08:02 09/08/2012

Nước Mỹ lại tranh cãi về súng

Vụ xả súng làm 6 người thiệt mạng tại một đền thờ đạo Sikh ở Oak Creek (bang Wisconsin), hôm 5/8 không đầy 3 tuần sau vụ thảm sát rạp chiếu phim ở Aurora (Colorado), đã đổ thêm dầu cho cuộc tranh luận về việc Mỹ có cần những bộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn hay không.

Vụ xả súng làm 6 người thiệt mạng tại một đền thờ đạo Sikh ở Oak Creek (bang Wisconsin), hôm 5/8 không đầy 3 tuần sau vụ thảm sát rạp chiếu phim ở Aurora (Colorado), đã đổ thêm dầu cho cuộc tranh luận về việc Mỹ có cần những bộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn hay không. Những người theo phe chống súng lại một lần nữa lên tiếng, nhưng tiếng nói của họ, cũng như nhiều lần trước, vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ chính phủ và các nhà làm luật Mỹ.


 

Người Sikh ở Ấn Độ biểu tình phản đối buôn bán vũ khí rộng rãi tại Mỹ.

 

Ngày 6/8, một ngày sau vụ thảm sát người theo đạo Sikh tại Oak Creek, Hội nghị các thị trưởng Mỹ (một tổ chức phi đảng phái, gồm đại diện của các thành phố trên 30.000 dân tại Mỹ) đã ra tuyên bố kêu gọi các quy định về kiểm soát súng, trong đó có đoạn viết: “Chỉ 17 ngày sau thảm kịch tại Aurora, Hội nghị các Thị trưởng Mỹ nhắc lại lời kêu gọi tiến hành những thay đổi hợp lý đối với các luật về súng cũng như các quy định có thể giúp ngăn chặn những thảm kịch như vụ việc vừa gây rúng động tại thành phố Oak Creek”.


Bên ngoài nước Mỹ, tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nơi đa số dân cư là người Sikh, nhiều người đã biểu tình, chặn đường cao tốc, giương cao các biểu ngữ kêu gọi siết chặt kiểm soát súng tại Mỹ. Ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna, khi được hỏi về “văn hóa súng đạn” tại Mỹ, cho rằng, mặc dù ông không có ý can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác, nhưng người Mỹ “cần phải có một cái nhìn toàn diện về kiểu văn hóa này, một xu hướng chắc chắn sẽ không mang đến sự tin cậy cho nước Mỹ”.


Tuy nhiên, tại nghị trường, các nghị sĩ Mỹ không tỏ ra mặn mà với vấn đề quá nhạy cảm này. Thượng nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện cho biết, chương trình làm việc của Thượng viện quá dày đặc và không có chỗ cho việc cân nhắc bất cứ đạo luật nào về kiểm soát súng.


Các lãnh đạo tại quốc hội không phải là những người duy nhất ngại ngần cân nhắc một luật kiểm soát súng trong năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau vụ thảm sát tại Aurora hôm 20/7, Nhà Trắng từng thẳng thừng tuyên bố, sẽ không thúc đẩy bất cứ dự luật mới nào về vấn đề này. Ngày 6/8 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chọn cách trả lời né tránh khi được hỏi liệu ông có theo đuổi các biện pháp kiểm soát súng mới. “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi kết quả một cuộc điều tra đầy đủ”, ông Obama trả lời và cho biết sẽ “xem xét những biện pháp bổ sung để giảm bạo lực”, nhưng ông không đưa ra bất cứ lời kêu gọi nào để xây dựng các luật kiểm soát súng mới.


Người phát ngôn Nhà Trắng, Jay Carney cũng giải thích rõ hơn quan điểm của Tổng thống khi nói, nhà lãnh đạo Mỹ “tin rằng chúng ta đang đối mặt với một vấn đề lớn hơn về bạo lực tại Mỹ, một vấn đề cần phải nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có những nỗ lực mà chính phủ phải phối hợp với các cộng đồng địa phương nhằm đưa trẻ em ra khỏi các băng nhóm, đưa các em trở lại trường học, cũng như phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong nỗ lực chống tội phạm”. Ông Carney cũng khẳng định, Tổng thống sẽ “tiếp tục chỉ đạo chính quyền của ông hướng tới những biện pháp nhằm bảo vệ quyền của công dân theo Tu chính án thứ hai, nhưng sẽ khiến cho những người không nên sở hữu vũ khí gặp khó khăn hơn để có được vũ khí”.


Kiểu phản ứng “không cam kết” này phản ánh một thực tế chính trị là: Người Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc xung quanh triển vọng về các luật kiểm soát súng mới, và những thảm kịch như ở Wisconsin hay Colorado vừa qua vẫn không thể làm thay đổi quan điểm của đa số cử tri.


Sau vụ thảm sát rạp chiếu phim tại Aurora, một cuộc thăm dò công bố hôm 30/7 của Viện Pew Research cho thấy, 46% người Mỹ cho rằng, cần phải bảo vệ quyền sở hữu súng của người dân, trong khi 47% thấy, việc kiểm soát những người sở hữu súng là quan trọng hơn. Tỉ lệ này hầu như không thay đổi so với cuộc thăm dò tiến hành hồi tháng 4, khi 45% số người được hỏi ưu tiên kiểm soát súng và 49% ủng hộ quyền sở hữu súng. Trước đó, tỉ lệ nói trên cũng gần như không thay đổi trước và sau vụ thảm sát tại Tucson năm 2011 hay thảm kịch tại trường đại học Công nghệ Virginia vào tháng 4/2007.


Thu Hằng