11:16 02/11/2010

Nước rút tới đâu, cấy trồng tới đó

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở các tỉnh Bắc Trung bộ, hầu hết diện tích lúa mùa, hè thu đã thu hoạch xong trước khi lũ đến.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở các tỉnh Bắc Trung bộ, hầu hết diện tích lúa mùa, hè thu đã thu hoạch xong trước khi lũ đến. Tuy nhiên, còn khoảng 20.000 ha diện tích lúa mùa muộn và toàn bộ diện tích vụ đông sớm (ngô và rau màu khác) bị mất trắng. Thêm vào đó, số lúa mùa vừa thu hoạch xong và giống cho vụ tới của nhiều hộ dân cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ. Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các tỉnh vùng lũ, nước rút đến đâu, gieo trồng cây ngô, rau ngắn ngày đến đó để lấy thức ăn.

Thiệt hại nặng nề

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, khi nước rút thì vụ đông cũng gần kết thúc, chỉ còn thời vụ cho một số cây ngô, rau ngắn ngày. Do đó, cứ nước rút đến đâu trồng ngay rau ngắn ngày tới đó, gồm các cây họ cải, ngô để tăng rau xanh cho người và phục vụ chăn nuôi. Riêng đối với cây lúa, chuẩn bị chờ vụ đông xuân bắt đầu vào cuối tháng 11, đầu tháng 12.

Nhân dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) chăm sóc diện tích ngô đông còn lại sau lũ. Ảnh: Lan Xuân - TTXVN

“Chúng tôi cũng chuẩn bị đủ lượng giống, cơ cấu giống cho cả vùng, theo yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, vụ đông xuân ở Bắc Trung bộ và cả miền Bắc, phải đầu tháng 4, 5/2011 mới thu hoạch” ông Ngọc cho biết thêm.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Chăn nuôi, đợt lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nhất trên đàn gia súc, gia cầm. Hà Tĩnh thiệt hại gần 900 con trâu, bò, gần 16.000 con lợn, trên 712.000 gia cầm. Quảng Bình với gần 28.000 con lợn, gần 2.500 con trâu, bò và 500.000 gia cầm; Quảng Trị thiệt hại 2.350 con lợn, trên 200 con trâu, bò và trên 50.000 gia cầm…

Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trước mắt, đối với vùng lụt trắng, bà con cần tìm mọi cách để có thức ăn cho gia súc cầm cự, có thể thêm ít muối vào nước uống, để lấy lại sức. Các tỉnh phải tự cân đối trong nội bộ tỉnh, điều chuyển rơm rạ, cỏ, thức ăn xanh đến vùng lũ. Cục cũng đang tính việc cho ép rơm, rạ, cỏ từ các tỉnh khác chuyển về vùng lũ cho gia súc.

Theo tin từ Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục đã cử đoàn công tác tới các tỉnh vừa xảy ra lũ để thống kê thiệt hại, sau đó sẽ có phương án hỗ trợ các hộ nông dân nuôi trồng thủy, hải sản.

Ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã cử đoàn công tác vào 4 tỉnh miền Trung đánh giá thiệt hại. Sau đó sẽ tổng kết và có phương án cụ thể hỗ trợ người dân.

Sẵn sàng cây con giống

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp thì việc cung cấp giống cho người dân là quan trọng nhất. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, “Giống đã sẵn sàng, chỉ chờ nước rút sẽ mang giống đến tận nơi cho bà con. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng tiền để bổ sung giống nếu thiếu”.
“Vừa qua, Chính phủ đã hỗ trợ Hà Tĩnh 10 tỷ đồng, Quảng Bình 15 tỷ đồng để mua các loại giống ngô, rau ngắn ngày phục vụ cho vụ đông. Hiện Cục Trồng trọt đã lên danh mục các loại giống cây ngắn ngày, các công ty cung cấp giống sẵn sàng đáp ứng cho các tỉnh Bắc Trung bộ. Mưa lũ cũng làm thiệt hại rất lớn đến cây lâu năm như cao su, chè, cây ăn quả… Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách để giúp nông dân khôi phục lại sản xuất đối với loại cây này”, ông Ngọc cho biết thêm.

Ông Hoàng Kim Giao lo ngại, sau khi nước rút, vấn đề cải tạo lại hệ thống chuồng trại bị tan hoang để chăn nuôi trở lại sẽ gặp nhiều khó khăn, vì chi phí khá cao, trong khi người dân nghèo sau lũ gần như trắng tay.

“Sắp tới, nhu cầu con giống sẽ tăng cao, do nguồn cung năm nay không dồi dào; mặt khác đã cận Tết, nên giá con giống có thể tăng. Tuy nhiên, việc vận chuyển gia súc, gia cầm trong mùa dịch bệnh phải được kiểm soát chặt chẽ, nếu không dịch bệnh sẽ tràn lan”, ông Giao phân tích.

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Theo đó, phải thống kê, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại chi tiết về số đầu con trâu, bò, dê, cừu, lợn, gia cầm… của từng huyện. Thống kê cả thiệt hại về cơ sở hạ tầng chăn nuôi, chuồng trại, trang trại, thiệt hại về cơ sở thức ăn, nguồn thức ăn dự trữ (rơm, rạ, cỏ khô)…

Trên cơ sở đó, Cục sẽ có kế hoạch hỗ trợ, cung cấp giống trâu, bò, gia cầm… cho các cơ sở chăn nuôi hoặc điều phối giữa các địa phương. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống vật nuôi.

Ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, bước đầu Cục sẽ hỗ trợ giống miễn phí cho người dân, cung cấp đàn cá bố mẹ, chủ yếu là giống cá nước ngọt, tôm nước mặn… Sau đó, có thể hỗ người dân cải tạo ao, đầm nuôi tôm cá.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hơn lúc nào hết, người dân các tỉnh miền Trung đang rất cần sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng để nhanh chóng ổn định sản xuất, khắc phục những thiệt hại do hai cơn lũ vừa qua gây nên.

Hữu Vinh