04:20 02/04/2015

Nuôi lợn rừng bằng thảo dược

Đến xã Tân Thành huyện Yên Thành (Nghệ An) hỏi thăm nhà anh Trần Phúc Đạt nuôi lợn rừng bằng thảo dược, hầu như ai cũng biết. Nhà anh nhỏ xinh, nằm trong vườn cây trái xum xuê đầy tiếng chim hót, một không gian thật đẹp và yên bình.

Đến xã Tân Thành huyện Yên Thành (Nghệ An) hỏi thăm nhà anh Trần Phúc Đạt nuôi lợn rừng bằng thảo dược, hầu như ai cũng biết. Nhà anh nhỏ xinh, nằm trong vườn cây trái xum xuê đầy tiếng chim hót, một không gian thật đẹp và yên bình. Trong sân nhà anh, người bệnh đến bốc thuốc rất đông. Bên bát nước chè xanh, Đạt kể cho chúng tôi nghe về cái nghiệp bốc thuốc bắc và chăn nuôi lợn rừng của mình.

Bỏ “nghề” để theo “nghiệp”

Xuất ngũ năm 1988, anh Đạt trở về địa phương tích cực tham gia công tác Đoàn. Trải qua quá trình công tác, học tập và phấn đấu, anh được bầu làm chủ tịch UBND xã Tân Thành. Là một chủ tịch xã có năng lực, uy tín được nhân dân và chính quyền tín nhiệm, nhưng, năm 2010 anh bỗng nhiên làm đơn “treo ấn, từ quan”. Tâm sự về điều này anh Đạt nói: “Gia đình tôi có nghề bốc thuốc Bắc gia truyền, lúc bố tôi già yếu thì tôi phải về để nối nghiệp. Nghề bốc thuốc này mà thất truyền thì có tội với tổ tiên với dân chúng, còn chức chủ tịch xã mình không làm thì sẽ có người khác làm”.

Theo anh Trần Phúc Đạt, để giữ được thương hiệu “thịt lợn rừng sạch”, cần tuân thủ phương pháp và quy trình chăn nuôi đặc biệt.



Nghề bốc thuốc Bắc của gia đình anh Đạt bao đời nay nổi tiếng và có uy tín ở Nghệ An.

Với nghề bốc thuốc gia truyền và mấy sào ruộng khoán, gia đình anh không giàu nhưng cũng đủ sống. Thế nhưng, cái máu thích chăn nuôi, trồng trọt vẫn luôn nóng trong con người anh. Một lần xem ti vi thấy mô hình nuôi lợn rừng, anh Đạt nghĩ: Nếu như nuôi lợn rừng theo kiểu bán hoang dã thì hay biết mấy. Bây giờ nó là con đặc sản sẽ cho lãi cao. Nghĩ là làm, anh Đạt tìm hiểu và đi ra Quỳnh Lưu mua cặp lợn rừng giống (3 triệu đồng/con) về nuôi thử nghiệm. Thế nhưng sau hơn 8 tháng chăm sóc cả hai con lăn đùng ra chết vì bị mắc dịch tai xanh.

Thất bại nhưng không hề nản chí, anh tìm tài liệu nghiên cứu về phương pháp nuôi lợn rừng và mua về 2 cặp giống tiếp theo. Lần này có kinh nghiệm hơn nên 2 cặp lợn sau 1 năm nuôi đã sinh sản. Lấy ngắn nuôi dài, dần dần Đạt đã gây dựng được một trang trại lợn rừng rộng hơn 1ha với gần 100 con, bao gồm cả lợn sinh sản, lợn phối giống và lợn giống.

“Độc chiêu” trong chăn nuôi

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Đạt cho biết, nuôi lợn rừng dễ, nhưng để tạo được thương hiệu thịt lợn rừng “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng là không phải ai cũng làm được.

Theo anh Đạt thì lợn rừng là động vật hoang dã nên không thể áp dụng phương pháp chăn nuôi như lợn nhà. Việc đầu tiên là phải xin giấy phép chăn nuôi. Chuồng trại làm đơn giản, tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của lợn rừng để bố trí chuồng trại, phân loại theo tuổi. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống. Điều quan trọng nữa là tường rào phải chắc chắn, kiên cố…

Anh Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Trang trại nuôi lợn rừng của anh Đạt là quy mô không lớn nhưng rất hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền địa phương đang có kế hoạch tổ chức cho bà con tham quan học tập để nhân rộng trên địa bàn.

Chuồng trại của gia đình anh Đạt được làm nơi đất cao thoáng mát, có chỗ thoát nước để thường xuyên vệ sinh chuồng trại; có nguồn nước sạch, không những cung cấp đủ nước cho lợn uống mà quan trọng hơn là nó sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú và giữ được độ ẩm thích hợp cho lợn rừng. “Thả lợn trong 1 ha rừng thì chẳng khác gì lợn rừng hoang dã, nhưng tôi đã huấn luyện được chúng theo giờ giấc như ăn, tắm nắng, “vận động thể dục” và vào chuồng một cách quy củ. Chính những điều đó góp phần tạo nên sản phẩm thịt lợn, ngon và sạch”. Cứ tưởng Đạt nói đùa nhưng qua tiếng hú dài của anh, từng đoàn lợn rừng rập rập chạy về chuồng. Chúng tôi trầm trồ thán phục. Nếu như không có niềm đam mê và “hiểu” được lợn rừng thì anh không thể huấn luyện đàn lợn rừng biết “vâng lời” như vậy được.

Điều độc đáo nữa là thức ăn cho lợn rừng, ngoài các loại cỏ, cây, mầm cây, rễ cây, hạt ngũ cốc, củ quả, thì anh Đạt còn bổ sung các loại cây, lá thuốc nam, thuốc Bắc để tạo sức đề kháng và phòng chống dịch bệnh cho lợn rừng. “Lợn rừng là động vật hoang dã mới được thuần hóa, nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, lợn rừng cũng thường bị một số bệnh như dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh thông thường khác. Tôi là thầy thuốc Đông y nên qua thời gian nuôi, tôi đã ứng dụng cây thuốc Nam và thuốc Bắc để làm thức ăn và điều trị bệnh nên lợn tôi nuôi luôn khỏe mạnh và chất lượng thịt tốt”. Anh Đạt chia sẻ về bí quyết phòng chống dịch bệnh, nhưng anh cũng khuyến cáo: Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt bị biến đổi và nhiều khi làm cho lợn bị bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy…

Những phương pháp độc đáo trên đã tạo nên thương hiệu lợn rừng của anh Đạt. Nhờ chất lượng thịt tốt nên đầu ra sản phẩm lợn rừng của anh được khách hàng khắp nơi ưa chuộng và đặt hàng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Hiện, anh Đạt không chỉ cung cấp lợn giống, lợn thịt cho các nhà hàng, trang trại ở Yên Thành mà trang trại của anh còn là đầu mối cung cấp lợn thịt và lợn giống cho nhiều huyện thị ở Nghệ An. Người các nơi về mua lợn rừng của anh rất đông. Theo anh Đạt thì số lợn của anh hiện nay không đủ để cung cấp cho họ.

Hỏi Đạt, sắp tới anh có nuôi lợn rừng quy mô hơn không?. Đạt cho biết: “Trong chăn nuôi không có con gì lãi cao như lợn rừng nhưng tôi không chạy theo lợi nhuận mà sẽ đầu tư đến chất lượng hơn là số lượng. Trong tương lai tôi sẽ nuôi thêm đàn dê và trồng một số cây hàng hóa”.

Không những làm giàu cho mình mà anh Đạt còn cung cấp giống, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho ai có nhu cầu để nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng ngay tại địa phương.

Bài và ảnh: Minh Phương