03:11 22/03/2020

Nước Pháp trong cuộc chiến mới chống kẻ thù vô hình

Đường phố vắng ngắt, chỉ thỉnh thoảng vài xe ô tô phóng nhanh. Các điểm du lịch nổi tiếng không một bóng người. Các cửa hàng và trung tâm thương mại đóng cửa. Chỉ còn các siêu thị và hiệu thuốc vẫn hoạt động, song với lượng khách hàng thưa thớt… Toàn nước Pháp bước vào ngày cuối tuần đầu tiên của thời kỳ hạn chế tối đa việc ra đường, bắt đầu từ trưa 17/3.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 18/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Năm ngày sau lệnh phong tỏa, điều chưa từng xảy ra trong thời bình, số bệnh nhân của đại dịch COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi. Các bệnh viện tại những điểm nóng như vùng thủ đô Ile-de-France hay vùng Grand-Est sát biên giới với Đức bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Số bệnh nhân có triệu chứng nặng phải nhập viện tăng nhanh khiến nhiều bệnh viện đã rơi vào tình trạng thiếu giường chăm sóc đặc biệt. Đội ngũ nhân viên y tế được huy động tối đa, nhưng lại đang phải đối mặt với việc thiếu trang thiết bị bảo hộ, nhất là khẩu trang.

Pháp là nước thứ ba ở Tây Âu, sau Italy và Tây Ban Nha, quyết định phong tỏa và đóng cửa biên giới trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2. Trước một kẻ thù "vô hình, khó nắm bắt", tất cả đã thay đổi nhanh chóng chỉ trong vòng 15 ngày. Đầu tháng 3, Pháp bước vào giai đoạn hai của dịch, với mục tiêu cách ly từng ổ dịch nhỏ. Các biện pháp phòng ngừa được giới chức y tế nhắc nhở hằng ngày trong các buổi họp báo vào mỗi tối được truyền hình trực tiếp. Tại các địa phương được coi là ổ dịch, các trường học bắt đầu đóng cửa. Tuy nhiên tại các thành phố lớn, cuộc sống sôi động vẫn diễn ra bình thường cho dù một số thói quen giao tiếp của người Pháp đã thay đổi như không bắt tay nhau, không ôm hôn nhau. 

Song tình hình ngày càng nghiêm trọng ở Italy, nước láng giềng đã quyết định phong tỏa từ ngày 10/3, làm gia tăng mối lo ngại của Chính phủ Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập nhiều cuộc họp với Hội đồng khoa học gồm 10 nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế, để được tư vấn về các biện pháp quản trị đất nước trong trường hợp xảy ra đại dịch. Tất cả đều thống nhất rằng thời điểm dịch lên đến đỉnh chỉ là vấn đề thời gian và cần phải có các biện pháp khẩn cấp để tránh rơi vào tình hình tồi tệ như ở Italy.

Tối 12/3, lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình kể từ khi dịch bùng phát, Tổng thống Macron đã tuyên bố nước Pháp đang rơi vào cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong vòng một thế kỷ qua. Ông yêu cầu người dân hạn chế ra đường, tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học từ ngày 16/3 để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus. Thêm một biện pháp nghiêm ngặt của chính phủ được Thủ tướng Edouard Philippe công bố tối 14/3 : Pháp chuyển sang giai đoạn ba của đại dịch, đóng cửa tất cả các địa điểm công cộng "không thiết yếu cho cuộc sống" như nhà hàng, quán bar, vũ trường và rạp chiếu phim, cũng như các cửa hàng buôn bán ngoài thực phẩm và hiệu thuốc. Thủ tướng nhấn mạnh phải hạn chế "đi lại, họp hành và tiếp xúc". Ông kêu gọi các doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện triệt để biện pháp làm việc từ xa, để cho phép mọi người ở nhà nhiều nhất có thể.

Điều đáng nói là cho đến thời điểm đó, thái độ chủ quan của nhiều người dân Pháp đã làm chính quyền sửng sốt. Bất chấp lệnh cấm các sự kiện tập trung trên 100 người, hàng trăm người ủng hộ phong trào "Áo vàng" vẫn biểu tình tại Paris và đụng độ với cảnh sát. Bất chấp lời kêu gọi hạn chế tiếp xúc và ở trong nhà, người dân Pháp vẫn ra đường tận hưởng một ngày cuối tuần đẹp trời, sưởi nắng, trò chuyện trong các công viên, dọc bờ sông, bờ biển… Lệnh phong tỏa được chính phủ quyết định ngay trong sáng 16/3 và được Tổng thống Macron tuyên bố trên truyền hình tối cùng ngày, khi số bệnh nhân của COVID-19 đã lên đến hơn 6.600 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Strasbourg, Pháp, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn nước Pháp gấp rút chuẩn bị cho việc dành phần lớn thời gian ở trong nhà, để đến trưa 17/3 đường phố trở nên vắng lặng. Lệnh hạn chế đi lại ở mức tối thiểu có thời hạn ban đầu là 15 ngày có thể được kéo dài thêm, khi mà các chuyên gia y tế cảnh báo Pháp sẽ đạt đến đỉnh của đại dịch trong những tuần tới. Cuộc chiến tiếp tục căng thẳng nhất là đối với các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Các nhà máy được huy động làm việc ngày đêm để sản xuất khẩu trang và nước rửa tay y tế. Các phòng thí nghiệm đẩy mạnh nghiên cứu để có thể tìm ra vaccine và thuốc chữa bệnh hiệu quả trong thời gian nhanh nhất có thể. Các ngành sản xuất nhu yếu phẩm thiết yếu duy trì hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính phủ khẳng định sẽ chống dịch bệnh "với bất cứ giá nào". 

Những biện pháp quyết liệt của chính phủ đã thực sự tác động đến ý thức và hành động của người dân. Cho dù đây đó vẫn còn những hành vi vi phạm quy định phong tỏa, và phải chịu khoản tiền phạt không hề nhỏ lên đến 135 euro, người dân Pháp đã tuân thủ nghiêm túc việc giữ khoảng cách khi bắt buộc phải ra đường. Họ kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đến lượt mình được vào mua hàng hoặc thanh toán. Các mạng lưới tình nguyện vẫn được duy trì, nhằm giúp đỡ những người cao tuổi hoặc đi lại khó khăn được cung cấp thực phẩm và thuốc men. Các trường học đóng cửa, song không có nghĩa học sinh và sinh viên phải nghỉ học. Các lớp học trực tuyến hoạt động hết công suất trên nền tảng Internet mà Bộ Giáo dục Pháp đã nhanh chóng hoàn thiện. 

Tháng 3/2020 sẽ đi vào lịch sử nước Pháp với cuộc chiến quyết liệt chống lại chủng virus chết người SARS-CoV-2. Cuộc chiến chống COVID-19, có lẽ cam go không kém cuộc chiến chống khủng bố mà nước Pháp đã trải qua sau loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hồi năm 2015, chỉ có kẻ thù lần này là vô hình. Một tháng bắt đầu với bối cảnh bế tắc và rạn nứt xã hội liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối cải cách chế độ lương hưu, kéo dài không dứt thời gian qua, đang kết thúc trong sự đoàn kết và cùng nhau chung sức vượt qua khủng hoảng. Hình ảnh mỗi tối vào lúc 20h, những người dân Paris ra ban công cùng nhau vỗ tay để bày tỏ lòng cảm ơn các nhân viên y tế, gây xúc động trên các mạng xã hội, và đang nhanh chóng lan tỏa đến các địa phương khác. Sự tham gia chủ động, với tinh thần trách nhiệm công dân của mỗi người, là điều quyết định.

Linh Hương (Phóng viên TTXVN tại CH Pháp)