11:10 05/11/2014

Nuôi rắn cải thiện kinh tế

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân ở Cà Mau tổ chức nuôi rắn để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Đây là nghề nuôi mới nhưng bước đầu hứa hẹn khả quan.

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân vùng nước ngọt ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình (Cà Mau) tổ chức nuôi rắn để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Mỗi hộ nuôi phổ biến 3 loại rắn, gồm rắn ri tượng, rắn ri cá và rắn bông súng (không phải là loại rắn độc, không có trong danh mục cấm). Đây là nghề nuôi mới nhưng bước đầu hứa hẹn khả quan. 


Nuôi rắn là nghề nuôi mới nhưng bước đầu hứa hẹn khả quan. Ảnh: hoinongdanag.org.vn


Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong huyện có gần 200 hộ nuôi rắn. Ở các huyện Trần Văn Thời và Thới Bình mỗi huyện cũng có gần trăm hộ nuôi. Tổng đàn rắn người dân nuôi trong vùng hiện nay lên tới hàng nghìn con.

Ông Lê Văn Tuấn, người nuôi trên 200 con rắn ở huyện U Minh cho chia sẻ, rắn rất dễ nuôi, chuồng trại không cầu kì, cũng không tốn kém. Thức ăn cho rắn là cóc, nhái, cá vụn… Thời gian nuôi 3 - 4 tháng rắn có trọng lượng 1 kg/con. Hiện trên thị trường rắn ri có giá 800.000 đồng/kg, rắn ri cá 500.000 đồng/kg, rắn bông súng 200.000 đồng/kg. Hầu hết các hộ nuôi rắn hiện nay đều cho thu nhập 70 triệu đồng/năm trở lên. Đáng chú ý là rắn hiện nay luôn khan hiếm nên người nuôi không lo ế.

Liên quan đến các hộ dân nuôi rắn trên, ông Lưu Minh Nhật, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho rằng: “Hãy còn quá sớm để có lời nhận xét nuôi rắn trong dân hiệu quả thế nào, nhưng quan điểm của chính quyền là khuyến khích bà con nuôi trồng bất cứ cây con gì, miễn là không nằm trong danh mục cấm, vấn đề là hiệu quả kinh tế phải cao”.


Trần Thành Nên