01:23 05/01/2012

Nước Mỹ và những kỳ vọng năm 2012

Chia tay năm cũ 2011, nước Mỹ bước vào năm tổng tuyển cử 2012 với nhiều kỳ vọng. Đó là kỳ vọng vào một nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, kỳ vọng về một xã hội yên bình và quan trọng hơn cả là sự kỳ vọng vào những gương mặt xứng đáng sẽ xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử...

Chia tay năm cũ 2011 đầy âu lo, nước Mỹ bước vào năm tổng tuyển cử 2012 với nhiều kỳ vọng. Đó là kỳ vọng vào một nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, kỳ vọng về một xã hội yên bình và quan trọng hơn cả là sự kỳ vọng vào những gương mặt xứng đáng sẽ xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử, đưa chính trường Mỹ trở lại với một nhiệm kỳ hoạt động hiệu quả hơn.   

Rõ ràng, kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định là ưu tiên số một của nước Mỹ. Nói vậy là vì năm 2011 vừa qua, người lao động Mỹ đã không ít lần giật mình trước những lời cảnh báo về thể trạng yếu kém của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kỳ vọng là bởi lẽ trong năm 2011, dù đã có nhiều giải pháp, nhưng tỷ lệ công nhân Mỹ bị thất nghiệp thấp nhất là trong tháng 11 cũng ở mức 8,6% và cả năm dao động trong khoảng 9-9,2%. Kỳ vọng còn bởi lẽ thị trường nhà đất, căn nguyên của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, vẫn chưa phục hồi, đe dọa nhiều gia đình tiếp tục bị siết nợ. Phe Cộng hòa tại Quốc hội với phe Dân chủ và Nhà Trắng đã có nhiều cuộc thương lượng nhưng vẫn bế tắc trong kế hoạch trị giá 447 tỷ USD nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và kế hoạch cắt giảm 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm đã buộc Chính quyền của Tổng thống Barack Obama một lần nữa trong năm 2011 phải xin nâng trần nợ công thêm 1.200 tỷ USD, lên 16.390 tỷ USD, chiếm hơn 100% GDP. Kỳ vọng về một xã hội yên bình là chính đáng vì năm qua nước Mỹ rơi vào bất ổn với làn sóng biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” kéo dài và lan rộng, khiến cảnh sát một số thành phố phải sử dụng công cụ chống bạo loạn để phá lán trại, bắt giữ hàng nghìn người.   

Người dân Mỹ đón chào năm mới 2012 với nhiều kỳ vọng.
Ảnh: AFP/TTXVN

Kỳ vọng lớn hơn được gửi gắm vào các chính khách đang hô hào đưa nước Mỹ bước sang trang sử mới. Cử tri đảng Dân chủ kỳ vọng xen lẫn lo âu. Kỳ vọng bởi lẽ kỳ tổng tuyển cử 2012 tuy có một số người như chuyên gia bảo hiểm Darcy Richardson hay nghệ sỹ Vermin Supreme cũng đăng ký tranh cử, nhưng ứng cử viên gần như chắc chắn và duy nhất của họ là đương kim Tổng thống. Ông Obama trong năm cũ đã mang lại cho nước Mỹ một số điểm sáng trong đối ngoại như việc rút hết lính chiến khỏi Irắc, rút một phần lính ra khỏi Ápganixtan, chuyển trọng tâm chiến lược sâu rộng hơn sang châu Á - Thái Bình Dương và kinh tế Mỹ vào thời điểm cuối năm hé mở một số dấu hiệu khả quan. Thế nhưng, cử tri của ông vẫn lo lắng khi kết quả thăm dò ngày 17/12 của AP/GfK cho thấy có 52% cử tri nói rằng ông không xứng đáng được bầu lại, so với 43% nghĩ rằng nên bầu ông làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Đây là lần đầu tiên số cử tri không tín nhiệm ông Obama giữ chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vượt quá mức 50%. Đáng lo vì kể từ khi lên cầm quyền tới nay, tỷ lệ cử tri có cái nhìn tích cực về ông Obama đã giảm tổng cộng 31%, từ đỉnh cao 79%.    

Trong khi đó, lo âu át kỳ vọng là tâm lý của cử tri Cộng hòa. Danh sách đăng ký ứng cử viên tổng thống 2012 của đảng này rất dài. Lo lắng là điều dễ hiểu vì theo thăm dò ngày 13/12/2012 của NBC/Wall Street Journal, trong 1.000 cử tri Cộng hòa được hỏi ý kiến có 51% nói rằng chất lượng các ứng cử viên Cộng hòa là ở mức trung bình và 27% xác định là yếu và thua kém các kỳ bầu cử trước đây. Lo ngại hơn, cho dù tỷ lệ ủng hộ ông Obama có sụt giảm, nhưng nhiều cử tri vẫn chưa rõ liệu có phải là một sự lựa chọn tốt hơn không nếu họ bầu một ứng cử viên của đảng Cộng hòa lên làm tổng thống thay ông.

Trả lời câu hỏi ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2012 sẽ là điều khó khăn khi tỷ lệ chọn giữa các ứng cử viên là rất sít sao. Quyền của người dân Mỹ là được kỳ vọng, song ở thời điểm hiện tại, không ai dám khẳng định ai là người sẽ chiếm được ghế ông chủ Nhà Trắng.  

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)