11:09 19/11/2018

Nữ nhà giáo tận tâm, nhiệt huyết vì sự nghiệp trồng người

“Trong quá trình giảng dạy cũng như làm công tác quản lý, người lãnh đạo không chỉ nói hay mà phải làm được. Phải biết “lấy dân làm gốc”, tạo niềm tin và dựa vào dân để tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chăm lo cho sự nghiệp trồng người”.

Đó là điều cô giáo Đinh Thị Phương Nhạn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình luôn tâm niệm, coi trọng. Đây cũng là kim chỉ nam xuyên suốt hành trình nữ nhà giáo nỗ lực đưa ngôi trường từ thứ hạng cuối trở thành trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 với nhiều thành tích đáng tự hào. 

Chú thích ảnh
Cô giáo Đinh Thị Phương Nhạn (bên phải) với các em học sinh. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Xã Quảng Văn là nơi có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Khi đến vùng đất cồn bãi với bốn bề sông nước này, chúng tôi bất ngờ và ấn tượng khi bắt gặp hình ảnh một ngôi trường tiểu học xanh mát, khang trang, tiện nghi và hiện đại. Dẫn chúng tôi tham quan trường, cô Đinh Thị Phương Nhạn cho biết: Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn thành lập năm 1997. Trường đóng trên vùng đất trũng thuộc địa bàn thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, với 100% đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Từ ngày thành lập đến năm 2014, Trường luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn mọi mặt. Với khuôn viên chật hẹp, không được quy hoạch, Trường không có sân chơi, bãi tập, cổng trường và hàng rào; hệ thống cây xanh, bồn hoa, cây cảnh đơn điệu, rời rạc; thường xuyên ngập lụt về mùa mưa lũ. Từ năm 1997 đến 2014, đơn vị “trắng” về môi trường xanh, học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi các cấp, luôn xếp thứ hạng cuối cùng của ngành giáo dục và đào tạo địa phương.

Thầy giáo Trần Văn Tiến, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn kể lại: “Năm 1998, tôi về trường công tác và gắn bó cho đến nay. Trước đây, việc dạy học của thầy, trò khá gian nan, vất vả bởi cơ sở vật chất, hạ tầng và các trang thiết bị thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt, trong khuôn viên Trường có 9 ngôi mộ không chủ, khu Lăng miếu của làng và khu mộ Tổ họ Hoàng - họ Phạm. Phía trước Trường là bờ đê sông Gianh và nhà dân sinh sống, án ngữ mặt tiền. Sân trường lổm nhổm những hố bom và có cả bom tấn sót lại. Xung quanh Trường, ao hồ, lùm cây, cỏ dại mọc um tùm… ẩn chứa hiểm họa đối với tính mạng của con người, nhất là lứa tuổi học sinh Tiểu học”

Tháng 10 năm 2014, cô Đinh Thị Phương Nhạn được điều động về giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng - Phụ trách Trường thay Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng về nghỉ hưu gần như cùng thời điểm. Vì chỉ một cán bộ quản lý phụ trách trường, trong khoảng thời gian dài, có lúc cô phải đảm trách cả công tác Đảng và chuyên môn của Trường. Trước bao bộn bề khó khăn, thúc giục người cán bộ trẻ quyết tâm phải làm gì đó để thay đổi thực tại. “Trăn trở nhiều đêm, suy nghĩ, phân tích thực tế, tôi đã cùng tập thể sư phạm xác định phải bắt đầu từ lòng yêu người, yêu nghề - đó là gốc rễ của mọi công việc. Bởi nếu không có tình yêu, chúng ta sẽ mất đi sự yêu thương, sự sẻ chia và mất đi sự tương tác giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Sự kết nối này sẽ là điều kiện tốt nhất để Trường thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa”, cô Phương Nhạn cho hay.

Với khẩu hiệu hành động “Đến trường để Yêu và được Yêu”, cô giáo Phương Nhạn đã tập hợp, đoàn kết tập thể sư phạm nhà trường; tăng cường gắn kết, đến với từng gia đình, học sinh; theo dõi, chăm chút, giúp đỡ học sinh cả trong học tập, vui chơi, rèn luyện, vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, cô cũng mạnh dạn tham mưu quyết liệt cho lãnh đạo địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã về kế hoạch trước mắt và lâu dài trong xây dựng, phát triển nhà trường.

Chú thích ảnh
Cô Đinh Thị Phương Nhạn mạnh dạn tham mưu, phối hợp cùng lãnh đạo địa phương xây dựng trường ngày một khang trang, chất lượng. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Ông Hoàng Minh Huề, Trưởng thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, cho biết: Trước sự nhiệt tình và chịu khó kết nối, tham mưu của cô Nhạn, chúng tôi đã cùng phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm tạo môi trường học tập chất lượng cho con em mình. Từ việc đến nhà dân tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến tự nguyện bỏ kinh phí thuê người cất bốc, di dời và an táng các ngôi mộ không chủ trong Trường đến nơi khác. Thấy sự tiến bộ từng ngày của học sinh và Trường, các phụ huynh bắt đầu chú ý và tham gia nhiệt tình vào các hoạt động, hợp tác và sẻ chia trong xây dựng trường học khang trang, sạch đẹp.

Mong muốn tạo được môi trường tốt hơn giúp học sinh vùng cồn bãi học tập, vui chơi và rèn luyện, chia sẻ bớt phần nào thiệt thòi với các em, năm học 2015 – 2016, cô Đinh Thị Phương Nhạn mạnh dạn đề xuất ý tưởng, kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Bằng sự tác động và ủng hộ từ nhiều phía, nhà trường bắt tay xây dựng kế hoạch; Trường kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, con em quê hương làm ăn trong và ngoài nước chung tay góp sức, ủng hộ xây dựng trường học. Cùng với đó, cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhiệt tình đóng góp ý tưởng, ngày công. Sự chung tay góp sức không dừng lại ở vật chất mà còn xây dựng nên một ý thức chăm lo trường học, chăm lo việc học tập của con em, là môi trường học tập, rèn luyện thân thiện - tích cực.

Giờ đây, thay vào vị trí nhà dân, các ngôi mộ không chủ, khu Lăng miếu của làng, khu mộ Tổ họ Hoàng - họ Phạm, hố bom, ao hồ xung quanh... là khuôn viên có quy hoạch bài bản và đẹp mắt. Những hố bom ngày xưa giờ là khu vui chơi đầy đủ các trò vận động cho học sinh. Không gian học tập, vui chơi của các em đẩy đủ tiện nghi, thoáng đãng, sinh động và tươi sáng. Cổng trường, tường rào an toàn, sân trường rợp bóng cây xanh, vườn hoa… đúng chuẩn của một trường học thân thiện, tạo được hứng khởi, thích thú cho thầy, trò cũng trong quá trình giảng dạy, học tập.

Song song với đó, nhận thức rõ chất lượng chuyên môn của giáo viên quyết định đến chất lượng giáo dục, cô Đinh Thị Phương Nhạn và nhà trường quyết tâm thực hiện mục tiêu: "Đội ngũ giáo viên chuẩn về nghề nghiệp, tốt về đạo đức, giỏi về chuyên môn, tận tâm với nghề và vững vàng về chính trị". Từ đó, phong trào “Dạy tốt, học tốt”, chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, Trường đã tổ chức cho trẻ Mầm non 5 tuổi tham quan, làm quen, tăng sự hứng thú cho các em trước khi vào lớp 1; đồng thời, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Công đoàn hoạt động sôi nổi, đời sống của đoàn viên được quan tâm…

Trong tất cả các phong trào, hoạt động của Trường, cô Phương Nhạn luôn là người tiên phong đi đầu thực hiện, từ việc xới đất trồng hoa, trang trí biểu bảng cho khuôn viên trường lớp đến leo mái nhà lợp lại những mảng ngói phòng học khi bị mưa bão gây hư hại. Cống hiến hết mình cho trường lớp, về với tổ ấm gia đình của mình, cô Phương Nhạn luôn đảm đang, vẹn toàn, là niềm tự hào của chồng và các con, xứng đáng với danh hiệu Nữ cán bộ nhà giáo “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 - 2018 mà ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã tặng thưởng cô. Với cách làm việc nghiêm túc, lối sống gần gũi, chân tình, nên dù ở cương vị nào, cô Phương Nhạn được lãnh đạo, đồng nghiệp, phụ huynh quý trọng và thương mến.

Cô Hoàng Thị Lý, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn bày tỏ: “5 năm công tác tại Trường là quảng thời gian quý giá và may mắn khi tôi được làm việc cùng cô Đinh Thị Phương Nhạn. Cô không chỉ tận tình truyền đạt, chỉ bảo về chuyên môn nghiệp vụ mà còn hết lòng quan tâm giúp đỡ giáo viên và học sinh nhà trường. Cô đã truyền nhiệt huyết, tâm sức và lòng say mê yêu nghề, thương trẻ đến thế hệ giáo viên trẻ chúng tôi”

Sau gần 5 năm, Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn đã có những bước đột phá mạnh mẽ và ngoạn mục. Từ một trường yếu kém mọi mặt đã vươn lên vượt bậc và đạt nhiều thành tích cao, nhà trường được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Năm học 2017 - 2018, Trường vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tặng Cờ thi đua dẫn đầu cấp học; đạt danh hiệu Tập thế lao động xuất sắc cấp tỉnh; tốp đầu trong các cuộc thi của ngành. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ và miệt mài của cô Đinh Thị Phương Nhạn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường.

Chia sẻ về những gì đã làm, cô Phương Nhạn khiêm nhường cho biết: “Mỗi ngày qua đi, tôi luôn nhìn lại những gì mình đã và chưa làm được. Để biết mình còn yếu chỗ nào, từ đó cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Với tôi, sự nghiệp trồng người vô cùng cao quý và đam mê cùng tình yêu nghề cứ luôn thổn thức, cháy bỏng trong trái tim tôi, cuộc đời tôi”

Bằng tình yêu đặc biệt với nghề cùng sự năng động, nhạy bén và linh hoạt, cô Phương Nhạn đã phát huy được sức mạnh của sự kết hợp nhà trường – gia đình – xã hội; khoác lên ngôi trường ấy diện mạo mới với dấu ấn riêng khác biệt trên mảnh đất còn lắm khó khăn. Và giờ đây, khi đến với ngôi trường nhỏ xinh nép mình bên bờ sông Gianh hiền hòa, bất cứ ai cũng cảm nhận và ưu ái dành tặng Trường và cô giáo Đinh Thị Phương Nhạn hai tiếng: Cảm phục!.

Võ Dung (TTXVN)