04:10 27/04/2011

Nuôi cánh kiến đỏ, hướng thoát nghèo ở Mường Lát

Nhựa cánh kiến đỏ (CKĐ) được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự huỷ thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì polyetylel, một loại rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Nhựa cánh kiến đỏ (CKĐ) được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự huỷ thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì polyetylel, một loại rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Vì vậy, nghề nuôi thả CKĐ đang mở ra hướng thoát nghèo cho người dân ở huyện Mường Lát - một trong những huyện nghèo thuộc chương trình 30a, tỉnh Thanh Hóa. Ngành nghề này đang được Quỹ môi trường toàn cầu GEF SGP và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (LHCHKH&KT) Thanh Hóa triển khai pha II dự án “Khôi phục và phát triển bền vững sản xuất cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa”.

Hướng dẫn người dân buộc thả cánh kiến đỏ trên cây đậu thiều. Ảnh Internet


Việt Nam là một trong 7 nước trên thế giới có nghề nuôi thả CKĐ, trong đó Mường Lát tỉnh Thanh Hoá là một trong ba địa phương có nghề nuôi thả CKĐ nhiều nhất cả nước trong những năm 1980 trở về trước. Từ sau những năm 1980 đến nay, nghề nuôi thả CKĐ bị mai một nhiều.


 Những người có kinh nghiệm nuôi thả cánh kiến trước đây nay đã già yếu và không có quá trình chuyển giao thế hệ. Các chuyên gia về nuôi thả cánh kiến cũng không còn tiếp tục mà đã chuyển sang các lĩnh vực khác. Số lượng cây chủ cũng giảm sút do bị sâu bệnh và chặt phá.


Pha I của dự án (thực hiện từ năm 2007 - 2010) đã thu hút hơn 300 hộ tham gia. LHCHKH&KT đã tổ chức 4 cuộc hội thảo cấp xã và 1 cuộc hội thảo cấp tỉnh, 1 cấp huyện, 20 lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi thả kiến tiên tiến, kỹ thuật chọn giống, luân kỳ thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho kiến và các loại cây chủ, kết hợp với kỹ thuật truyền thống nuôi thả kiến lâu đời còn lưu lại ở một số gia đình. Ban quản lý dự án cũng đã tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm nuôi thả cánh kiến đỏ cho các thành viên Ban điều hành dự án, chuyên gia kỹ thuật, trưởng các thôn bản và một số hộ nuôi thả cánh kiến giỏi tại huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) và tại Thái Lan.


Qua 10 vụ thả kiến trên diện tích 50ha với cây chủ ngắn ngày (đậu thiều), 40 ha cây chủ lâu năm trồng tập trung (cọ phèn), trên 20 ha cây chủ phân tán (cọ khiết, cọ páu, sung, ngơi...) năng suất thu được từ 500-1.500 kg sặng/năm, (bình quân mỗi kg sặng kiến có giá 55.000 đồng), nhiều hộ đã có được nguồn thu nhập đáng kể góp phần xóa đói giảm nghèo.


 Đặc biệt hộ ông Lương Thanh Bình ở thị trấn Mường Lát nuôi thả nuôi thả CKĐ đã cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Ông Bình cho biết nghề này ít tốn chi phí sản xuất, đỡ vất vả hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp, nhưng lại cho thu nhập khá cao, giúp gia đình tôi làm giàu.


Kết thúc pha I dự án, 300 hộ cơ bản nắm được kỹ thuật nuôi thả kiến, lưu giữ được giống, cải tạo rừng cây chủ lâu năm và trồng mới thâm canh cây chủ ngắn ngày kết hợp trồng cây nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dự án cũng khuyến khích được dân bản khai thác tiềm năng đất đai mở rộng sản xuất CKĐ bằng phương thức trồng rừng cây chủ tập trung và xen canh nương rẫy với sản xuất CKĐ. Ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch LHCHKH&KT Thanh Hóa cho biết: đây là một dự án có ý nghĩa xã hội cao góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa.


Tuy nhiên thời gian thực hiện dự án "Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả CKĐ cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát" ở pha I mới triển khai được 3 năm, nên chưa đủ cơ sở để đạt được thành công vững chắc và toàn diện. Ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch LHCHKH&KT Thanh Hóa cũng cho biết:


Với thành công từ pha I, dự án sẽ tiếp tục thực hiện pha II đến năm 2013 với các mục tiêu: Tăng cường năng lực cộng đồng về kỹ thuật và tiếp cận thị trường trong nuôi thả CKĐ; đa dạng hóa cây chủ như :cây Cọ khiết, Cọ páu và Pích niếng.


Dự án cũng quy hoạch vùng nuôi thả cánh kiến cấp xã; các hoạt động chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và xây dựng trạm lưu giữ giống nhằm ổn định sản xuất bởi đây là những hoạt động cần thiết đảm bảo cho nghề sản xuất CKĐ ổn định và phát triển bền vững.

Trịnh Duy Hưng