10:12 18/10/2016

Nước sông Lam dâng cao, 11.000 người dân bị cô lập

Từ chiều 16/10 đến sáng 18/10, mực nước sông Lam trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục dâng cao đã khiến hơn 11.000 người dân ngoài đê của 10 xã thuộc huyện Hưng Nguyên bị cô lập.

Nhiều ngôi nhà tại xã Long Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Những năm trước, khi mùa mưa bão đến, gia đình đều có sự chuẩn bị để di chuyển đồ đạc, vật nuôi lên trên cao hoặc di chuyển lên bờ an toàn, nhưng trận lũ này đến quá bất ngờ khiến cho gia đình ông Nguyễn Văn Hoa, xóm 9, xã Hưng Lam không kịp trở tay, nước lũ đã cuốn trôi không ít tài sản của gia đình. Ông nói: “Chúng tôi là dân vạn chài, thuê đất của xã ở đây đã 11 năm rồi, mỗi lần lũ lụt về rất khổ cực. Mong muốn của gia đình được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện giúp đỡ tái định cư lên mảnh đất cao hơn để có thể yên tâm khi lũ lụt về”.

Những ngày này, ông Hoa cùng vợ con phải dùng thuyền mới có thể vào được trong nhà. Hôm nay khi tạnh ráo, ông Hoa cùng những người anh em trong gia đình di chuyển một số đồ đạc, gia súc, gia cầm, làm lán tạm trên đê để trú tạm, chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 sắp tới.

Hưng Lam là xã vùng sâu trũng của huyện Hưng Nguyên. Có 10 xóm nhưng một nửa số xóm với 181 hộ dân là sống ở ngoài đê Tả Lam. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá trên sông nên cũng rất khó khăn. Hầu hết những ngôi nhà nằm cạnh đê Tả Lam thuộc xóm 7, xóm 6, xóm 9 xã Hưng Lam cho đến thời điểm hiện tại vẫn ngập sâu trong nước. Ba xóm này thường ngày chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, thế nên khi nước tràn về họ bị cô lập giữa sông nước.

“Trước đó, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của xã đã có phương án cho người già, trẻ em sơ tán nên trong đợt mưa lớn không có thiệt hại về người. Tuy nhiên 7,5 ha thủy sản bị mất trắng; sạt lở bãi đất sản xuất với chiều dài gần 1.000m. Hiện nay nước lũ đã bắt đầu rút, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của xã họp để triển khai tiến hành cùng với các xóm dọn vệ sinh môi trường sau lũ. Giao cho Trạm y tế xử lý bằng thuốc sát trùng để xử lý những nơi nguồn nước không bảo đảm. Đối với 3 xóm bị cô lập, ngay trong chiều 18/10, sau khi tiến hành kiểm tra lại mực nước thì sẽ hủy bỏ lệnh cấm qua cầu tràn để cho các cháu đi học với điều kiện phải có người lớn đưa qua. Như vậy trong ngày mai 19/10, trên 100 em học sinh ở 3 xóm 7, 6 và 9 sẽ đi học trở lại”, ông Trần Văn Duyệt – Chủ tịch UBND xã Hưng Lam cho biết.

Hiện nay,việc lưu thông của nhân dân vẫn được yêu cầu dừng lại, địa phương lập các chốt kiểm tra trực 24/24h, không cho người dân qua lại. Toàn bộ học sinh phía ngoài đê cũng đều được cho nghỉ học. UBND huyện Hưng Nguyên đề nghị các xã theo dõi mực nước sông Lam, nếu tiếp tục lên trên báo động 2 sẽ tiến hành ngay việc di dời toàn bộ dân và tài sản, trâu bò lên đê. Một số hộ dân cũng đã chủ động di chuyển vào trong đê để đảm bảo an toàn tính mạng. Các phương án di dân cũng đã được đưa ra.

Hiện tại, mặc dù ở Nghệ An không còn mưa, nhưng nước từ thượng nguồn lại đang đổ về rất nhanh. Đặc biệt, nước lũ đã tràn qua các đê nội đồng, làm toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản và cây vụ đông ngập và có thể tràn vào một số hộ dân bên trong đê.

Theo báo cáo nhanh của UBND các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương và Thành phố Vinh, đợt mưa lũ làm 3 người chết; 8.225 hộ bị ngập, 7 hộ phải di dời; hơn 11.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại.

Trước diễn biến của thời tiết, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện số 1829/CĐ-TTg, ngày 16/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 32/CĐ.UBND ngày 17/10/2016 của UBND tỉnh về việc khắc phục mưa lũ, ứng phó khẩn cấp bão số 7.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết; Huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để xử lý tốt các điểm ngập úng cục bộ. Động viên nhân dân, huy động các lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên tranh thủ thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa còn lại theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch; chuẩn bị giống cho sản xuất nông nghiệp để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ. Triển khai xử lý môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sinh hoạt; cung cấp thuốc chữa bệnh, hoá chất xử lý, không để dịch bệnh bùng phát ở người và vật nuôi.

Cùng đó triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 7, bố trí lực lượng chức năng trực ban 24/24 để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ.

Bích Huệ (TTXVN)