08:06 16/08/2017

'Nút thắt' xử lý nợ xấu được tháo gỡ

Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Điều này đặt ra vấn đề là phải tháo gỡ những vướng mắc và kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn.

Kiểm soát hệ thống nội bộ ngân hàng 

Trong phiên giải trình trước Quốc hội mới đây về một số vấn đề liên quan đến những vấn đề còn vướng mắc về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho hay: Từ năm 2011-2016, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng cần tăng cường kiểm soát hệ thống nội bộ của mình. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN.

Theo Thống đốc NHNN, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan để xảy ra tồn đọng nợ xấu. Trong đó về khách quan, thời gian qua sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới tác động rất mạnh và gây rủi ro rất lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước. Kinh tế trong nước cũng còn khó khăn, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh. Còn nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận là quy trình tín dụng của một số TCTD còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng.

“Năng lực quản trị rủi ro của một số TCTD còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt… Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định, đại diện NHNN nói.

Đại diện NHNN cho rằng: Trong việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể gây ra nợ xấu, tại Nghị quyết, Chính phủ cũng đã bàn rất kỹ, và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đề cập tới vấn đề này, TS- chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói: “Việc tồn đọng nợ xấu và những sai phạm của nhiều lãnh đạo ngân hàng trong thời gian qua cũng có sự liên quan ít nhiều. Có những nguyên nhân khách quan khác là nền kinh tế bị ảnh hưởng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến nợ xấu phát sinh. Nguyên nhân của tình trạng này còn là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán và kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, tức chiếm hơn 10% tổng dư nợ.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, lãnh đạo, cán bộ ngân hàng làm sai đã gây ra thiệt hại lớn cho ngân hàng, góp phần gia tăng nợ xấu. Thời gian gần đây, việc lực lượng cơ quan chức năng công khai hóa những sai phạm của những lãnh đạo, cán bộ trong hệ thống ngân hàng, vào cuộc của tòa án cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu hiệu quả trong tương lai”, ông Hiếu nói.

Kể từ ngày 15/8/2017, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ có hiệu lực. Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa của việc xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội. Cùng với việc xử lý sai phạm những cá nhân, tổ chức, các ngân hàng cần kiểm soát hệ thống nội bộ để làm lành mạnh hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Doanh nghiệp phục hồi, giảm nợ xấu

Không chỉ chờ Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 mà thời gian qua, nhiều NHTM đã khá chủ động trong việc xử lý bán tài sản đảm bảo (TSĐB) của các khoản nợ xấu cũng như đặt mục tiêu quyết tâm xử lý tồn đọng nợ xấu.

Tại hệ thống Sacombank, sau khi có chủ tịch mới, ngân hàng này tự tin đặt mục tiêu giải quyết nhanh nợ xấu và tài sản tồn đọng. Theo đó, trong vòng 3 năm (2017-2019) Sacombank dự kiến sẽ giải quyết khoảng 65-75% nợ xấu và tài sản tồn đọng mà đơn vị đã bán và sẽ bán cho VAMC, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 6,81% về mức 3%. Tính đến tháng 6/2017, ngân hàng này đã tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 247 tỷ đồng nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Đơn vị cũng xử lý thu hồi được trên 1.000 tỷ đồng đối với các tài sản cấn trừ, gán nợ. Với việc áp dụng các quy định xử lý nợ của Nghị quyết 42, Sacombank đặt mục tiêu sẽ xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu đến cuối 2017.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện NCB cho biết: Về nợ xấu, từ mức tỷ lệ gần hai con số, đến nay, dù lợi nhuận tăng mạnh, NCB vẫn kiểm soát được các khoản vay thuộc nhóm 3-4- 5 chỉ còn chiếm 2,07% tổng dư nợ. Kết quả kinh doanh của NCB trong những năm vừa qua khá tốt khi lợi nhuận tăng đều hơn 30% qua mỗi năm. Nợ xấu ở mức dưới 2,07 % tổng dư nợ, giảm 3 lần so với trước khi tái cấu trúc.

Để triển khai Nghị quyết 42, Agribank đã đặt ra là không chỉ xử lý nợ xấu mà còn gắn với hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong các phương án xử lý nợ, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trả nợ.

Theo đó, một mặt Agribank sẽ phối hợp với VAMC để triển khai ngay một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng có nợ xấu đã bán cho VAMC và đã xử lý dự phòng rủi ro trước ngày 15/8, bằng cách miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn, điều chỉnh lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu về mức lãi suất cho vay như hiện nay đang áp dụng. Với chương trình này, Agribank dự kiến giảm 30.000 tỷ đồng cho các khoản nợ đã được xử lý rủi ro và đã bán cho VAMC.

TS Trí Hiếu cho hay: Nghị quyết 42 có hiệu lực được xem là bước quan trọng trong việc xử lý nợ xấu mà nhiều năm qua chưa giải quyết được ổn thỏa. Vấn đề mấu chốt giúp ngân hàng có thể thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42 là sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật như: Bộ Công an, Toà án, cơ quan thi hành án…

“Nghị quyết trên là khẳng định quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nợ là các ngân hàng có thể xử lý tài sản đảm bảo. Phần lớn các khoản nợ xấu hiện nay đều có tài sản đảm bảo. Việc xử lý nợ xấu nhiều năm qua chậm và vướng mắc cũng chính từ tài sản đảm bảo đó thông qua con đường tố tụng cũng như là việc cưỡng chế thu hồi tài sản, thi hành án mất nhiều thời gian. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của HDBank là tăng cường phối hợp, giám sát khoản nợ xấu cùng với con nợ để xử lý. Trên cơ sở xử lý thu hồi tài sản, nhưng ngân hàng động viên khách hàng vay vốn có nợ xấu tìm nguồn trả nợ thông qua hình thức cắt giảm lãi suất, lãi suất phạt, để làm sao khi họ trả nợ xấu cũng cảm thấy được thoải mái nhất.”, TS. Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank nói.

Nghị quyết 42 sẽ tháo gỡ về cơ bản những vướng mắc của VAMC trong khi thực hiện giải quyết nợ xấu. Cái lớn nhất, cũng là vướng mắc tác động trực tiếp đến bản thân ngành Ngân hàng là khẳng định quyền chủ nợ và tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho cả VAMC, TCTD trong xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 có quy định rất quan trọng đó là cho phép VAMC, TCTD được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách. Đây là trở ngại rất lớn đối với VAMC cũng như TCTD trong thời gian qua bởi nó liên quan đến trách nhiệm người cho vay”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông nói.


Minh Phương/Báo Tin Tức