01:11 22/01/2015

Nuôi bò sữa để thoát nghèo

Vài năm trở lại đây, xã nông nghiệp Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) từng bước vươn lên phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò sữa. Phong trào nuôi bò sữa theo hình thức nông hộ đang là hướng đi giúp nhiều hộ dân, điển hình là các hộ Khmer nghèo tại địa phương này thoát nghèo nhanh chóng...

Vài năm trở lại đây, xã nông nghiệp Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) từng bước vươn lên phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò sữa. Phong trào nuôi bò sữa theo hình thức nông hộ đang là hướng đi giúp nhiều hộ dân, điển hình là các hộ Khmer nghèo tại địa phương này thoát nghèo nhanh chóng và vươn lên làm giàu.

Những mô hình tiên phong


Tiên phong trong phong trào nuôi bò sữa của xã Thuận Hưng phải kể đến gia đình ông Sơn Chanh ở ấp Tà Ân A1. Năm 2000, ông Sơn Chanh bắt đầu mua giống bò sữa về nuôi. Nhưng mãi đến khoảng năm 2005, khi phong trào nuôi bò sữa của tỉnh Sóc Trăng thực sự phát triển, đồng thời có nguồn tiêu thụ sữa ổn định thì việc nuôi bò sữa của gia đình bà mới phát huy hiệu quả.

Nuôi bò sữa giúp nhiều hộ đồng bào Khmer thoát nghèo.


Ông Sơn Chanh cho biết, sau nhiều năm nuôi, đàn bò sữa của gia đình lúc nhiều lên đến hơn chục con. Hiện trong chuồng nhà bà còn 7 con, trong đó có 3 con cho sữa mỗi ngày gần 50 lít. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi nhuận hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Từ mô hình này, cuộc sống gia đình ông đã khá lên rất nhiều, không còn thiếu thốn như những năm trước đây nữa. Về lý do chọn hướng làm ăn này, ông Sơn Chanh chia sẻ: “Các hộ dân nuôi bò sữa ở nhiều địa phương khác có thu nhập ổn định, mau khấm khá mà không quá vất vả. Nghề này chắc chắn là lời hơn lúa rồi vì trồng lúa 3 tháng thì mới được thu hoạch, còn nuôi bò sữa thì cho sữa mỗi ngày. Chừng 15 - 20 ngày là lấy tiền sữa một lần tại điểm thu mua nên có bò sữa là đỡ lắm”.

Với lợi nhuận cao, mô hình nuôi bò sữa không chỉ thu hút người dân nghèo, cận nghèo mà nhiều hộ khá giả cũng đầu tư. Điển hình có ông Thạch Diên, ở ấp Bố Liên 3. Ban đầu ông Diên nuôi 12 con bò Sind (giống bò thịt), song nhận thấy bò sữa hiệu quả hơn nên đã mạnh dạn bán bò Sind để chuyển sang đầu tư nuôi bò sữa. Với 4 con ban đầu trong năm 2009, nhờ gia đình có điều kiện chăn nuôi tốt, đàn bò của ông nhanh chóng phát triển. Đến thời điểm này, ông đã có 23 con bò, trong đó 9 con cho sữa. Hợp tác xã thu mua sữa theo hợp đồng với giá 12.500 đồng mỗi ký, mỗi ngày trung bình ông có lợi nhuận 700.000 đồng. Lúc cao điểm, đàn bò cho sữa nhiều, lợi nhuận có thể lên đến hơn 900.000 đồng mỗi ngày. Với giá sữa ổn định, lại có hợp đồng thu mua nên sắp tới gia đình ông Thạch Diên sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi trong thời gian tới.

Thế mạnh giảm nghèo của cả tỉnh

Theo chính quyền xã Thuận Hưng, hàng năm, địa phương luôn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và lồng ghép nhiều chương trình, dự án khác nhau của tỉnh, chính phủ để hỗ trợ bà con vay vốn phát triển sản xuất. Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển bò sữa. Chỉ trong vài năm, ngành chăn nuôi bò sữa của địa phương phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ khác vươn lên làm giàu chính đáng. Nghề này đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của địa phương. Bò sữa cũng giúp địa phương tận dụng tối đa những vùng đất trước đây bỏ hoang để trồng cỏ, tạo thức ăn thường xuyên cho bò.

Ông Lâm Xưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuận Hưng, cho biết với tổng đàn trên 1.100 con bò sữa, trong đó cho sữa trên dưới 800 con, Thuận Hưng là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh trong phong trào nuôi bò sữa. Với sản lượng mỗi ngày từ 6 - 7 tấn sữa, thu nhập của bà con rất ổn định, cả giá lẫn đầu ra. Từ những tiềm năng và lợi thế vốn có, địa phương xác định, bò sữa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Với những hiệu quả bò sữa mang lại tại xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú sẽ tiếp tục tích cực triển khai hỗ trợ, chuyển giao cho bà con nông dân về khoa học kỹ thuật, chuyển giao con giống làm sao nhân rộng đàn bò sữa, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi tại địa phương.

Bò sữa là một trong năm vật nuôi chủ lực của tỉnh Sóc Trăng được ưu tiên đầu tư phát triển bởi đây là mô hình phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng đất Sóc Trăng và khẳng định được sự bền vững trong tương lai. Hiện, tổng đàn bò sữa của tỉnh đã tăng lên đến hơn 5.000 con, mỗi ngày cung ứng trên 20 tấn sữa, nguồn thu nhập bình quân đạt từ 40 - 50 triệu đồng/năm/con bò sữa, đạt mức lãi trên 20 triệu đồng/năm/mỗi con bò. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò sữa đang phát triển rất sâu rộng tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Ông Đào Duy Sự, Phó Chánh văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Tỉnh có đến 2/3 diện tích là đất phèn, mặn, trình độ dân trí thấp và hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh nên việc phát triển kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Năm 2004, được sự tài trợ của dự án CIDA-Canada, bò sữa bắt đầu đến với người dân Sóc Trăng qua dự án “Nâng cao đời sống nông thôn ở Sóc Trăng”. Từ số lượng ban đầu trên 2.400 con chuyển giao cho bà con Khmer ở các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ ở các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị, thị xã Vĩnh Châu, đến nay tổng đàn bò sữa của Sóc Trăng đã nâng lên, giúp nhiều hộ thoát nghèo, nâng cao thu nhập”.

Ông Sự cho biết thêm, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu phát triển đàn bò sữa của tỉnh lên 21.000 con và sản lượng sữa đạt 23.000 - 25.000 tấn/năm vào năm 2020. Do vậy, việc tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, ngân hàng, hộ kinh doanh và hợp tác xã là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công và triển khai dự án, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Bài và ảnh: Anh Đức - Chanh Đa