10:07 25/10/2012

Núi nợ Eurozone tiếp tục chồng chất

Thống kê của Eurostat ngày 24/10 cho biết “núi nợ” của 17 nước thuộc khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục vượt quá các mức trần của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone đang xói mòn nguồn thu ngân sách của chính phủ các nước trong khối.

Hy Lạp được gia hạn 2 năm giải quyết nợ công


Thống kê của Eurostat ngày 24/10 cho biết “núi nợ” của 17 nước thuộc khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục vượt quá các mức trần của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone đang xói mòn nguồn thu ngân sách của chính phủ các nước trong khối.


 

Nhân viên ngân hàng biểu tình ở trung tâm thủ đô Aten ngày 24/10 trong cuộc tổng đình công 24 giờ phản đối các biện pháp khắc khổ.

 

Tổng nợ của 17 nước Eurozone đã lên tới mức 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2012, tăng vọt so với tỷ lệ 88,2% của ba tháng đầu năm nay. Tương tự, tổng nợ của toàn khối 27 quốc gia này đang gánh chịu đã tăng tới 84,9% trong quý II/2012, so với mức 83,5% của quý I/2012. EU đặt ra quy định tỷ lệ tổng nợ 60% và thâm hụt chi tiêu công hàng năm 3%. Những “con nợ” lớn nhất vào cuối quý II/2012 gồm Hy Lạp (tỷ lệ 150,3%), Italia (126,1%), tiếp theo là Bồ Đào Nha (117,5%) và Ailen (111,5%).


Những con số bi quan được Eurostat đưa ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban châu Âu (EC) phê chuẩn kế hoạch áp dụng thuế giao dịch tài chính (FTT) của 10 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong đó có hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp.


Dù Chủ tịch EC José Manuel Barroso tỏ ra hài lòng về việc 10 quốc gia (Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Xlôvakia, Xlôvênia và Tây Ban Nha) sẵn sàng tham gia FTT, nhưng đề xuất này cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước EU, đứng đầu là Anh, quốc gia tự cho là nắm giữ 3/4 khu vực tài chính châu Âu. Anh lo ngại việc áp sắc thuế trên có thể làm phương hại khả năng cạnh tranh của nước này.


Theo kế hoạch, các nước tham gia FTT sẽ áp dụng mức thuế 0,1% đối với các giao dịch trái phiếu và cổ phiếu, và mức thuế 0,01% đối với các giao dịch phát sinh khác. Dự kiến, thu nhập từ sắc thuế trên có thể đem lại "hàng tỉ euro" cho ngân sách các nước thành viên Eurozone, vốn đang bị "ngập" trong "vũng lầy" nợ công.


Cùng ngày 24/10, chính phủ “con nợ” lớn nhất châu Âu, Hy Lạp vừa thở phào sau khi đạt được thỏa thuận về khoản viện trợ khắc khổ trị giá nhiều tỉ euro với các kiểm toán viên quốc tế. Thủ tướng Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết nước này đã được gia hạn thời gian để nhận được gói viện trợ khắc khổ 13,5 tỉ euro (17,5 tỉ USD). Tuy nhiên, thỏa thuận nói trên còn chờ sự nhất trí của các đảng trong chính phủ liên minh Hy Lạp. Trước đó, tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức) đã tiết lộ chính phủ Hy Lạp sẽ được gia hạn thêm 2 năm để giải quyết vấn đề nợ công.


T.L – T.D - TTG