12:16 20/12/2018

NSND Anh Tú, tiếc cho ‘ngọn đèn' sân khấu đã tắt

Yêu nghề, say nghề đến độ quên hết mọi thứ; kể cả khi lâm bệnh nặng vẫn cống hiến cho nghệ thuật đến khi trút hơi thở cuối cùng. Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Anh Tú là một ngọn đèn sân khấu sáng rọi cho đến khi vụt tắt. Sự ra đi của anh để lại những bàng hoàng, xót xa và tiếc nuối cho đồng nghiệp và công chúng.

Chú thích ảnh
NSND Anh Tú vừa qua đời ở tuổi 56. 

Trong mắt của bạn bè, đồng nghiệp, NSND Anh Tú có biệt tài về diễn xuất. Anh tung hứng cực ăn ý với bạn diễn, và những lúc trên sân khấu, anh thực sự thăng hoa, như một hoàng tử của sân khấu vậy.

Quả thực, không nhiều diễn viên kịch nói có được lối diễn xuất đa dạng như Anh Tú. Khi thì là một anh chàng khù khờ trong “Hoa hậu dạy chồng”, khi lại hóa thân thành một con người đầy tham vọng như Macbeth (Macbeth). Lúc anh là một người tài trí như Vũ Như Tô (Vũ Như Tô), khi lại là một vị vua đa cảm và giàu lòng nhân ái như Trần Cảnh (Rừng trúc)…

Dù hóa thân thành nhân vật nào, thì Anh Tú vẫn tìm cho mình một cách thể hiện thông minh và dễ đi vào lòng người nhất. Ở vai diễn nào, NSND Anh Tú cũng sống cùng với đời sống tâm hồn của nhân vật, làm nổi bật những phẩm chất đặc biệt nhất của từng nhân vật.

Năm 2004, Anh Tú tốt nghiệp đạo diễn sân khấu với vở Kiều Loan, vở kịch thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Hoàng Cầm. Từ đây, Anh Tú bắt đầu sự nghiệp đạo diễn của mình với việc dàn dựng một loạt vở mới cho nhà hát, như chùm kịch thiếu nhi về đề tài Tôn Ngộ Không, Thạch Sanh, một loạt vở kịch nổi tiếng như: “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Nhà có 5 anh em trai”, “Mùa yêu đương”, “Mùa hạ cay đắng” và một loạt chùm kịch thiếu nhi: “Tôn Ngộ Không”, “Thạch Sanh”, “Cây khế”…

NSND Anh Tú còn là một trong những đạo diễn đầu tiên ở phía Bắc dựng vở kịch về đề tài đồng tính. Vở kịch “Cầu vồng lục sắc”, câu chuyện bi kịch của một đồng tính nam, với mong muốn thông qua vở kịch để đưa ra lời cảnh báo cho những quan niệm sai lầm về những người đồng tính, và mang đến một cách nhìn nhân ái, sự thấu hiểu, sẻ chia của cộng đồng xã hội đối với những cuộc sống gặp trắc trở về thân phận.

Khi được điều động về làm Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật, rồi Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú vẫn say sưa với việc dàn dựng các vở kịch. Anh để lại dấn ấn trong những vở diễn như: “Tai biến”, “Chấm hỏi chấm than”, “Ba trong một”, “Trong mưa giông thấy nắng”, “Lâu đài cát”…

Không chỉ giới hạn mình ở sân khấu, NSND Anh Tú còn xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai diễn trong các bộ phim: “Của để dành”, “Đàn trời”, “Chiều ngang qua phố cũ”, “Ánh sáng trước mặt" và vai diễn nào của anh cũng để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng.

NSND Anh Tú còn tham gia đóng nhiều phim điện ảnh như “Dòng sông khát vọng”, “Giông tố”, “Của để dành”, “Đàn trời”, “Chiều ngang qua phố cũ”… Anh còn là giảng viên, tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; là người thầy chắp cánh, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ triển vọng và tài năng.

Từ một diễn viên giỏi, đến một đạo diễn tài ba, cho đến khi làm quản lý, NSND Anh Tú lúc nào cũng cháy hết mình với sân khấu, với từng nhân vật, từng vở diễn. Các nghệ sĩ ở Nhà hát Kịch Việt Nam kể, những ngày trước khi vào viện cấp cứu, gần như đêm nào NSND Anh Tú cũng ngủ tại Nhà hát. Ban ngày dựng vở, tối lại trăn trở, đau đáu với những thân phận trên sàn diễn, đến nỗi nhiều lúc, anh biến sân khấu thành giường ngủ của mình.

Sinh thời, NSND Anh Tú từng chia sẻ, với anh, sân khấu mãi mãi là một thánh đường, nhưng không phải một thánh đường khô khan, mà phải là một thánh đường mà các tín đồ sẽ kéo đến đông như hội. Và quả thực, anh đã luôn nỗ lực hết mình, để “kéo” tín đồ đến với thánh đường của mình. Anh quên ăn, quên ngủ, quên cả bệnh tật, quên cả sức khỏe của mình, chỉ nhớ các vở kịch, các nhân vật của mình, cho đến khi gục ngã. Tiếc cho một nghệ sỹ tài năng đã ra đi.  

Phương Phương/Báo Tin tức