05:09 08/05/2017

Nước nào sẽ thắng nếu Nga-Mỹ-Trung cùng rơi vào một cuộc chiến?

Trước nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ ba trên toàn cầu, trang Business Insider đã “đặt lên bàn cân” tiềm lực của ba cường quốc quân sự Nga, Mỹ và Trung Quốc để chọn ra “người chiến thắng”.

1. Máy bay chiến đấu tàng hình

Hiện tại, Mỹ đang dẫn đầu về máy bay chiến đấu tàng hình khi quân đội nước này được trang bị hoàn toàn bằng loại máy bay thế hệ thứ 5, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn đang cố gắng bám đuổi mục tiêu này.

Tiêm kích F-22 của Mỹ.

Không quân Mỹ đang sở hữu 187 máy bay F-22 và tiêm kích F-35 đang trong quá trình thử nghiệm nhằm loại bỏ hết các trục trặc kỹ thuật, bao gồm cả việc thử nghiệm kính bảo vệ có khả năng hiển thị toàn bộ thông tin trước mặt phi công.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển bốn loại chiến đấu cơ tàng hình. Máy bay J-31 của nước này lần đầu trình làng tại một triển lãm hàng không năm 2014 và là máy bay hiện đại nhất của Trung Quốc. Máy bay J-20 hiện tại có thể đã được đưa vào sản xuất đại trà, máy bay này có thể sẽ là đối thủ của F-35, nếu không phải là đối thủ với F-22.

Tại thời điểm hiện tại cũng đang có nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc tập trung thiết kế hai loại chiến đấu cơ mới là J-23 và J-25.

Còn Nga, nước này chỉ đang phát triển một loại máy bay tàng hình, nhiều khả năng chỉ tương đương với F-22 của Mỹ. Đó là máy bay T-50 thế hệ thứ 5, được cho rằng sẽ đưa vào hoạt động từ khoảng cuối năm 2016 và đầu 2017. Loại máy bay này còn biết tới với tên gọi PAK FA, khả năng tàng hình kém hơn F-22 nhưng có khả năng bay linh hoạt hơn. Về cơ bản, F-22 có khả năng vượt trội hơn máy bay chiến đấu của Nga khi không chiến nhưng sẽ thất thế nếu bị phát hiện trước.

Người chiến thắng:
Trong bối cảnh các thế hệ máy bay vẫn tiếp tục được nghiên cứu thì thực tế F-22 của Mỹ vẫn là đối thủ dẫn đầu. Mặc dù ở ngôi vị đầu nhưng các phi công điều khiển F-22 vẫn chưa thể ngồi yên vì hiện có rất nhiều loại máy bay được phát triển chỉ nhằm mục tiêu đánh bại F-22, đồng thời hầu hết chúng đều được thiết kế dựa trên mô hình của  F-22.

2. Xe tăng

Lục quân Mỹ lần đầu được trang bị xe tăng M-1 Abrams vào năm 1980. Tuy nhiên, loại xe tăng này đã trải qua quá nhiều lần nâng cấp, bao gồm áo giáp, bộ chuyển động, hệ thống vũ khí và tất cả mọi thứ trừ khung vỏ.

"Pháo đài bọc thép" M-1 Abrams.

M-1 Abrams được trang bị pháo chính cỡ nòng 120mm, hệ thống điều khiển điện tử, hệ thống vũ khí có thể điều khiển từ xa và lớp áo giáp nhiều lớp với các vật liệu đặc biệt.

Trước đây, Nga phát triển nguyên mẫu T-14 dựa trên nền tảng mẫu xe tăng Armata, nhưng hiện tại loại xe này lại dựa trên thiết kế của mẫu T-90A. Cho tới thời điểm này, T-90A vẫn là loại tăng đáng gườm. Đẳng cấp của tăng T-90A được minh chứng khi vẫn “sống khỏe” sau khi trúng phải tên lửa TOW tại chiến trường Syria vào tháng 3/2016.

T-90A, xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga.

Bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2004, T-90A có đặc tính tự động nạp đạp, trang bị giáp phản ứng nổ, súng điều khiển từ xa và pháo chính cỡ nòng 125mm. Kíp lái có thể bắn tên lửa chống tăng với vệ tinh dẫn đường từ tháp pháo chính.

Giống Nga, quân đội Trung Quốc được trang bị chủng loại tăng đa dạng và đã phát triển được mẫu riêng cho mình. Trung Quốc hiện tại đang phát triển loại tăng Type 99 với đặc tính sử dụng pháo chính cỡ nòng 125mm với nòng trơn, tự động nạp đạn và có thể bắn tên lửa.

Xe tăng Type 99.

Mẫu xe tăng này đã được nâng cấp với giáp phản ứng nổ và được đánh giá có khả năng sống sót trong giao chiến tương đương với các loại tăng của phương Tây hoặc Nga.

Người chiến thắng: Đánh giá nghiêm túc về cuộc chiến một chọi một giữa ba loại xe tăng này thì có thể thấy cả ba đều có sức mạnh tương đương. Tuy nhiên, Mỹ có nhiều loại tăng hơn và có lịch sử đào tạo quân đội tốt hơn, thêm vào đó lực lượng của Mỹ có nhiều kinh nghiệm chiến trường thực tế hơn các đối thủ trong thời gian qua.

3. Tàu chiến

Với lực lượng Hải quân quy mô lớn nhất trên thế giới, Mỹ có trong tay tất cả các loại tàu khi tham chiến trên đại dương. Điểm nổi bật của Hải quân Mỹ chính là 10 tàu sân bay cỡ lớn và 9 tàu đỗ trực thăng. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại của Hải quân Mỹ và các hạm đội lớn là chưa đủ để qua mặt tên lửa của Trung Quốc và tàu ngầm diesel của Nga nếu xảy ra giao chiến trên biển.

Siêu tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson của Mỹ.

Nga vẫn đang vận lộn với việc trang bị tên lửa cho các tàu chiến cỡ nhỏ. Tuy nhiên, việc Hải quân Nga đã phóng thành công tên lửa hành trình tầm xa Kalibr tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria từ chiến hạm cỡ nhỏ Buyan-M ở Biển Caspi và từ tàu ngầm chạy bằng diesel lớp Kilo ở Địa Trung Hải chứng tỏ Nga đã tìm ra cách để tích hợp tên lửa hành trình vào các tàu nhỏ để tạo ra các tấn công hiệu quả.

Phiên bản tên lửa chống tàu chiến Kalibr của Nga được đánh giá, đặc biệt trong trường hợp bắn hàng loạt, có thể vượt qua tàu chiến phòng thủ của Mỹ trang bị pháo Phalanx.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh cuộc cách mạng hàng hải thông qua lực lược Phòng vệ bờ biển và Hải quân. Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Trung Quốc được triển khai ở các vùng biển tranh chấp và đang trở thành lực lượng phòng vệ bờ biển lớn nhất và được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng. Lực lượng Hải quân bao gồm hàng trăm tàu chiến với tên lửa hiện đại và các loại vũ khí khác.

Một tàu Hải quân Trung Quốc.

Người chiến thắng: So sánh chung, Hải quân Mỹ vẫn giữ ngôi vị số một thế giới, tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng nếu xung đột với Trung Quốc và Nga ngay tại sân nhà của các nước này. Một cuộc tấn công toàn diện có thể thất bại nếu kế hoạch không được vạch ra một cách kỹ càng.

4. Tàu ngầm

Hải quân Mỹ có sức mạnh hùng hậu với 14 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo cùng 280 tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân, mỗi quả tên lửa này có thể quét sạch một thành phố; 4 tàu ngầm trang bị tên lửa có vệ tinh dẫn đường với 154 quả Tomahawk trên mỗi chiếc và 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Tất cả các tàu ngầm của Mỹ được đánh giá là có công nghệ hiện đại, trang bị vũ khí hạng nặng và có khả năng tàng hình.

Tàu ngầm USS Connecticut lớp Seawolf của Mỹ.

Nga chỉ có 60 tàu ngầm song các tàu ngầm này cũng không hề thất thế. Các tàu ngầm của Nga không thua kém về khả năng tàng hình so với các đối thủ phương Tây, đặc biệt là các tàu chạy bằng diesel được mệnh danh là “im lặng nhất thế giới”.

Nga cũng đang phát triển các loại vũ khí mới cho tàu ngầm, bao gồm cả loại ngư lôi hạt nhân có sức công phá bằng cả trăm triệu tấn thuốc nổ thông thường và có thể tàn phá một thành phố. Ngoài ra, các thủ thủ đoàn của Nga cũng được đánh giá cao và trình độ ngày càng được cải thiện hơn.

Trung Quốc chỉ có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 53 tàu ngầm tấn công diesel và 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình đạn đạo. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang cố gắng tăng thêm số lượng tàu ngầm được biên chế. Các tàu ngầm của Trung Quốc rất dễ theo dõi, tuy nhiên Mỹ và các đồng minh kh vực Thái Bình Dương vẫn lắp đặt các thiết bị nghe lén tinh vi để theo dõi các tàu này bất kỳ lúc nào.

Kết luận: Tương quan giữa ba lực lượng, hạm đội tàu ngầm Mỹ sẽ chiến thắng trong cả trường hợp giao chiến trên mặt đất và giao chiến giữa các tàu ngầm với nhau. Tuy nhiên, khoảng cách giữa ba nước này đang dần thu hẹp. Sự cải tiến công nghệ và xây dựng nhanh chóng các cơ sở đóng tàu của Trung Quốc và Nga khiến cho đại dương trở nên nguy hiểm hơn cho các tàu ngầm của Mỹ.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức