08:06 21/08/2014

Nước ở nhiều chung cư bị nhiễm bẩn

Nhà chung cư, khu đô thị mới đang được xem là xu hướng trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở hiện nay. Nhưng một loạt các vấn đề liên quan, trong đó có chất lượng nước sinh hoạt của chung cư, khu đô thị mới, đang gây tâm lý lo ngại cho người dân.

Nhà chung cư, khu đô thị mới đang được xem là xu hướng trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở hiện nay. Nhưng một loạt các vấn đề liên quan, trong đó có chất lượng nước sinh hoạt của chung cư, khu đô thị mới, đang gây tâm lý lo ngại cho người dân.


Điệp khúc nước bẩn


Điệp khúc mất nước, rồi nước nhiễm bẩn, ô nhiễm… thường xuyên diễn ra ở các khu chung cư, khu đô thị mới. Mới đây, nước sinh hoạt của các hộ dân ở chung cư CT7A của chung cư The Sparks Dương Nội (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) lại thấy đỏ quạch và theo phản ánh của người dân, nước sinh hoạt của họ thường xuyên không trong. Anh Trần Văn Xuất phản ánh, thường vẩn đục khi sử dụng và đóng cặn vàng khi đun sôi.

 

Trạm cấp nước sạch Mỹ Đình.

Cư dân khu chung cư 15T1 tại 310 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng nhiều khi phải dùng nước vẩn đục. Ông Vũ Tiến Sửu, cư dân tòa nhà chung cư 15T1 chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên nước ở chung cư này bị nhiễm bẩn như vậy. Để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, ban quản lý tòa nhà đã tiến hành thau bể định kỳ nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng nhiễm bẩn lại diễn ra”.


Tháng 6/2014, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội. Tổng số mẫu lấy làm xét nghiệm là 196 mẫu, trong đó có 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình. Kết quả phân tích các mẫu nước tại các cơ sở cấp nước tập trung cho các chỉ tiêu như màu sắc, mùi vị, độ đục đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, có 5 chỉ tiêu một số mẫu không đạt gồm clo dư, amoni, permanganate, mangan tổng số và asen. Kiểm tra chất lượng nước tại hộ gia đình và khu đô thị cho thấy hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.

Tương tự, khu chung cư Xa La (Hà Đông), sau mất nước là vấn đề nước sinh hoạt bẩn, rồi giá nước tăng đột biến. Bác Nguyễn Văn Thủy ở khu đô thị Xa La cho biết, từ sau khi đường nước sông Đà bị vỡ, chất lượng nước không như trước. “Nước đục, bẩn khiến chúng tôi nơm nớp khi phải dùng. Ai cũng lo lắng khi biết kết quả mẫu nước tại đây bị ô nhiễm, chứa nhiều asen (thạch tín), Amoni cao gấp 2,5 lần”, bác Nguyễn Văn Thủy khẳng định.


Điều đáng nói là khi báo lên ban quản lý khu chung cư, thường không nhận được câu trả lời thích đáng, nên các hộ tự lấy mẫu đi phân tích và từ đó nhờ công luận lên tiếng, mới được Ban quản lý chung cư giải quyết. Đồng thời, do không yên tâm về nguồn nước, nên nhiều hộ gia đình đã phải đi mua nước từ các xe nước chở đến khu đô thị, thậm chí phải mua nước đóng chai về dùng.


Tăng cường giám sát định kỳ


Liên quan đến chất lượng nguồn nước sạch tại các chung cư, khu đô thị tại Hà Nội bị người dân phàn nàn thời gian gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Việc bảo đảm chất lượng nước sạch tới người dân phải bao gồm cả chuỗi, từ nguồn khai thác đến truyền dẫn. Đối với chung cư có thêm khâu trung gian là khâu vận hành phân phối từ bể tích nước chung tại tòa nhà. Với một số khu đô thị, chủ đầu tư xây trạm cung cấp nước riêng.

 

Vệ sinh tại trạm cấp nước.

Hiện khu vực nội thành Hà Nội do 3 đơn vị cung cấp chính là Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Đông, và Công ty nước sạch Vinaconex (Viwaco). Về nguồn nước, chỉ có Viwaco khai thác nước mặt sông Đà, còn lại vẫn khai thác nguồn nước ngầm. Đánh giá chung, thì việc xử lý nước tại các trạm xử lý nước sạch tại các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Theo đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, nguồn nước khi xử lý tại nhà máy nước được đi kiểm tra định kỳ.

 

Vì vậy vấn đề là ở hệ thống truyền dẫn nhiều nơi vẫn còn trong tình trạng xuống cấp. Một số đơn vị khi thi công các công trình ngầm, người dân khi cải tạo đã tác động vào hệ thống truyền dẫn nước khiến chất lượng nước bị ảnh hưởng. Do đó, bên cạnh công tác kiểm tra rà soát, công ty nước sạch Hà Nội phối hợp với thanh tra Sở Xây dựng xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.


“Tại các khu chung cư, chất lượng nguồn nước còn liên quan đến việc vận hành, phân phối qua bể tích nước. Những vụ việc tại các khu chung cư gần đây như Nam Đô, Xa La cho thấy nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc vào quy trình xử lý, vệ sinh các bể tích nước chưa đạt tiêu chuẩn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có bể tích nước chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, cộng đồng mà chủ yếu chủ đầu tư báo cáo sao thì biết vậy. Do đó cần có sự tham gia của cộng đồng trong việc vệ sinh, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị của hệ thống cung cấp nước sạch trong tòa nhà”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.


Còn đại diện Công ty nước sạch Hà Đông cho biết, từ phản ánh của người dân về chất lượng nước, công ty đã tăng cường kiểm soát chất lượng bởi nguồn nước ngầm do đơn vị khai thác có hàm lượng Amoni và có giải pháp xử lý để chất lượng nước trong tầm kiểm soát.


“Việc lấy mẫu nước cần phải bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật mới đưa ra được một kết quả chính xác nhất. Vì vậy, kết quả người dân cung cấp sẽ là một cơ sở để các công ty nước sạch xem xét, xử lý. Trước kiến nghị của người dân, công ty phối hợp với các cư dân và cơ quan truyền thông cùng lấy mẫu nước để đi kiểm nghiệm”, đại diện công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết.


Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), thực tế khi xây dựng khu đô thị, đơn vị không muốn xây dựng trạm cấp nước sạch bởi như vậy sẽ tăng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, khi làm công văn đề nghị công ty nước sạch cung cấp nước cho khu đô thị thì bị từ chối vì công ty` không đủ năng lực. Do vậy, để bảo đảm nhu cầu nước nên khu đô thị, đơn vị đầu tư trạm cấp nước. “Khai thác nguồn nước ngầm chịu nhiều yếu tố tác động, là chủ đầu tư, chúng tôi rất mong có nguồn nước ổn định từ các công ty cấp nước sạch thành phố”, đại diện HUD chia sẻ.

 

Về chất lượng nguồn nước sạch, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, ngoài việc cung cấp đầy đủ nước cho nhân dân thì chất lượng nước cũng được thành phố coi trọng. Khi nhận thông tin khu chung cư dùng nước không bảo đảm an toàn, thành phố đã xử lý ngay và yêu cầu các đơn vị chức năng có giải pháp khắc phục, cung cấp nước sạch.

 

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Tăng cường kiểm tra

Chất lượng nguồn nước sạch là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục những tồn tại mà người dân tại các khu chung cư, khu đô thị mới phản ánh bị nhiễm bẩn, hàm lượng asen cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng, trong đó có nguồn nước sạch vẫn chưa theo kịp, đã nảy sinh những bất cập. Do đó, tại một số khu đô thị, nhà đầu tư phải xây dựng trạm cấp nước sạch để đáp ứng nhu cầu người dân. Do nhỏ lẻ nên chất lượng nguồn nước cần phải tăng cường kiểm tra. Còn đối với những chung cư, sự tham gia giám sát của cộng đồng có vai trò quan trọng.

 

Luật sư Nguyễn Minh Anh: Chứng minh thiệt hại từ nước bẩn là cả vấn đề

Với tư cách là những người bỏ tiền để sử dụng dịch vụ, người dân có quyền đòi hỏi được dùng nước sạch, chứ không phải là nước nhiễm bẩn, gây tác hại tới sức khỏe của họ. Trách nhiệm trước hết thuộc về các doanh nghiệp sản xuất nước sạch vì việc sản xuất nước sạch bắt buộc phải thực hiện theo một qui trình rất nghiêm ngặt, từ lấy mẫu phân tích thành phần nước thô, đến quy trình lọc và khử các chất hữu cơ để nước đưa vào sử dụng sinh hoạt phải đạt tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó là vai trò của chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà bởi đây là đơn vị vận hành. Người dân muốn khởi kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bắt buộc phải thông qua nội dung hợp đồng cung cấp nước sạch bị vi phạm. Việc chứng minh “nước bẩn” không khó vì chỉ qua việc xét nghiệm mẫu là tìm ra, nhưng việc chứng minh thiệt hại từ nước bẩn sẽ là cả một vấn đề. Do đó, cần có sự vào cuộc của hội bảo vệ người tiêu dùng, luật sư củng cố chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng nước.

Bà Phạm Thị Hoạch, Khu đô thị Mỹ Đình II: Nước sạch là sức khỏe của chúng tôi

Khi nhận thông tin nguồn nước nhiễm Asen, chúng tôi đã rất sốc nó ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Người dân chỉ dám dùng nguồn nước đó để tắm giặt, còn nước ăn thì phải dùng nước đóng bình hoặc cách nào đó. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc xử lý hệ thống nước sinh hoạt của thủ đô sẽ đưa ra những giải pháp giúp người dân thủ đô có nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt. Chúng tôi bỏ tiền ra mua nguồn nước và cũng yêu cầu chất lượng nước bảo đảm, bởi đây là sức khỏe lâu dài của người dân chúng tôi.

 

Xuân Minh - Đức Công