12:16 17/12/2014

Nước Nga và khủng hoảng mang tên ‘cơn bão hoàn hảo’

Tăng lãi suất cơ bản không cứu được đà trượt dốc của đồng ruble cho thấy một thực tế: Nước Nga đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo” (perfect storm).

Tăng lãi suất cơ bản không cứu được đà trượt dốc của đồng ruble cho thấy một thực tế: Nước Nga đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo” (perfect storm).

“Cơn bão hoàn hảo” là thuật ngữ mô tả một hiện tượng hiếm xảy ra. Nó chỉ xuất hiện khi hội đủ những yếu tố cần thiết và một khi xuất hiện sẽ có những tác động tiêu cực vô cùng lớn lên đối tượng chịu ảnh hưởng. Ứng với trường hợp này là cuộc khủng hoảng tiền tệ sâu rộng đối với nước Nga.

Sau khi chứng kiến mức mất giá kỉ lục 10% của đồng ruble chỉ trong một buổi chiều, ngay trong đêm 15/12 Ngân hàng Trung ương Nga đã tức tốc cho tăng 6,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản. Thế nhưng đồng nội tệ vẫn vẫn tiếp tục lao dốc. Đã xuất hiện các thông tin về việc người dân Moskva đổ xô đi rút tiền và cố tìm cách chuyển đổi sang đồng USD để bảo đảm tài sản. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Phủ Tổng thống, nói rằng bất ổn trên thị trường tiền tệ là do “tâm lý và hoạt động đầu cơ”, nhưng đó có vẻ như đó chỉ báo về một cuộc khủng hoảng thực sự.

Đồng ruble mất giá thực sự là là thách thức với nền kinh tế Nga. Ảnh: AP


Sergei Shvetsov, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã đúc kết ngắn gọn tình cảnh khốn khó này như sau: “Tin tôi đi, quyết định mà hội đồng Ngân hàng trung ương đưa ra ngày hôm qua là lựa chọn giữa cái rất xấu và cái rất, rất xấu… Tình hình đang rất nghiêm trọng. Ngay cả trong cơn ác mộng một năm trước đây, chẳng ai có thể ngờ tới điều đang diễn ra hiện nay”.

Rõ ràng, liệu pháp “cú sốc và sợ hãi” (shock and awe) bằng việc dâng cao mức lãi suất từ 10,5% lên 17% đã không đem lại hiệu quả. Đồng ruble vẫn có phiên giao dịch mất giá trước đồng bạc xanh, xuống mức thấp kỉ lục mới. Nước Nga đã trải qua 9 tháng trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây và ngày 16/12 có thể coi là thời điểm thoái lui của Moskva.

Diễn biến này làm người ta nhớ lại nước Anh tại thời điểm khủng hoảng tiền tệ hơn 20 năm trước đây. Tháng 9/1992, Bộ trưởng Tài chính Anh Norman Lamont tuyên bố sẽ tìm mọi cách bảo vệ đồng bảng và duy trì hệ cơ chế giao dịch ngoại hối với việc tăng lãi suất cho vay lên mức 15%. Thế nhưng điều này cũng không giúp ích nhiều, khi mà kinh tế Anh tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Tình cảnh của Nga lúc này còn tệ hơn, khi mà dầu mỏ, nguồn thu chủ yếu của Nga, liên tục giảm giá trên thị trường thế giới. Giá dầu Brent tụt xuống dưới 60 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 16/12, so với mức đỉnh 115 USD/thùng hồi mùa hè vừa qua.

Phương Tây đã nhìn thấy điểm yếu của kinh tế Nga - với một nền công nghiệp hụt hơi và quá phụ thuộc vào ngành năng lượng. Khi các lệnh cấm vận của phương Tây chưa thể khuất phục được Tổng thống Vladimir Putin trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, Mỹ và đồng minh Saudi Arabia đã quyết định gây hại kinh tế Nga bằng việc đẩy giá dầu đi xuống, dù cả hai biết rằng họ cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.

Nga hiện không còn nhiều dư địa để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Với mức lãi suất dâng lên mức đỉnh, Nga chỉ còn 2 sự lựa chọn: Để đồng ruble thả nổi, tự tìm đến một điểm cân bằng mới hoặc là kiểm soát thị trường vốn. Đó đều là những lựa chọn không mong muốn mà Moskva vẫn phải viện tới, nếu đồng ruble vẫn tiếp tục đà lao dốc.


Hoài Thanh (Theo The Guardian, The Moscow Times)