11:15 04/11/2020

Nuôi ruồi lính đen kết hợp với chăn nuôi đạt giá trị kinh tế cao

Nhiều năm qua, tại Đồng Nai, phong trào nuôi ruồi lính đen phát triển mạnh. Không chỉ cung cấp con giống, khi ấu trùng ra thị trường nhiều bà con đã kết hợp với chăn nuôi góp phần làm giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chú thích ảnh
Nuôi ruồi lính đen kết hợp với chăn nuôi đạt giá trị kinh tế cao. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Với giá bán trên thị trường dao động từ 5 - 6 triệu đồng/kg trứng, 10.000 - 15.000 đồng/kg ấu trùng, ruồi lính đen đang là mô hình chăn nuôi hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao.

Gia đình anh Nguyễn Thái Phong, ở ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã thực hiện mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp nuôi gà thả vườn, gà tre được hơn 3 năm. Do biết cách chăm sóc, tận dụng nguồn thải của loài này làm thức ăn cho loài kia, giảm chi phí chăn nuôi, trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Thái Phong, cách đây gần 4 năm, khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, chưa biết bắt đầu lập nghiệp từ đâu, vô tình anh biết tới ruồi lính đen. Đây là loại côn trùng có ích, vừa giúp xử lý rác thải, vừa tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi và chất thải từ nuôi ruồi lính đen có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Anh Nguyễn Thái Phong cho biết, ruồi lính đen thường ăn bã đậu nành, chuối, phân thải chăn nuôi các loại nên hàng ngày anh ra chợ gom các loại trái cây, rau củ hỏng bị bỏ đi, mua lại bã đậu về làm thức ăn cho ruồi. Do thức ăn cho ruồi lính đen là rác thải hữu cơ. nên việc xử lý mùi hôi rất quan trọng.

Sau vài lần thử nghiệm, anh nhận thấy để giảm thiểu mùi hôi, người chăn nuôi phải căn làm sao chỉ cung cấp đủ lượng thức ăn cho ruồi, không để tồn dư thức ăn và phải mở rộng diện tích nuôi để giảm mật độ ruồi/mét vuông.

Tương tự, gia đình anh Lương Văn Tuyền, ngụ xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, đầu tư xây dựng trang trại ruồi lính đen với 400 m2 có khả năng sản xuất 15 tấn ấu trùng/tháng. Hệ thống chuồng sản xuất giống được quây kín bằng lưới để ruồi đẻ trứng và nhiều ô riêng để ấp trứng, nuôi ấu trùng và nhộng.

Theo anh Lương Văn Tuyền, vòng đời của ruồi lính đen chỉ kéo dài khoảng 30 ngày và được chia làm các giai đoạn gồm trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành.

Hiện gia đình anh đang nuôi ruồi lính đen kết hợp mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Từ mô hình này anh lấy ấu trùng ruồi tự sản xuất làm thức ăn cho đàn gà 1.500 con. Các ấu trùng ruồi lính đen chứa hàm lượng đạm cao từ 42 - 50%, giá trị dinh dưỡng cao, do đó khi làm thức ăn cho các loại vật nuôi như gà, vịt, cá, chim… giúp các loại vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Khi chăn nuôi kết hợp sẽ giảm được 100% thức ăn cho các loại vật nuôi khác.

Ngoài ra, phân gà sau khi thải ra được thu vào làm thức ăn cho ấu trùng, nên khu chuồng trại không bị hôi thối, chất thải không bị thải ra môi trường, hạn chế tình trạng ô nhiễm.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch nông dân xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết, đây là một mô hình chăn nuôi mới tại địa phương, với mô hình này có thể giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đồng thời cung cấp nguồn thức ăn lớn cho các loại vật nuôi, giúp làm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp.

Hơn nữa, mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao nên trong thời gian tới địa phương sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con nhân rộng, phát triển.

Theo ông Trương Đình Bá, việc áp dụng mô hình nuôi ruồi lính đen sẽ giúp xử lý tốt các loại rác thải, sản phẩm, phụ thải trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, sử dụng ấu trùng ruồi làm thức ăn sẽ tạo ra những sản phẩm thân thiện, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và góp phần bảo vệ môi trường.

Lê Xuân (TTXVN)