12:13 24/12/2019

Nữ điệp viên chặn đứng kế hoạch Đức Quốc xã ám sát lãnh đạo Đồng minh

Nữ điệp viên Liên Xô huyền thoại Goar Vartanyan vừa qua đời ở tuổi 93. Bà được đánh giá là người đã thay đổi tiến trình lịch sử khi hỗ trợ phá âm mưu ám sát của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, tên tuổi của bà ít được biết đến.

Bà Vartanyan ra đi cuối tháng 11/2019 và để lại một di sản đồ sộ của một điệp viên có ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử trong thời Chiến tranh Thế giới thứ hai và sau đó. Bà được chôn cất cạnh chồng, ông Gevork Vartanya – người cũng là một điệp viên mật và là một điệp viên được tặng nhiều huân chương nhất nước Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá vợ chồng ông bà Vartanyan đã cống hiến cuộc đời để phụng sự đất nước.

Khoảnh khắc định hình lịch sử

Chú thích ảnh
Bộ ba lãnh đạo: Josef Stalin, Franklin Roosevelt và Winston Churchill ở Tehran năm 1943. Ảnh: DW

Một trong những sứ mệnh nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của bà Vartanyan diễn ra vào năm 1943 tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Tehran ở Iran - nơi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill  và nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin gặp mặt.

Khi đó, bà Vartanya tham gia nhóm thực hiện chiến dịch đảm bảo an ninh cho hội nghị ở Tehran. Đây không phải là nhiệm vụ nhỏ vì hội nghị này là lần hiếm hoi lãnh đạo Stalin ra khỏi Liên Xô trong thời chiến.

Bộ ba quyền lực lãnh đạo phe Đồng minh đã tới thủ đô của Iran để dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ 28/11 tới 1/12/1943. Họ thảo luận các vấn đề hậu cần của một cuộc tấn công vào nước Pháp đang bị Đức chiếm đóng giữa Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, trong lúc đó, một âm mưu chết người đang được tiến hành.

Theo kênh BBC, một nhóm người Đức Quốc xã âm mưu ám sát ba lãnh đạo Stalin, Churchill và Roosevelt tại hội nghị trong chiến dịch Long Jump. Kế hoạch được chính trùm phát xít Adolf Hitler ủng hộ và hắn đã quyết định thực hiện chiến dịch. Sau giai đoạn lên kế hoạch cẩn thận dưới sự giám sát của cảnh sát trưởng an ninh Ernst Kaltenbrunner, Hitler đã cử đặc vụ Otto Skorzeny cùng với 6 người tới nơi hẹn ở Tehran để khởi đầu chiến dịch.

Thông tin đầu tiên về kế hoạch ám sát do đặc vụ tình báo Liên xô Nikolai Kuznetsov phát hiện khi ông ở Ukraine – khi đó đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Kuznetsov đã chuốc say một sĩ quan Đức tên là Ulrich von Ortel để tên này kể về kế hoạch. Mặc dù ngày tháng cụ thể của chiến dịch chưa rõ nhưng thông tin chiến dịch sẽ diễn ra đã được xác nhận. 

Lúc đó, cả hai vợ chồng Vartanyan đều là điệp viên. Ông Gevork 19 tuổi, còn bà Goar mới 16 tuổi. Trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình truyền hình Mỹ Spotlight nhiều chục năm sau đó, ông Vartanyan cho biết ông không rõ các lãnh đạo có biết họ gặp nguy hiểm trước hội nghị hay không. Ông nói: “Những người Đức Quốc xã nghĩ chúng có thể bắt cóc họ thành công. Nếu không, chúng sẽ giết họ. Lúc đó, tôi có một nhóm 7 người trẻ như tôi, khoảng 17 hay 18 tuổi”.

Nhóm điệp viên tuổi trẻ tuổi này phát hiện ra dù của Đức hạ xuống gần nơi hội nghị sắp được tổ chức. Họ đã can thiệp vào tần số vô tuyến để nghe trộm, thu thập thông tin tình báo về chiến dịch Long Jump.

Nhóm điệp viên định vị được vị trí của 6 người Đức Quốc xã và khi chúng được thả xuống bằng dù gần thị trấn Qom, cách Tehran 64km, họ đã bám theo tới Tehran – nơi trạm dã chiến của Đức Quốc xã đã chuẩn bị một biệt thự cho 6 người này ở. Chúng di chuyển bằng lạc đà và mang theo nhiều vũ khí.

Các điệp viên trẻ đã nghe lén khi chúng liên lạc với Berlin bằng vô tuyến. Họ biết rằng chúng định cho nhóm thứ hai đáp xuống để thực hiện hành động khủng bố, bắt cóc hoặc ám sát bộ ba lãnh đạo. Nhóm thứ hai do chính Skorzeny chỉ huy.

Toàn bộ thành viên của nhóm đầu tiên đã bị bắt và buộc phải liên lạc về Berlin dưới sự giám sát của Liên Xô. Chiến dịch Long Jump đổ bể và nhóm thực hiện do Skorzeny dẫn đầu không bao giờ tới được Tehran. Hội nghị diễn ra theo kế hoạch. Bộ ba lãnh đạo sống sót.

Phim Teheran 43 do Liên Xô sản xuất và phát hành đầu những năm 1980 lấy cảm hứng từ câu chuyện hấp dẫn này. Nhiều quyển sách cũng viết về thành tích của vợ chồng Vartanyan.

Con đường dẫn tới cuộc đời điệp viên

Chú thích ảnh
Hai vợ chồng điệp viên Vartanyan năm 1946. Ảnh: ABC

Bà Goar Vartanyan sinh ngày 25/1/1926 ở Leninakan (giờ là Gyumri) ở Armenia thuộc Liên Xô thời đó. Đầu những năm 1930, bà chuyển tới Tehran cùng gia đình. Tại đây, bà gặp chồng tương lai là Gevork – người có quê ở Armenia. Cha Gevork là điệp viên tình báo Liên xô ở Tehran dưới vỏ bọc một thương nhân. Còn Gevork có mật danh Amir, bắt đầu làm việc cho tình báo Liên Xô từ khi còn tuổi thiếu niên.

Bà Goar gặp ông Gevork khi bà tham gia tổ chức chống phát xít do ông Gevork làm lãnh đạo. Bà nói tiếng Armenia, còn ông nói tiếng Nga. Họ giao tiếp bằng tiếng Farsi và nhanh chóng học được ngôn ngữ của nhau. Bà Goar đã gia nhập cơ quan tình báo Liên Xô khi 16 tuổi. Bà kết hôn với ông Gevork 4 năm sau đó. Điều đặc biệt là họ đã kết hôn ba lần khác nhau khi nhận danh tính mới.

Giữa Chiến tranh Thế giới thứ hai, cặp đôi đã giúp phát hiện hàng trăm gián điệp Đức Quốc xã sống ở Tehran. Do đó, họ có lợi thế trong chiến dịch đảm bảo an ninh cho các lãnh đạo tại hội nghị năm 1943. 

Thời gian ở Tehran là khởi đầu cho sự nghiệp lừng lẫy của bà trong các chiến dịch bí mật mà bà thực hiện cho Liên Xô ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Với mật danh Anita, bà Vartanyan đã tham gia nhiều công việc tình báo cho tới tận khi qua đời.

Sau chiến tranh, hai vợ chồng Vartanyan chuyển tới Liên Xô. Sau đó, họ làm việc tình báo trong điều kiện khắc nghiệt ở nhiều nước.

Cặp đôi Goar và Gevork Vartanyan  đều có sự nghiệp xuất sắc khi làm điệp viên trong nhiều chục năm. Sau khi nghỉ hưu năm 1986, bà Vartanyan tiếp tục đào tạo điệp viên bí mật trẻ tuổi.

Vẫn còn nhiều điều bí ẩn về tầm ảnh hưởng của cặp vợ chồng gián điệp với an ninh quốc gia và chiến dịch bí mật của Liên Xô. Báo chí địa phương cho biết phần lớn công việc của họ vẫn được giữ bí mật cho dù sau khi họ đã qua đời.

Bà có mối quan hệ bạn bè thân thiện với Tổng thống Vladimir Putin và họ thường thăm hỏi nhau. Bà Vartanyan không bao giờ tiết lộ nội dung các cuộc gặp và cũng không bao giờ nói gì về công việc của mình. Bà chỉ nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2015: “Tôi đã giúp chồng rất nhiều trong công việc. Tôi tham gia các chiến dịch bí mật. Cùng với nhau, chúng tôi chia sẻ thất bại và niềm vui”.

Khi thông báo về cái chết của bà Vartanyan, Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga đã gọi bà là một nữ anh hùng. Giám đốc cơ quan này, ông Sergei Naryshkin nói: “Cùng với chồng, họ là một trong số các điệp viên hiệu quả nhất trong cộng đồng tình báo của chúng ta”. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không có họ, lịch sử thế giới chúng ta có thể đã khác”.

Bản thân Tổng thống Putin cũng dành những lời lẽ tốt đẹp cho nữ điệp viên: “Bà Goar Vartanyan thuộc về nhóm những chuyên gia lỗi lạc cống hiến cuộc đời phục vụ quê nhà. Những đóng góp của bà trong tăng cường an ninh quốc gia thực sự độc nhất vô nhị. Cùng với chồng, bà đã bổ sung thêm những trang sử anh hùng, nổi bật vào lịch sử tình báo nước ngoài của Nga”.

Thùy Dương/Báo Tin tức