03:08 22/03/2012

Ô nhiễm không khí gia tăng do khoảng trống trách nhiệm?

Chứng kiến cảnh đường phố Hà Nội đông đặc các loại phương tiện tham gia giao thông, hình ảnh xe buýt xả đám khói đen ngòm giữa phố, người ngồi trên xe máy phần lớn phải bịt mặt bằng khẩu trang...

Chứng kiến cảnh đường phố Hà Nội đông đặc các loại phương tiện tham gia giao thông, hình ảnh xe buýt xả đám khói đen ngòm giữa phố, người ngồi trên xe máy phần lớn phải bịt mặt bằng khẩu trang... qua màn hình trình chiếu, các diễn giả tham gia Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí và giao thông Hà Nội” do Tổng cục Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội thật sự “giật mình” về tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã quá sức chịu đựng.

Giao thông là... “thủ phạm” chính


Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không chỉ có Hà Nội, chất lượng không khí ở hầu hết các thành phố của Việt Nam đều bị ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Ô nhiễm chủ yếu xuất hiện ở các nút giao thông, khu vực gần nơi có các hoạt động giao thông vận tải (GTVT), xây dựng (XD), làng nghề, công nghiệp và dân sinh...

Du khách nước ngoài đeo khẩu trang khi tham quan Hà Nội vì lo ngại ô nhiễm không khí.


Về nguồn và tỉ lệ gây ô nhiễm không khí, ông Nguyễn Văn Thúy, quyền Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, 70% là từ các hoạt động giao thông. Trong khi số lượng ô tô, xe máy tăng nhanh thì vấn đề kiểm soát chất lượng để loại trừ các phương tiện ô tô, xe máy không đủ tiêu chuẩn lưu hành còn hạn chế. Khi các phương tiện chất lượng thấp tham gia lưu thông, hậu quả là tiêu thụ nhiên liệu cao, khí thải nhiều và gây tiếng ồn lớn.
Bên cạnh nguồn khí thải từ giao thông, nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp cũng chiếm tỷ lệ đáng kể do các ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống và sản xuất kim loại, chế biến lâm sản, nội thất, giấy... Số liệu quan trắc cũng cho thấy, lượng chất thải SO2 (chất gây ô nhiễm không khí có nồng độ thấp trong khí quyển) chiếm tỉ lệ 25 – 27% ô nhiễm, “đóng góp” khoảng 1.462 – 1.596 tấn/năm.

“Khoảng trống” trách nhiệm

Cho rằng không có khoảng trống trong việc kiểm soát chất lượng không khí, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT nhấn mạnh, các quy định pháp luật khá đầy đủ, cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường. Các văn bản cụ thể như về kiểm soát chất lượng xăng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/2000/CT - TTg về việc triển khai sử dụng xăng không pha chì; các Nghị định của Chính phủ về niên hạn sử dụng đối với ô tô tải và ô tô chở người, làm cơ sở pháp lý để loại bỏ các phương tiện kém chất lượng; Quyết định 249/2005/QĐ - TTg về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe máy... cùng các quy định cụ thể về Quy chuẩn Việt Nam khí thải công nghiệp.

“Từ các quy định nêu trên, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả trong việc kiểm soát khí thải tại nguồn của phương tiện như thắt chặt hơn các tiêu chuẩn phát thải, loại bỏ phương tiện không đạt yêu cầu, xây dựng các trung tâm thử nghiệm phát thải, xây dựng hệ thống quan trắc trên toàn quốc...!”, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm khẳng định.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng chất lượng không khí ngày càng ô nhiễm, Cục Kiểm soát ô nhiễm chỉ ra 3 vấn đề lớn:

Trước hết là cơ quan quản lý chưa có cách tiếp cận tổng thể trong quản lý chất lượng không khí. Nhiệm vụ có vẻ quy định rõ như quan trắc môi trường, báo cáo hiện trạng (do Bộ TN&MT làm), kiểm soát khí thải từ phương tiện (do Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm), quy định tiêu chuẩn nhiên liệu (do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành) nhưng soi lại thì thấy việc kiểm kê phát thải, xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm soát nguồn thải, kiểm soát chất lượng nhiên liệu... chưa rõ ai chịu trách nhiệm.

Thứ hai là chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí. Nhưng nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại thuộc về Bộ Giao thông Vận tải (theo Quyết định 328 và Quyết định 256 của Thủ tướng Chính phủ). Trong khi cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về kiểm soát ô nhiễm giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan trung ương và địa phương chưa được thực hiện. Chẳng hạn như, việc kiểm soát, đánh giá nguồn thải, phạm vi trách nhiệm của Bộ TN&MT và các bộ GTVT, Xây dựng, Công thương đến đâu?

Cuối cùng, việc kiểm soát ô nhiễm không khí còn ngỏ do thiếu văn bản pháp luật đặc thù cho công tác quản lý môi trường không khí. Trong Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác về BVMT không khí ghi quá chung chung, khó thực hiện. Thực tế là các quy định về nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại... đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí chưa có.

Nêu 3 tồn tại trên, Cục Kiểm soát môi trường cho rằng, chừng nào những bất cập nêu trên chưa được giải quyết, thì tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng vẫn chưa có giải pháp xử lý và quản lý hữu hiệu.

Xuân Hương