10:00 13/10/2011

Nước Mỹ sục sôi với “Chiếm lấy Phố Wall”

Trong khi chính quyền Mỹ mải mê can thiệp với các cuộc biểu tình làm rung chuyển khu vực Bắc Phi - Trung Đông và các cuộc biểu tình chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” rầm rộ ở châu Âu thời gian qua thì ngay trong lòng nước Mỹ, một phong trào xuống đường cũng đang bùng lên...

Thật khó ngờ là trong khi chính quyền Mỹ mải mê can thiệp với các cuộc biểu tình làm rung chuyển khu vực Bắc Phi - Trung Đông và các cuộc biểu tình chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” rầm rộ ở châu Âu thời gian qua thì ngay trong lòng nước Mỹ, một phong trào xuống đường cũng đang bùng lên và lan tỏa mạnh mẽ phản kháng những bất công của xã hội tư bản.

Ban đầu chỉ là những nhóm nhỏ tụ tập ở trung tâm thương mại Phố Wall ở New York hôm 17/9 với lý do biểu tình phản đối sự “tham lam” của giới ngân hàng mà họ cho là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng năm 2008 khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” (Occupy Wall Street) đã nhanh chóng lan ra nhiều thành phố khác của Mỹ, từ Boston, San Francisco, Los Angeles, cho tới Detroit, Minneapolis, Baltimore, Mason City, Mobile, Litlle Rock…, thậm chí tới cả thủ đô Oasinhtơn. Lâu lắm rồi, người dân Mỹ mới xuống đường biểu tình rầm rộ như vậy thay vì tỏ thái độ về cách điều hành của chính phủ thông qua lá phiếu ở các kỳ bầu cử. Thành phần tham gia biểu tình nếu như ban đầu chỉ tập hợp phần lớn những người thất nghiệp thì nay ngày một đông đảo hơn với nhiều tầng lớp, từ công nhân, lái xe, tới giáo viên, sinh viên, bác sĩ… đến các công đoàn, nghiệp đoàn cũng hưởng ứng. Càng ngày, cuộc đấu tranh này càng được tổ chức tốt hơn và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Người tham gia biểu tình ở Los Angeles giương cao khẩu hiệu: Các quyền cho người dân, không phải cho các tập đoàn.
Ảnh: AFP - TTXVN

Nếu như tại Bắc Phi - Trung Đông, hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra từ đầu năm đến nay đều có mục đích là thay đổi chế độ cầm quyền hiện tại thì ở Mỹ, người ta không kỳ vọng lật đổ chính quyền mà là muốn chính quyền phải làm gì đó để thay đổi tình hình hiện nay. Sức lan tỏa nhanh chóng của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” cho thấy sự kiên nhẫn của người dân đã lên đến đỉnh và họ không còn có thể chịu đựng thêm được nữa. Từ nhiều thập kỷ nay, nền kinh tế số một thế giới chưa khi nào lâm vào cảnh bi đát như thế này. Thâm hụt ngân sách liên bang hiện ở mức kỷ lục, tỉ lệ thất nghiệp cao chót vót và kéo dài nhiều tháng. Người dân Mỹ có lý do để tức giận khi mỗi ngày, hàng triệu người phải đối mặt với tình cảnh khốn khó, mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút, thậm chí rơi vào nghèo đói, sinh viên vay tiền của chính phủ để đi học nhưng nay không thể kiếm được việc làm để trả nợ. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, hơn nửa triệu việc làm ở Mỹ đã bị mất. Nhân dân Mỹ, đặc biệt là tầng lớp lao động đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Họ cho rằng những khó khăn trong mưu sinh hiện nay có nguồn gốc từ năng lực điều hành kinh tế kém cỏi và không công bằng của nhà cầm quyền. Những ông chủ ngân hàng, các nhà tài phiệt Phố Wall - những người bị dân Mỹ coi là “thủ phạm” gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 thì dường như ngày càng nhận được nhiều “ưu ái” hơn từ chính phủ Mỹ, thông qua các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ USD.

Không chỉ vậy, nước Mỹ trong suốt thập kỷ qua đã hao tốn không biết bao nhiêu tiền của vào các cuộc chiến tranh ở Ápganixtan và Irắc. Mỹ hiện vẫn còn hàng chục nghìn quân ở Ápganixtan và điểm kết của cuộc chiến kéo dài đã 10 năm này vẫn còn xa. Người dân Mỹ không thể không bất bình khi thấy các phe phái đối lập trong chính quyền Mỹ có thể dễ đi đến thống nhất khi thông qua các khoản ngân sách dành cho chiến tranh nhưng lại tranh cãi “bất phân thắng bại” về những điều luật ảnh hưởng đến đời sống và những nhu cầu thiết thân của chính người dân Mỹ.

Những cuộc biểu tình đang làm sôi sục nước Mỹ còn cho thấy sự bất bình đẳng xã hội và sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong lòng cường quốc số một thế giới này. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia.

Sau gần một tháng kể từ ngày phát động, các cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” đã thành công ở chừng mực nào đó khi đã lật lại được trọng tâm thảo luận quốc gia về ai là thủ phạm đẩy nền kinh tế Mỹ đến sự đình đốn hiện nay. Các cuộc biểu tình cũng tiếp thêm nhiệt huyết cho người lao động, khơi nguồn năng lượng mới cho rất nhiều người đang muốn huy động sức mạnh tập thể để tạo ra những thay đổi tích cực vì quyền lợi người lao động.
Tuy vậy, có thể thấy đòi hỏi của những người biểu tình về công bằng xã hội cũng như sự hồi phục kinh tế là không dễ được thực hiện một sớm một chiều, bởi không phải mọi thứ đều nằm trong tay vị tổng thống đã lên nắm chính quyền với cưỡng lĩnh “Thay đổi. Chúng ta có thể”. Sau gần ba năm tại nhiệm, Tổng thống Barack Obama thực sự chưa tạo ra được phép màu nào với nền kinh tế Mỹ. “Tăng thuế đối với tầng lớp thiểu số người giàu để lấy tiền phục vụ các chương trình xã hội” như ý định của ông dường như vẫn là mục tiêu khó thực hiện khi mà những tư tưởng của chủ nghĩa tư bản đã ăn sâu bén rễ trong chính giới Mỹ.

Đỗ Sinh