03:01 29/03/2020

Ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai gồm những nguồn lây nhiễm nào?

Bệnh viện Bạch Mai được xác định là một trong những ổ dịch có nguy cơ cao nhất cả nước trong thời điểm này.

Chú thích ảnh
 Bộ đội hóa học triển khai lực lượng phun hoá chất khử trùng, tẩy độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, UBND Thành phố Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai chiều 28/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về các biện pháp dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tính đến hiện tại, đã ghi nhận 12 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, dự báo con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Các chuyên gia cũng đánh giá, Bệnh viện Bạch Mai được xác định là một trong những ổ dịch có nguy cơ cao nhất cả nước trong thời điểm này.

Chú thích ảnh
Lực lượng bộ đội hóa học triển khai phun hoá chất khử trùng, tẩy độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Giang /TTXVN

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Các chuyên gia dịch tễ học đang theo dõi rất sát và phân tích để tìm ra đường lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai.

“Không chỉ hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế, còn có dấu hiệu của đường lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, qua điều tra dịch tễ tiếp, chúng tôi còn thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần vào bệnh viện. Cụ thể là một công ty cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 5 người nhiễm. Không chỉ vậy, nguồn lây bệnh còn đến từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, những người này thường di chuyển qua các bệnh viện. Vì vậy nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong bệnh viện và những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất lớn. Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà các bệnh viện khác phải đặc biệt chú ý hai nguồn này”, PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Danh sách 12 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.

5 ca là cán bộ, nhân viên bệnh viện, gồm:

Ca bệnh số 86 là điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Ca bệnh số 87 là điều dưỡng làm việc tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai)

Ca bệnh số 168 và ca bệnh số 169, đều là nhân viên cung cấp nước sôi tại Nhà ăn Trường Sinh của Bệnh viện.

Ca bệnh số 174 là nhân viên nhà ăn Trường Sinh của Bệnh viện Bạch Mai.

7 ca liên đới gồm:

Ca bệnh số 107, 25 tuổi, là con gái và sống cùng ca bệnh số 86, thường trú tại Thanh Xuân, Hà Nội.

Ca bệnh số 133, 66 tuổi ở Tân Phong, Lai Châu, trong tháng 3/2020 có đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị bệnh và ngày 22/3/2020 trở về nhà tại tỉnh Lai Châu và được xét nghiệm phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ca bệnh số 161, 88 tuổi , trú tại Văn Lâm, Hưng Yên, là người nằm cùng phòng với ca bệnh số 133 tại Phòng điều trị tự nguyên, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) từ ngày 17-22/3/2020.

Ca bệnh số 162, 63 tuổi, con dâu bệnh nhân số 161, ở Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội, là người vào chăm sóc ca bệnh số 161.

Ca bệnh số 163, 43 tuổi (cháu gái ca bệnh số 161), trú tại Long Biên, Hà Nội , là người vào chăm sóc ca bệnh số161.

Ca bệnh số 170, ở Kim Sơn, Ninh Bình. Trước đó bệnh nhân này có đi chăm bố tại Bệnh viện Bạch Mai và chuyển các khoa: Cấp cứu A9, khoa Tiêu hoá, ăn cơm tại căng tin Bệnh viện.

Ca bệnh số 172 là con dâu của ca bệnh số 133 đi chăm sóc ca bệnh số 133 trong vòng 23 ngày ở Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định: “Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000-15.000 người qua lại, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Vì vậy, đề nghị nhân dân cung cấp thông tin về tất cả những người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ ngày 12/3 để tiến hành khai báo và kiểm soát”.

Công việc quan trọng nhất hiện nay để khoanh vùng và ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan là phải lập được danh sách những người đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 12/3 đến nay, có thể do bệnh viện Bạch Mai lập danh sách bệnh nhân, nhân viên y tế, sinh viên y thực tập, các cán bộ y tế học tập trao đổi kinh nghiệm; những thu nhận truy vết từ hệ thống y tế cơ sở của Hà Nội và các tỉnh, thành; những đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ vào bệnh viện… Đồng thời kết hợp với điều tra dịch tễ học để phân loại các nhóm cần cách ly tập trung và xét nghiệm ngay, nhóm cách ly tại gia đình và được theo dõi y tế…

Đối phó với ổ dịch phức tạp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tập trung lực lượng của Bộ Y tế, của Thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và các cơ quan liên quan. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người vào viện trong chiều 28/3. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

UBND Thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị tạm dừng các dịch vụ hiện có tại Bệnh viện Bạch Mai (trừ dịch vụ tang lễ). Nếu có bệnh nhân tử vong tại bệnh viện thì thực hiện tang lễ theo đúng quy định trong thời điểm có dịch, mỗi đám tang không nên có quá 20 người tham dự.

Các y bác sỹ đang làm việc tại Bạch Mai cũng đồng thời thực hiện chế độ cách ly tập trung trong bệnh viện. Trong trường hợp cần thiết phải thay, thì những cán bộ, nhân viên y tế vào thay cũng thực hiện cách ly tập trung như vậy. Nếu có cán bộ, nhân viên y tế cần nghỉ ngơi thì họ có thể được ra ngoài, nhưng phải nghỉ ngơi trong cơ sở cách ly tập trung.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đều thấy việc dập được các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lan vào cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054, hiện chúng ta có hai ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là quán bar Buddah ở TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. Trong những ngày qua UBND Thành phố Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết. Tới đây, nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp một số điện thoại 8889 để những ai đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay nhắn tin thông báo, hoặc bất kể ai biết thông tin về những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian nêu trên có thể nhắn tin phản ánh. Số 8889 đi vào hoạt động từ 7h00 sáng 29/3/2020.

 

TN/Báo Tin tức