11:09 16/11/2012

Obama công du Đông Nam Á: Tiếp nối để phát triển

Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế gần đây là chuyến công du Đông Nam Á (từ ngày 7-12.11) với các chặng dừng chân tại Mianma, Thái Lan và Campuchia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á của Tổng thống Mỹ tái cử Barack Obama.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế gần đây là chuyến công du Đông Nam Á (từ ngày 7-12.11) với các chặng dừng chân tại Mianma, Thái Lan và Campuchia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á của Tổng thống Mỹ tái cử Barack Obama. Giới phân tích quốc tế nhận định, lần trở lại châu Á này đánh dấu sự tiếp nối chính sách hướng Đông của Nhà Trắng, vốn được thực hiện mạnh mẽ trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama.


Đất lành


Có thể nói vậy về châu Á, nơi quy tụ những gương mặt sáng giá của nền kinh tế thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Tăng trưởng trung bình 8%/năm của các nước châu Á trong suốt hai thập kỷ qua – gấp ba lần các nước giàu - đã mang lại nhiều lợi ích cho thế giới. Trong “bão” tài chính toàn cầu vừa qua, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đã chứng tỏ bản lĩnh của “các anh tài” không “ngã tay chèo trước sóng cả”, trở thành đầu tàu vực dậy nền kinh tế thế giới.


Tổng thống Obama đã chọn Đông Nam Á là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử. Ảnh: AFP -TTXVN


Mặc dù các tổ chức tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều hạ dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm nay do tác động từ đà phục hồi chậm tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công của các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song mức tăng trung bình 6,1% của châu lục này vẫn là con số mơ ước.


Theo dự báo của ADB, trong năm 2012, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đạt mức tăng trưởng 7,7% và sẽ tăng lên 8,1% vào năm 2013, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9,3% của năm 2011. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo đạt tăng trưởng 5,6% trong năm nay và tăng lên 6,7% vào năm 2013, so với mức 6,5% năm 2011. Tuy nhiên, đà tăng trưởng chậm lại sẽ làm dịu áp lực về giá và lạm phát cũng sẽ giảm, từ mức 5,9% năm 2011 xuống 4,2% cho cả hai năm 2012 và 2013, nếu không xảy ra tăng đột biến giá lương thực và nhiên liệu quốc tế. Đông Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất, với mức 6,5% năm 2012 và 7,1% năm 2013, so với mức 8,1% năm 2011.


Đây thực sự là những con số ấn tượng cho thấy sức bật mạnh mẽ của các nước trong khu vực và châu Á là điểm đến hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới là điều dễ hiểu.


Tăng cường quan hệ


Thực tế, trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Obama đã có những sự chuyển hướng rõ rệt. Từ thái độ thờ ơ, bàng quan dưới thời người tiền nhiệm George W.Bush, chính quyền Obama đã nhanh chóng hướng sự quan tâm tới châu Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Mỹ đã coi mình không chỉ là cường quốc Đại Tây Dương mà còn là cường quốc Thái Bình Dương. Thậm chí, Tổng thống Obama, từng có thời gian sống tại Inđônêxia, đã tự nhận mình là vị tổng thống Thái Bình Dương.


Chính sách hướng Đông của Oasinhtơn đã được triển khai mạnh mẽ và khá hiệu quả trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama. Vậy nên, sự trở lại châu Á lần này của ông chủ Nhà Trắng ngay sau khi tái cử nhiệm kỳ hai không khiến dư luận quốc tế ngạc nhiên. Đa phần chung nhận định rằng đây là sự tiếp nối để chính quyền Obama phát triển những điều đã làm được, làm mới những quan hệ đồng minh cũ (Hàn Quốc, Nhật Bản), tìm kiếm những đối tác mới (Mianma) và xích lại gần hơn với với các đối tác – đối thủ (Trung Quốc). Điều này cho thấy châu Á có ý nghĩa với Mỹ, và Oasinhtơn “quyết duy trì vai trò ưu thế trong vùng về dài hạn”. Còn nhà báo Robert Kaplan của tờ The Atlantic lại nhận xét, châu Á là “tâm điểm chiến lược của thế kỷ mới”. Cả hai nhận định đều có cơ sở, khi mà chiến lược dài hạn của Mỹ cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu quyền lực thế giới giữa Tây và Đông.


Dừng chân tại Mianma, chuyến thăm của ông Obama nhằm củng cố các mối quan hệ chiến lược và kinh tế của Mỹ với một quốc gia được đánh giá sẽ là ngôi sao mới tại châu Á. Tháng 12/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Mianma và phát tín hiệu Mỹ sẽ nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ và nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Mianma. Sau khi Mianma công bố Luật Đầu tư, các tập đoàn lớn của Mỹ, kể cả tập đoàn General Electric, Coca Cola, MasterCard và Visa, bắt đầu triển khai hoạt động tại nước này. Tháng 10/2012, một phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ thăm Mianma để thúc đẩy các mối quan hệ.


Hai điểm đến Thái Lan và Campuchia cũng không kém phần quan trọng. Việc nhà lãnh đạo Oasinhtơn tới Băngcốc được nhìn nhận là để “tiếp sức” cho liên minh tồn tại hàng chục năm nay tại một trong những quốc gia mà uy tín cá nhân của ông Obama có ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, Mỹ muốn tái khẳng định cam kết an ninh với Thái Lan. Trong khi đó, tại Campuchia, Tổng thống Obama sẽ có dịp gặp các đối tác lớn tại Đông Á.


Theo nhiều nhà quan sát, việc ông Obama và các nhà lãnh đạo quân sự, ngoại giao của Mỹ đến Thái Lan và Mianma lần này cho thấy Oasinhtơn muốn xác định rõ đồng minh, bạn, đối tác và đối thủ trong khu vực, tùy theo cấp độ chiến lược và chiến thuật của Mỹ.


Ngoài chuyến công du của Tổng thống Obama, trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng Tổng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Martin E. Dempsey và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel J. Locklear III đã có cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng với giới chức Ôxtrâylia nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh lâu đời quan trọng với Canbơra. Dù ông Obama không có mặt nhưng phái đoàn hùng hậu của Mỹ tới Ôxtrâylia được coi là thông điệp của ông Obama rằng tương lai, kinh tế và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào các diễn tiến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.



Phương Hồ