06:09 29/06/2011

Nữ Bộ trưởng tài chính Pháp trở thành Giám đốc Điều hành của IMF

Ngày 28/6, Ban Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã họp tại thủ đô Oasinhtơn của Mỹ và quyết định chọn nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde làm Giám đốc Điều hành và Chủ tịch Ban Điều hành của IMF.

Ngày 28/6, Ban Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã họp tại thủ đô Oasinhtơn của Mỹ và quyết định chọn nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde làm Giám đốc Điều hành và Chủ tịch Ban Điều hành của IMF.

Tân Giám đốc điều hành của IMF Christine Lagarde. Ảnh: THX-TTXVN.


Giới chuyên môn đánh giá bà Lagarde, 55 tuổi, có nhiều điểm mạnh như là một bộ trưởng tài chính vững vàng, thành công; một luật sư chuyên nghiệp, một nhà đàm phán tốt, một người có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời và trên tất cả là một nhà quản lý xuất sắc.

Bà Lagarde trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của IMF kể từ khi tổ chức này ra đời vào năm 1945. Bà Lagarde thay ông Dominique Strauss-Kahn, người nắm giữ hai vị trí hàng đầu của IMF từ ngày 1/11/2007 cho đến ngày 18/52011 khi ông xin từ chức do liên quan tới vụ bê bối tình dục.

Trong một tuyên bố đưa ra sau khi được Ban Điều hành của IMF đồng thuận chọn làm người đứng đầu của IMF, bà Lagarde bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới các thành viên vì đã ủng hộ bà rất nhiều.

Bà Lagarde sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình từ 5/7 tới. Bà sẽ phải đối mặt ngay với sức ép từ các nước đang nổi lên muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong tổ chức tiền tệ toàn cầu này. Bà cũng phải lãnh đạo tổ chức này đảm đương vai trò chủ chốt trong việc giải thoát các nước trong khối sử dụng đồng tiền Euro, kể cả Hy Lạp, ra khỏi suy thoái tài chính hiện nay.

IMF là một tổ chức tín dụng có chức năng dành các khoản vay cho các nước gặp các vấn đề về tài chính. Tổ chức này hiện có 187 nước thành viên và Ban Điều hành của IMF có 24 thành viên là các giám đốc do các nước thành viên hoặc nhóm các nước thành viên chỉ định hoặc bầu. Giá trị phiếu bầu của các giám đốc tỉ lệ thuận với phần góp vốn của các nước vào tổ chức tín dụng này, trong đó giá trị lớn nhất thuộc về Mỹ, gần 17%; sau đó là Nhật Bản, gần 6,3%; Đức, 5,8%; Pháp và Anh, mỗi nước là 4,3%; Trung Quốc, 3,8%; và Nga, 2,4%. Các nước châu Âu nắm giữ hơn 45% giá trị phiếu bầu.

Kim Yến (P/v TTXVN tại Mỹ)