12:23 21/12/2011

Nước Mỹ và hai cuộc chiến

Những vấn đề của nước Mỹ cho thấy Mỹ đang đứng trước những thách thức lớn khi sự kết thúc chưa trọn vẹn của Irắc có thể tạo ra nguy cơ dang dở cho nhiều chính sách quan trọng khác của Mỹ trong thời gian tới.

Nước Mỹ nồng ấm đón những binh sỹ cuối cùng tại Irắc trở về. Niềm vui hân hoan vỡ òa trong dòng nước mắt của những người còn may mắn có được ngày đoàn tụ. Irắc cũng chan chứa những giọt nước mắt, nhưng bên cạnh những giọt nước mắt mừng vui vì chủ quyền lãnh thổ, còn là nước mắt của sự lo âu về nguy cơ bất ổn, về xung đột phe phái đang lộ diện rõ nét hơn. Quân đội Mỹ đã chấm dứt những ngày tác chiến tại Irắc, nhưng có vẻ như sự kết thúc ấy chưa trọn vẹn, đối với Irắc cũng như với chính phủ Mỹ.

Một ngày sau khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng tại Irắc rút về nước, Irắc đã quyết định phát lệnh bắt Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi (một chính khách Hồi giáo dòng Sunni cấp cao nhất nước này) vì nghi ngờ ông ta dính líu tới khủng bố. Đây có thể là một cuộc điều tra thông thường, cũng có thể bị ngộ nhận là hậu quả của tình trạng xung đột phe phái. Sự thật còn chưa được làm rõ thì người ta đã thấy nổi lên nguy cơ xung đột giáo phái giữa những người theo dòng Shi'ite, Sunni và người Cuốc, làm gia tăng nguy cơ bạo lực và đe dọa phá vỡ thỏa thuận chia sẻ quyền lực mong manh tại nước này. Tất cả đang chứng tỏ rằng đối với quân đội Mỹ, cuộc chiến tại Irắc có thể đã kết thúc, nhưng đối với người dân Irắc và chính phủ Mỹ thì cuộc chiến này vẫn đang tồn tại.

Trong khi đó, người ta vẫn chưa tin là cuộc chiến tại Ápganixtan do Mỹ phát động hồi năm 2001 (hai năm trước cuộc chiến tranh Irắc) đang khép lại. Đất nước Ápganixtan vốn đắm chìm trong nội chiến và chiến tranh triền miên suốt 3 thập kỷ vẫn chưa thể tự bảo vệ an ninh cho chính mình, nguy cơ xung đột, nạn tham nhũng lộng hành, tình trạng buôn bán ma túy tràn lan, các cuộc thương lượng với Taliban vẫn bế tắc. Rốt cục, hai cuộc chiến tranh của Mỹ tại Irắc và Ápganixtan đã khiến nước Mỹ mất nhiều hơn được, trong khi mục tiêu tự do, dân chủ, thịnh vượng và hòa bình cho người dân ở hai nước này thì vẫn chưa đạt được.

Trong khi rút quân khỏi Ápganixtan và Irắc, Mỹ đồng thời thực hiện mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chính sách tái can dự mạnh mẽ và thực tế. Chủ trương mà Mỹ đề ra là giảm gánh nặng của hai cuộc chiến tranh tại Irắc và Ápganixtan, tăng đầu tư cho uy tín tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, địa bàn có vị trí địa chiến lược và nắm giữ đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Những vấn đề của nước Mỹ cho thấy Mỹ đang đứng trước những thách thức lớn khi sự kết thúc chưa trọn vẹn của Irắc có thể tạo ra nguy cơ dang dở cho nhiều chính sách quan trọng khác của Mỹ trong thời gian tới.

Đỗ Vân