06:08 01/06/2021

Nữ trung tá viết ca khúc tri ân lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch

Ngày 29/5 vừa qua, một đoạn video ghi lại hình ảnh bé gái đang ăn cơm cùng gia đình bỗng nhận ra mẹ trên tivi nên vội vàng chạy tới bên màn hình khóc to đòi mẹ bế đã được chia sẻ trên mạng xã hội và gây xúc động mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Bé Kem mới 20 tháng tuổi, xa mẹ lâu ngày nên rất nhớ mẹ. Ảnh chụp màn hình: dantri-com.vn

Người mẹ trong video là Trung úy, Quân nhân chuyên nghiệp Phùng Thị Hạnh, điều dưỡng viên Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y - một trong hơn 160 y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 được điều động đến tỉnh Bắc Giang hỗ trợ chống dịch COVID-19. Vì nhiệm vụ, vì công cuộc chống dịch đầy cam go, chị Phạm Thị Hạnh cũng như biết bao nữ nhân viên y tế khác đã gác lại những tình cảm riêng vì công việc chung.

Là một người mẹ cũng nhiều lần phải xa con nhỏ đi làm nhiệm vụ, Trung tá, Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Thị Huyền Ngọc, nhân viên văn hóa quần chúng Nhà Văn hóa Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã viết nên ca khúc thấm đẫm tình mẫu tử bao la của người mẹ - người lính nơi tuyến đầu chống dịch: "Lời ru nơi tuyến đầu". Ca khúc cũng là món quà mà chị Ngọc muốn gửi tặng tới tất cả những lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình nỗ lực đẩy lùi đại dịch, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trung tá Huyền Ngọc cho biết: “Những ngày này, cả nước đều đang hướng về những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt là hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Tối 30/5/2021, sau khi ăn cơm xong, ngồi xem tivi và đọc các trang báo mạng, tôi thấy hình ảnh của con gái Trung úy Phùng Thị Hạnh khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy chị Hạnh xuất hiện trên ti vi. Hình ảnh đó đã gây xúc động với rất nhiều người, trong đó có tôi”.

Nhìn những giọt nước mắt của cháu bé khi nhớ mẹ, chị Ngọc dường như thấy lại những câu chuyện của mình ngày trước khi chị cũng đã bao lần phải để con nhỏ ở nhà lên đường đi công tác. “Tôi nhớ lại cảm giác khi chưa cai sữa mà phải xa con. Con ở nhà với bố nhưng trong mơ vẫn khóc gọi mẹ. Những lúc như thế, tôi chỉ ước mình được về ngay với con”, chị Ngọc chia sẻ. Dòng cảm xúc ấy chưa dứt, chị Ngọc lại đọc được bài thơ “Ru con thời COVID” của nghệ sĩ Bá Môn trên facebook. “Tất cả những hình ảnh và cảm xúc đó cứ vang lên trong tôi, những giai điệu và ca từ quấn lấy tâm trí, tôi đã dựa trên ý thơ của anh Bá Môn và viết thành ca khúc “Lời ru nơi tuyến đầu”.- Chị chia sẻ

Bài hát với ca từ và giai điệu da diết nói lên nỗi lòng người mẹ:

“Ngủ đi con yêu, đêm nay mẹ không về
Nơi tuyến đầu, Tổ quốc gọi tên
Ngủ đi con yêu, bao bệnh nhân nguy kịch từng giờ, từng mạng sống đang cần mẹ con ơi...

Những tiếng gọi vội vã trong đêm; là sinh mệnh, sự sống con người
Và từng đêm mẹ thức trắng con ơi
Cùng lời ru mẹ hát nơi này
Gửi về con từng đêm nhớ...”

Theo chị Ngọc, hầu như các ca khúc về đề tài chống dịch của chị đều có thời lượng như nhau và được sáng tác trong thời gian khá nhanh, riêng bài “Lời ru nơi tuyến đầu” được chị sáng tác trong đúng 30 phút. “Khi đó, cảm xúc tuôn trào nên tôi viết rất nhanh. Bài hát không chỉ là lời động viên của cá nhân đối với mẹ con chị Hạnh mà còn thể hiện tình cảm biết ơn đối với những người phụ nữ nói riêng và rất nhiều lực lượng khác nói chung, nhất là những đồng đội của tôi đang vì nhiệm vụ chống dịch mà phải xa con, xa gia đình”, chị Huyền Ngọc chia sẻ.

Khi sáng tác xong "Lời ru nơi tuyến đầu", chị Ngọc có gửi cho chồng và những người thân nghe, mọi người đều chia sẻ cảm thấy ca khúc hay và xúc động. “Điều đó đã khiến tôi thật sự cảm thấy vui và quyết định sẽ tự quay video hát bằng cảm xúc từ trái tim mình để chia sẻ tình cảm của tôi tới các y bác sỹ và những người lính trên mọi trận tuyến, đặc biệt là những người mẹ đang có con nhỏ phải tạm xa con để lên đường đi làm nhiệm vụ”, chị Ngọc cho biết.

Bài hát sau đó đã được chị đăng lên facebook cá nhân vào lúc 0 giờ trong đúng ngày sinh của mình (31/5) và nhận được rất nhiều lời khen cũng như những chia sẻ trên mạng xã hội. “Tôi muốn bài hát là một dấu ấn trong ngày sinh và cũng muốn trong ngày đặc biệt của cá nhân mình được gửi sự chia sẻ tới các y, bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Họ đã đang vất vả, căng mình vì rất nhiều sinh mệnh, vì tình yêu đất nước. Khi tôi đăng lên, nhiều người đã chia sẻ sự đồng cảm, xúc động và khâm phục trước tinh thần mạnh mẽ của người lính, nhất là những nữ quân nhân. Cá nhân tôi luôn nghĩ, khi xưa ông cha mình đều đã hy sinh những tình cảm riêng vì tình yêu lớn lao như tình yêu đất nước, vậy chúng ta bây giờ cũng thế, dù thời bình hay thời chiến đều như vậy”, chị Ngọc tâm sự.  

Với công việc của một nhân viên văn hóa quần chúng, chị Ngọc thường xuyên tham gia dàn dựng, hỗ trợ nhiều chương trình nghệ thuật cho các đơn vị cơ sở, các chương trình của cơ quan. Tốt nghiệp khoa Âm nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 1997, Trung tá Huyền Ngọc đã có 23 năm công tác tại các đơn vị của Biên phòng (trước đây chị là diễn viên nhạc của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng). Chị bắt đầu sáng tác các ca khúc từ năm 2001 và đã có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị, giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, chị đã sáng tác hai ca khúc được dựng thành MV là “Vì nơi ấy có anh” và “Nếu anh không về” được lan tỏa tích cực trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội.

“Riêng đối với người lính, dù trên bất cứ mặt trận nào, khi có nhiệm vụ đều sẵn sàng lên đường chứ không vì bất cứ lý do nào mà từ chối, nhất là khi cuộc chiến chống dịch này đang rất căng thẳng. Mỗi chúng ta đều phải cố gắng và khắc phục khó khăn. Đó là thông điệp tôi muốn gửi gắm tới nhiều người qua các ca khúc của mình”, nữ Trung tá khẳng định.

“Lời ru nơi tuyến đầu” là ca khúc thứ ba được chị Ngọc sáng tác về đề tài này từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, bài hát “Vì nơi ấy có anh” của Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng chứng nhận là tác phẩm thể hiện xuất sắc chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020. Cùng với ca khúc “Nếu anh không về”, đây cũng là ca khúc tạo sức lan tỏa lớn, được đánh giá cao trong số các tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền về đề tài phòng, chống dịch COVID-19.

Với “thâm niên” viết nhạc của mình, chị Ngọc còn là tác giả của rất nhiều ca khúc với đề tài đa dạng, phong phú như đề tài về tình yêu quê hương đất nước, số phận con người... Các tác phẩm được gửi tham gia nhiều đợt phát động sáng tác và đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài Quân đội. Nữ trung tá cũng nhiều năm được nhận khen thưởng của Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vì những thành tích và nỗ lực trong quá trình công tác.

Hiền Hạnh (TTXVN)