01:12 14/01/2016

Nước Mỹ có thật sự hùng mạnh như ông Obama nói?

Trong vòng 48 giờ đồng hồ, người dân Mỹ sẽ được chứng kiến hai hình ảnh nước Mỹ hoàn toán trái ngược nhau nhau qua cách mô tả của Tổng thống Barack Obama trong Thông điệp Liên bang đọc vào tối 12/1 (giờ địa phương) và qua phát biểu của các ứng cử viên đảng Cộng hòa tại cuộc tranh luận trên truyền hình sẽ diễn ra vào tối 14/1.

Tổng thống Barack Obama đọc thông điệp Liên bang lần thứ 7. Ảnh: AFP-TTXVN

Theo tờ "New York Times" (Mỹ), trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Obama mô tả nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh và đang trỗi dậy mạnh mẽ, tạo ra được nhiều việc làm hơn cho người dân, dịch vụ y tế tốt hơn và đã đạt những thành tựu đổi mới đáng kinh ngạc. Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, song nước Mỹ trong mô tả của ông Obama chắc chắn sẽ còn đạt được nhiều tiến triển lớn hơn nữa.

Trái lại, các ứng cử viên Cộng hòa sẽ mô tả nước Mỹ là một nơi u ám, đang dần đánh mất vị thế trong một thế giới đầy hiểm nguy, đã phải nhường quyền dẫn dắt nhân loại cho những kẻ thù của mình, và ở trong nước người dân Mỹ bị mất tự do và cơ hội.

Nhận xét về Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama, Jon Favreau (người từng viết các bài phát biểu quan trọng cho ông Obama) nói: "Từ thời Tổng thống Ronald Reagan cho tới Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Obama, người dân Mỹ chưa bao giờ chứng kiến một Tổng thống lạc quan đến như vậy, một tổng thống nói về nước Mỹ như thể trong bộ phim Mad Max”.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng ông Obama khó có thể thuyết phục được công chúng tin vào bức tranh màu hồng mà ông dựng lên bởi nó trái ngược với những gì mà họ chứng kiến và trải nghiệm. Vụ Iran bắt giữ 10 thủy thủ Mỹ đang trên tàu tuần tra tại vùng vịnh Persique chỉ vài giờ trước khi Tổng thống đọc thông điệp đã tạo cơ hội "vàng" để phe Cộng hòa càng khẳng định rằng chính sách của ông Obama đối với Tehran là sai lầm và khiến nước Mỹ bị giảm bớt quyền lực.

Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành Viện Bảo vệ các nền Dân chủ - một viện chính sách tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia - phân tích: "Hàng sáng, người Mỹ thức dậy với những tin tức xấu hơn về một thế giới liên tục xảy ra khủng hoảng. Khả năng lãnh đạo của nước Mỹ đang sa sút trong khi thế giới đang hỗn loạn dưới bàn tay của những phần tử Hồi giáo cực đoan".

Trong chừng mực nào đó, ông Obama có lý lẽ thuyết phục khi ca ngợi nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 5%, chưa bằng một nửa mức cao điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế mà ông phải kế thừa, và gần 14 triệu việc làm đã được tạo ra kể từ khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Hơn 17 triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế theo chương trình của ông Obama. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình đạt ngưỡng 56.746 USD trong tháng 11/2015, mức trước khi suy thoái nổi ra. Sau thời kỳ "ngoắc ngoải", ngành công nghiệp ô tô đã khởi sắc. Nạn tội phạm giảm. Giá khí đốt cũng giảm.

Tuy nhiên, 2/3 số người Mỹ vẫn cảm thấy rằng đất nước của họ đang đi sai hướng, một phần vì những thành tựu của vài năm qua chưa được phân bổ đồng đều. Mức chênh lệch thu nhập ngày càng nghiêm trọng. Tỷ lệ nghèo đói là 14,8%, cao hơn so với khi ông Obama nhậm chức.

Nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, song không nhanh như dưới thời Ronald Reagan hay Bill Clinton. Mặc dù thâm hụt ngân sách đã giảm so với mức cao điểm của thời suy thoái, song tổng số nợ quốc gia đã tăng vọt từ 11.000 tỷ USD lên 18.000 tỷ USD.

Thách thức hơn nữa đối với những lập luận của Tổng thống có lẽ là chính sách đối ngoại, lĩnh vực mà sự thành công của ông bị phủ bóng đen bởi tình trạng hỗn loạn từ Paris tới Ukraine đến Libya và Syria.

Trong năm qua, ông Obama đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran, mở cửa lại đại sứ quán tại Cuba, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cùng với thế giới đạt được một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận nào trong số này cũng có yếu tố bất lợi cho nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia Mỹ.

Sự vươn lên của nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, cuộc nội chiến thảm khốc tại Syria và sự nổi lên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cùng với những vụ tấn công khủng bố và các vụ hành quyết con tin... đang khiến nhiều người Mỹ bất an.

Một Tổng thống từng chỉ đạo cuộc đột kích giết chết Osama bin Laden và hằng hy vọng sẽ kết thúc được hai cuộc chiến tại Iraq and Afghanistan khi kết thúc nhiệm sở rốt cuộc sẽ để lại cho người kế nhiệm vô số cuộc chiến tranh tại nhiều nước.

Sara Fagen, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa, nói: "Cử tri Mỹ ngày càng cảm thấy bất an, không chỉ vì vấn đề kinh tế. Họ lo lắng bởi họ cảm thấy nước Mỹ đang bị suy yếu trên trường quốc tế. Họ tin rằng ngay cả khi nước Mỹ phất cờ lãnh đạo thì các nước còn lại cũng sẽ không đi theo. Những hành động của ông Obama trong vấn đề Iran, Syria... đã không thể xua tan được mối lo sợ đó".

Tờ "New York Times" kết luận: ông Obama đã nhậm chức vào thời điểm cực kỳ khó khăn đối với nước Mỹ và từ đó đến nay ông luôn cố hết sức để chứng tỏ rằng ông đã thực hiện được những cam kết tranh cử của mình. Tuy nhiên, khi ông bắt đầu năm cầm quyền cuối cùng của mình, ông đã "để lộ rõ" rằng ông chỉ là một người giỏi thuyết giáo. Ông Obama còn 373 ngày nữa để định hình suy nghĩ của người dân Mỹ về nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông.

TTK