05:22 02/05/2012

NSND Ngô Xuân Huyền: Người “gác đền” chính kịch

Ông là một đạo diễn không bao giờ câu nệ vào hình thức sân khấu, không coi lĩnh vực nào là "sở trường", "sở đoản", chỉ có duy nhất một điều đeo đẳng ông trong mỗi tác phẩm là ông luôn "kiên định" với con đường chính kịch.

Tôi đến căn hộ tầng hai chung cư khu đô thị Mỹ Đình gặp NSND Ngô Xuân Huyền (ảnh). Ông ngồi lặng lẽ ở căn phòng quen thuộc vừa làm việc, vừa tiếp khách. Dáng điệu ông có vẻ chậm chạp hơn, yếu hơn nhiều so với tuổi 70 sau những tháng ngày chống lại căn bệnh tai biến, dù khi hỏi về những ngày tháng đã qua, đặc biệt về Liveshow gồm 5 vở kịch được công diễn hồi đầu năm vừa rồi tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) với Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cùng các nhà hát, đài truyền hình tổ chức, ánh mắt ông sáng lên như thể tôi đã chạm vào được chính mạch nguồn cảm xúc của một người nghệ sĩ, một đạo diễn sân khấu kỳ cựu và nổi danh vào hạng nhất nhì của sân khấu kịch đương đại.

NSND Ngô Ngô Xuân Huyền sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thanh Chương, Nghệ An. Ông ra Hà Nội học khóa đầu tiên Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam từ năm 17 tuổi, tốt nghiệp, ông về nhận công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tuồng Liên khu V rồi được cử đi đào tạo chuyên ngành đạo diễn ở Liên Xô (cũ). Trở về nước năm 1977, ông về làm giảng viên tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Bắt đầu từ vở diễn đầu tay "Gió và bụi" (kịch bản Hoàng Yến - Đoàn Cải lương Đà Nẵng) đoạt Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980 đến nay, trên 30 năm gắn bó với cánh màn sân khấu đạo diễn Xuân Huyền đã dàn dựng khoảng 300 trăm vở diễn cho các đoàn nghệ thuật, với đủ các loại hình sân khấu: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca.

Ông là một đạo diễn không bao giờ câu nệ vào hình thức sân khấu, không coi lĩnh vực nào là "sở trường", "sở đoản", chỉ có duy nhất một điều đeo đẳng ông trong mỗi tác phẩm là ông luôn "kiên định" với con đường chính kịch. Bởi thế, khán giả luôn nhớ đến những vở kịch một thời đã khiến người xem “sởn gai ốc” vì tính luận đề của tác phẩm. Những vở từ những thập niên 80 như vở kịch "Ôtenlô" của Sếchxpia, vở chèo "Vòng phấn Kápka" của Béctôn Bơrét, hay vở cải lương "Tiếng hát tình yêu" (của Vũ Dũng Minh - Ngọc Thụ) cho đến những vở gần đây như “Vòng đời”, “Tiếng chuông chùa”, “Bến bờ xa lắc”, “Lời thề thứ 9”, “Ám ảnh xanh”, “Nhà có ba chị em gái”, “Một cây làm chẳng nên non”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, "Cát bụi"…

Tôi hỏi NSND Ngô Xuân Huyền, trong số hàng trăm vở đã làm ông chỉ chọn được năm vở kịch để tổng kết một cuộc đời làm nghề, liệu có quá ít so với một tác giả kỳ cựu như ông? Đạo diễn Xuân Huyền trầm ngâm trong chốc lát rồi chia sẻ: “Đó là những vở tiêu biểu cho phong cách của tôi. Những vở kịch đó cũng đã phản ánh được quan niệm của tôi, những quan niệm về nghề mà tôi đã theo đuổi bấy lâu nay. Tôi chọn vở kịch khai mạc là “Tiếng chuông” (tác giả là nhà văn Hữu Ước) vì đó là một vở diễn nhân văn khi đã nói được sự phức tạp của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, khi trong chiến hào xen lẫn ta và địch và nỗi đau là không phải của riêng ai. Một vở kịch khác về giới trẻ là “Nhà có ba chị em gái”. Đây là kịch bản đã đoạt giải tại “Cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu 1998-1999” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức. Tác giả Nguyễn Thu Phương đã lý giải được sự hình thành những quan niệm về hạnh phúc. Chủ nghĩa thực dụng tạo nên nhiều luồng tư tưởng mới mẻ, và người phụ nữ cũng đứng trước những sự xáo trộn đó. Có người trở thành nạn nhân. Có người tìm cách vẫy vùng. Những con người đến với hạnh phúc từ điểm xuất phát chênh vênh thì kết quả cũng không trọn vẹn. Cô Quỳnh, người thú nhận là trước khi lấy chồng đã "có hàng tá mối tình, dắt mũi cả lô đàn ông, chán chê rồi mới dừng lại", nên sau này bị một bà Việt kiều cuỗm mất chồng. Cô Tú một lần sang đò nhưng vẫn không suy nghĩ chín chắn khi đi bước nữa, nghe tán ngon ngọt, lấy rồi mới vỡ lẽ. Còn cô Nhiên, ngay cả khi xuất phát điểm đúng, có hạnh phúc trong tay vẫn mãi chạy theo những cái đâu đâu... Kết thúc kịch, tôi đồng ý với tác giả khi viết: “Hôn nhân là việc hệ trọng, không phải thích lấy ai thì lấy, thích bỏ ai thì bỏ”. Vì khi con người ngày càng lún sâu vào những mâu thuẫn của mình. Tôi khát vọng cái anh có nhưng anh cứ đi tìm đâu đâu. Phải biết trân trọng giá trị hạnh phúc mình có, chứ đừng so bì, tị nạnh với ai. Người xem chắc sẽ thấy nhiều gia đình, nhiều con người như thế chung quanh mình". Vở kịch kết thúc chương trình là “Cát bụi” (tác giả là nhà văn Triệu Huấn), (vở kịch được nhận bằng khen “Vở diễn ấn tượng nhất” tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2004 và vừa được Nhà hát Kịch Hà Nội đưa tham dự Festival sân khấu quốc tế tại Hàn Quốc - PV) với cái chết đột tử của tham quan Thúc Đại sau hàng loạt tội ác, hàng loạt quả báo, và những dồn nén tâm lý được đẩy đến tận cùng, cũng là cách tôi gửi tới khán giả xem kịch một thông điệp của mình: Tôi thích những kịch bản mang tính triết lý, mang tầm tư tưởng lớn, đưa được những vấn đề lớn của con người, của cuộc đời, của xã hội lên sân khấu. Sân khấu của tôi, không bao giờ chỉ là trò chơi, trò giải trí, hoặc chỉ là mua vui đơn thuần, mà qua mấy chục mét vuông sàn diễn, tôi muốn mang đến cho cuộc đời những niềm vui, nỗi buồn, cũng như những khát vọng chân chính của con người. Và với tôi, bất cứ một vở kịch nào, thuộc thể loại nào, tôi cũng làm theo nguyên tắc: Sân khấu là một tấm gương lớn mà người ta soi vào đó sẽ tự phát hiện thấy những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại”.

Nhiều đạo diễn, nhiều nghệ sĩ đương đại khi được hỏi về NSND Ngô Xuân Huyền, thường nói về ông bằng một cụm từ vừa trân trọng, vừa quý mến, vừa thể hiện sự tôn vinh: “Người gác đền chính kịch”, bởi những quan niệm mang tính nguyên tắc đến độ cực đoan, bộc lộ rõ cá tính nghệ thuật của ông. Trong khi hầu hết các nhà hát, các đạo diễn “thức thời” ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều phải đi bằng hai “chân” để có thể sống, để có thể tồn tại, thì NSND Ngô Xuân Huyền nhất định nói “không” với hài kịch. Dù gần đây ông có dựng các vở bi hài kịch như “Người yêu tôi là Hoa hậu”, “Thầy Khóa làng tôi”, “Vợ giỏi dạy chồng ngu”, “Phương thuốc thần kỳ”... và dù có điểm xuyết vài yếu tố hài trong đó nhưng tác phẩm của ông cuối cùng vẫn quay về với những nguyên tắc bất di bất dịch mà ông theo đuổi: Chính kịch. Ông cho rằng, chỉ chính kịch mới nói lên được tư tưởng, chủ đề của vở kịch, cũng là một cách người nghệ sĩ, thông qua đó, nói về cuộc đời, số phận con người.

Ở tuổi 70, NSND Ngô Xuân Huyền giờ không còn đủ sức khỏe để làm việc như thời ông còn khỏe mạnh, sung sức và luôn hết mình trên sân khấu kịch như trong hình dung của những người đã biết về ông: Một Xuân Huyền nghiêm túc đến độ cực đoan, gàn đến độ nóng tính, bất cần như bản chất của con người xứ Nghệ. Cũng bởi thế, ông đã tạo nên những tác phẩm đi cùng năm tháng và đào tạo nên nhiều thế hệ học trò đã thành tài trong làng sân khấu nước nhà như: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Phạm Cường, NSƯT Thu Quế, NSƯT Quốc Trị, NSƯT Đức Hải… NSND Hoàng Dũng từng kể lại rằng, khi bước lên bục giảng, ông không bao giờ chấp nhận trò vào lớp sau thầy. Thế nhưng, trong một vở kịch, Hoàng Dũng khi đó còn là “lính mới”, rụt rè xin thử một lối diễn khác, ông thầy vốn hét ra lửa lại kiên nhẫn bỏ ra mấy ngày quan sát, và quyết định thuận theo trò. Ông không thích sự dễ dãi và luôn nghiêm túc trong nghệ thuật. Ông luôn khắt khe với những người cộng tác với vì ông không muốn có chi tiết thừa trong vở kịch nhưng lại tôn trọng sự sáng tạo. Ông tâm niệm rằng, khán giả bỏ tiền ra để mua sự thật, chứ không phải để mua cái giả trên sân khấu… Đối với ông, cuộc đời như là “cát bụi” – như cách mà ông muốn nói thông qua vở kịch cuối cùng của năm đêm diễn về ông. Mọi thứ xa hoa ở cuộc đời rồi sẽ phù du, cái còn lại sẽ là một tấm lòng, một niềm tin, một lý tưởng…

Trần Hoàng Thiên Kim