đồng/ngày từ nghề đánh bắt cũng chẳng thấm vào đâu. Nhiều người muốn thoát nghèo đã bỏ xứ đi làm ăn xa, mong sao khấm khá hơn.

Vẫn còn đó những mái nhà lụp sụp ven sông Trường Giang cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ.


Cuộc sống vùng sông nước, nỗi day dứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi làng quê thanh bình này. Người dân nơi đây hiểu lắm nỗi khổ cực và lam lũ của những người dân quê. Ông Võ Đức Cương (54 tuổi, Trưởng thôn Đông Bình) chia sẻ: “Cả thôn nhỏ có 363 hộ nhưng có đến 254 hộ làm nghề dệt chiếu và 100 hộ làm nghề chài lưới. Nói chung thu nhập còn khá thấp và bấp bênh. Có nhiều gia đình, vì không chịu khuất phục trước số phận nghèo truyền kiếp đã quyết tâm đầu tư cho con em đi học, mong sao chúng nó tìm mảnh đất khác mà sinh cư, lập nghiệp. Nhiều con em của thôn đã, đang trở thành những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân…”.

Mơ ước ngày thoát nghèo

Theo lời kể của một số vị cao niên trong thôn, chúng tôi được biết làng nghề đã có lịch sử ngót 450 năm. Khi còn ở thời “hoàng kim”, sản phẩm làng nghề nổi tiếng gần xa, từng là sản phẩm trao đổi của các thương nhân Hoa kiều và cống phẩm cho triều đình. Tiếng thơm là vậy, nhưng giờ đã lùi về dĩ vãng…

Nghề “mò cua, bắt ốc” triền sông vẫn không thể làm cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khấm khá


Chị Trần Thị Bé (35 tuổi, tổ 11, gia đình 4 đời làm chiếu) trầm ngâm: “Cả làng không còn mấy người làm nghề này. Làm quần quật cả ngày chỉ kiếm được khoảng 20.000 đồng. Biết là khổ, là cực nhưng đã có duyên với nó thì cố mà giữ lấy, thà có còn hơn không”.

Nghề dệt chiếu từ bao đời nay là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân sống trên đảo.


Sở dĩ làng nghề gặp khó khăn một phần cũng vì giao thông cách trở, toàn thôn bị cô lập với “thế giới bên ngoài” bởi một dòng sông bạt ngàn nước, nhất là vào mùa lũ. Thêm vào đó, đất đai không thể trồng được giống cây nào ngoài cây cói. Vì thế mà lẽ ra là không ai và không gia đình nào có thể bỏ được nghề. Có lẽ, chưa sống, chưa ở nên chúng tôi chưa thể nào hiểu hết nỗi thống khổ của những người dân nơi đây phải trải qua. Nếu mùa này là độ đầu thu (tức tháng 7) thì mới nếm hết nỗi nhọc nhằn từ nghề làm chiếu. Từ 3 giờ sáng, người già, trẻ nhỏ đã phải thức dậy để còng lưng trên những bãi cói của mình để cắt, tỉa, chẻ, rồi đem phơi từ 2-3 nắng.

Nếu gia đình nào không có nhân công thì một sào cói có khi phải chẻ đến hàng tháng trời mới xong. Khi trời nắng to, để cho thân cói khô đều, người dân phải thường xuyên trở cói.

Vào mùa lũ, học sinh nơi “ốc đảo” này phải thức dậy từ rất sớm để kịp chuyến đò ngang sang sông đến trường.


Nhiều đời qua đi, cái nghề “định mệnh” này vẫn cứ bám níu người dân “ốc đảo” như là duyên kiếp từ nhiều đời trước để lại. Thử hỏi với mức thu nhập chỉ có vỏn vẹn chưa đến 20.000 đồng/ngày thì người dân nơi “ốc đảo” sẽ phải ứng phó như thế nào trước thời “bão giá” như hiện nay, rồi còn chăm sóc sức khỏe, học hành của con cháu, nhưng trên hết vẫn là tìm hướng đi để làng nghề “không chết” trước nguy cơ bị xóa sổ!

Vừa đi vào thôn, anh Đỗ Văn Hồng (30 tuổi, tổ 14) vừa trăn trở: “Đến mùa nước lên, người đi đò thấp thỏm lo âu trước sóng dữ. Sợ và khổ nhất vẫn là các em học sinh đến trường. Từ 3,4 giờ sáng, các em đã thức dậy để tranh thủ qua đò cho kịp buổi học. Có khi, vì sợ các em trễ học, người lái đò phải chở quá số lượng quy định”… Vào mùa lũ, “ốc đảo” hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chăm sóc sức khỏe, học hành, thông thương với đất liền đến phát triển nghề chiếu cũng bị đình trệ. Điều này đã gây tâm lý bất an và nơm nớp lo sợ.

Sóng dữ, gió to có thể “vật ngã” con đò nhỏ này lúc nào không hay.


Anh Nguyễn Ánh Rô (40 tuổi, người lái đò nhiều năm tại nơi đây) tâm sự: “Do con đò nhỏ nên nhiều lúc người dân “ốc đảo” đi khám chữa bệnh hay bị đau ốm thất thường muốn chuyển qua trạm xá xã hoặc bệnh viện huyện phải chờ đợi, chầu chực rất lâu mới có chuyến đò sang sông. Vào buổi tối hay mùa lũ thì cũng đành “bó tay”. Nếu trước đây, người dân có thói quen ra bờ sông để tắm giặt, lấy nước uống thì nay không còn nữa. Nguồn nước không còn sạch… Chung quy vẫn là thôn đảo chưa có cầu”.

Vào mùa đông, thôn bị cô lập, người dân lại nơm nớp nỗi lo thiếu ăn, sự hoành hành của “hà bá” có thể “nuốt” chửng “ốc đảo” khi nào không hay. Tuy là nghèo nhưng con cái trong thôn vẫn được học hành đến nơi đến chốn, thanh niên ít thất nghiệp, cảnh già không neo đơn. Gia đình ông Võ Đức Cương đã nhiều đời sống trên đảo, nhưng nỗi day dứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi gia đình ông. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày thôn nghèo sẽ có cầu, có nước sạch, có thu nhập từ nghề chiếu ổn định.

Bài và ảnh: Dương Văn Út