08:14 27/08/2012

NSƯT Thanh Ngoan: Lúng liếng huê tình

Gặp Thanh Ngoan lúc nào cũng thấy chị cười, dường như, đôi môi hồng đào và ánh mắt sắc dao cau của chị không có chỗ cho những nỗi buồn thường trực, hay nói đúng hơn, “phận đào lệch” đã choán lấy chị như một định mệnh thường trực...

Gặp Thanh Ngoan lúc nào cũng thấy chị cười, dường như, đôi môi hồng đào và ánh mắt sắc dao cau của chị không có chỗ cho những nỗi buồn thường trực, hay nói đúng hơn, “phận đào lệch” đã choán lấy chị như một định mệnh thường trực, nên sự sắc sảo, thông minh, cá tính trên sân khấu chèo đã lần vào đời thường của chị. Chị như con tằm rút ruột nhả tơ để mang đến cho khán giả những cung thương, cung nhớ, những giai điệu huê tình làm say lòng người…


Gặp NSƯT Thanh Ngoan (ảnh) thật khó, cho dù đang là những ngày mùa hè nắng nóng nhất, nhưng gọi điện bao giờ cũng nghe thấy tiếng chị thánh thót đầu dây ở một tỉnh xa Hà Nội. Thanh Ngoan luôn là vậy, dường như đối với chị, tình yêu chèo là tất cả. Chị không ngại khó, không ngại khổ, không ngại đường xa cách trở, không ngại không gian, thời gian, ở đâu có người yêu chèo là ở đó có bước chân của chị cùng đoàn chèo hăng hái lên đường.


Chị bảo, ở thời buổi này, chèo đang dần bị mất chỗ đứng trong lòng khán giả, chính vì vậy, còn một người yêu chèo là còn tiếng hát của các chị, còn những dấu chân không mỏi trên những nẻo đường từ miền ngược đến miền xuôi.



NSƯT Thanh Ngoan vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng biển Thái Thụy, Thái Bình. Nhà chị cách biển chừng hơn 3km nên chị được thừa hưởng làn da bánh mật, giọng nói khỏe nhưng ấm áp như được ngấm từ vị mặn mòi của nắng-gió và muối biển, cuộc đời đã tặng cho chị một hình dáng, một chất giọng khỏe, khàn không trộn lẫn.


Thanh Ngoan nhiều lần vẫn tự nhận rằng, chị là một phận đào chèo may mắn! Người đàn bà được gọi là "ăn sóng nói gió" này gặp khá nhiều may mắn trên con đường lập nghiệp của mình, nhưng để đạt được đến một thương hiệu Thanh Ngoan như ngày hôm nay, chị cũng đã luôn phải nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường thành danh của mình.


Thanh Ngoan tâm sự, gia đình chị không ai theo chèo một cách chuyên nghiệp nhưng người nào cũng yêu và hát chèo rất hay, đặc biệt là mẹ chị. Dì của Thanh Ngoan, bà Nguyễn Thị Bích Kiên cũng là một cây chèo nổi tiếng đất Thái Bình (bà là mẹ đẻ của ca sĩ Trung Anh). Nhưng dường như đến lượt chị, cái "gen" chèo mới thực sự nổi trội một cách đặc biệt. Trời phú cho chị một giọng hát, mà dường như chỉ ở mảnh đất chèo, nó mới phát huy được tác dụng.


Có người khi nghe giọng hát của chị còn cảm nhận “cay cay nơi sống mũi”, nhưng lại thanh thoát, da diết, đa đoan và tình tự với nhiều cung bậc khác nhau. Tựa như hàm chứa trong đó những xúc cảm gập ghềnh, đa chiều, rất khó diễn tả khiến người nghe chỉ biết nuốt lấy từng lời mà không dứt ra được.


Cũng bởi mê hát chèo, từ năm 9 tuổi cô bé Thanh Ngoan đã bắt đầu đi học hát chèo ở khắp nơi trong tỉnh Thái Bình. Trong một lần hát phục vụ Đại hội Đảng trong huyện, chị tình cờ biết Nhà hát Chèo Việt Nam về tuyển diễn viên.


Thế là cô bé Thanh Ngoan bấy giờ mới 13 tuổi, "khăn gói quả mướp" lên Hà Nội, một mình đeo đuổi nghiệp chèo. Từ ngày đầu tiên đó, bằng sự nỗ lực hết mình, cô học trò bé nhất lớp Thanh Ngoan hồi đó nay cũng đã trở thành Nghệ sĩ Ưu tú với nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý.


Tuy nhiên, con đường chị đến với thành công không phải bằng phẳng mà cũng lắm chông gai, nhọc nhằn. Làm nghệ thuật đã khó, làm nghệ thuật truyền thống càng khó nhọc bội phần. Thành công của những thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước đã được khẳng định, thế hệ của Thanh Ngoan sinh vào buổi giao thời, khi đời sống mở cửa, thị hiếu khán giả bắt đầu có những đổi thay, sự mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Nhưng tình yêu và lòng đam mê với chiếu chèo vẫn luôn dằn vặt thôi thúc và như cái nghiệp vận vào nên chị không thể dứt ra cũng không thể rũ bỏ vì bất cứ điều gì.



Dường như ông trời khá ưu ái cho Thanh Ngoan vì đã ban cho chị một khuôn mặt trái xoan, một đôi mắt lúng liếng đẹp mê hồn và một chất giọng như hút hồn người. Nếu ai đã từng nghe chị hát, thì nỗi ám ảnh về giọng hát của chị như có lửa.


Đặc biệt, khi Thanh Ngoan hát xẩm, hát chầu văn, hát ca trù… thì giọng hát ấy phần nào lay động được tâm thức và tình yêu dân tộc, gợi được nỗi buồn da diết mà trong sáng. Đôi khi, nó như một giai điệu của lời ru thuở nhỏ bên vành nôi mẹ bế bồng. Giọng hát và ánh mắt tình tứ lúng liếng, liền anh liền chị của Thanh Ngoan đã thả vào hồn người những dư ba khó quên.


Dù được sở hữu giọng hát ấm và tình tứ, nhưng khi diễn, Thanh Ngoan lại thường được giao vào những vai đào lệch đanh đá, chua ngoa, quỷ quyệt trên chiếu chèo. Bởi cái “uy” trong lời nói lẫn âm vực giọng của chị đã phần nào không phải thể hiện cho các vai đào thương.


Nói về điều này, Thanh Ngoan tâm sự rằng, hình như cứ viết kịch bản xong là đạo diễn "ấn" ngay cho chị vai đào lệch.


Đã thế, mỗi lần Thanh Ngoan cất cao chất giọng, đi cùng với lời hát là đôi mắt lá răm liếc ngang đã làm người xem... thấy hiển hiện một người đàn bà quyền biến, lạnh lùng và lắm mưu mô, thủ đoạn. Những vai diễn đã đánh dấu tên tuổi của chị như “Quỷ cái”, rồi chủ quán Hồng Châu trong vở chèo “Hồ Xuân Hương”... Thanh Ngoan cho rằng, cho đến bây giờ, vai chủ quán Hồng Châu vẫn là vai diễn để đời mà Thanh Ngoan nhớ nhất trong sự nghiệp của mình vì đó là vai diễn hai mặt rất khó thể hiện.


Cùng với nghệ sĩ Đức Hạnh, Thanh Ngoan đã tạo ra bước ngoặt đầu tiên khi đưa ca trù lồng vào với chèo. Đây là nền tảng cho việc hòa trộn ca trù với rất nhiều những làn điệu truyền thống khác, thậm chí là cả nhạc mới sau này. Với vai chủ quán Hồng Châu, Thanh Ngoan đã giành Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1988. Cũng từ đó, giọng chèo Thanh Ngoan tiếp tục ghi dấu ấn của mình trong lòng công chúng với rất nhiều vai đào lệch khác như: Hoạn Thư, vợ cả Dọc, Đào Huế...


Trong làng Chèo, nhiều người vẫn nhận xét rằng, Thanh Ngoan là một người có tính cách mạnh, luôn muốn thay đổi, muốn tạo ra những cái mới, cái lạ trên sân khấu. Tư duy của chị thích nhiều thứ nhưng không thứ nào trật ra khỏi guồng quay của nghệ thuật truyền thống. Chị muốn trở thành một nghệ nhân chèo đa dạng, biết hát diễn chèo cổ, chèo cách tân, ca trù, chầu văn…


Hào hứng nói về nghệ thuật bao nhiêu thì khi nói về chuyện gia đình, giọng chị lại trở nên trầm xuống. Dẫu gì thì chị cũng đã phải nếm trải những mất mát trong cuộc sống riêng tư khi chuyên tâm lo cho nghệ thuật. Bản thân nghệ thuật đã có nhiều sóng gió, phụ nữ làm nghệ thuật thì càng gặp những sóng gió lớn hơn, vì không phải người đàn ông nào cũng chấp nhận bếp lửa nguội lạnh nhiều ngày tháng.


Thanh Ngoan đã phải chấp nhận một sự thật phũ phàng đó với cuộc hôn nhân đầu tiên của mình. Người chồng đã không thể vị tha vì những mục đích mà Thanh Ngoan theo đuổi và dành cho nghệ thuật truyền thống. Những chuyến lưu diễn, những tháng vắng nhà, xa chồng, xa con dẫu phải nước mắt lặn vào trong, nhưng làm nghề, có nghĩa là phải hy sinh cho nghề thì mới thành công được. Âu đó cũng là bản lĩnh của người làm nghệ thuật và đam mê nghệ thuật mà chị đã phải trả giá.


Chị đã phải buông tay với gia đình. Nhưng rồi, sau đổ vỡ ấy, may mắn trong hạnh phúc riêng đã mỉm cười với chị, chị gặp người đàn ông kém mình 6 tuổi, biết yêu và tôn trọng nghề nghiệp của chị. Anh đã là điểm tựa để chị dựa vào sau những thành công, thất bại, sau những đêm diễn muộn trở về nhà, sau những câu hát như rút ruột gan mình để sẻ chia nỗi niềm nhân thế…


Hiện nay NSƯT Thanh Ngoan đang được giao trọng trách làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Nhiều người tâm huyết với chèo đang mong muốn chị về gánh vác cũng như có trách nhiệm khôi phục lòng yêu nghệ thuật trong lòng công chúng, chẳng hạn như dựng lại sân khấu chèo cổ cho những khán giả yêu chèo và muốn nghiên cứu sâu về nó.


Một sân khấu dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như xẩm, ca trù, chầu văn để vừa giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống này cho công chúng trong và ngoài nước, vừa để gìn giữ những báu vật này như một “món ăn tinh thần” một thời không thể thiếu trong lòng khán giả.



Nhật Huy