11:17 28/11/2020

Nộp thiếu số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm có bị phạt tiền không? 

Bạn đọc hỏi: Doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, doanh nghiệp phải tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Vậy, nếu nộp thiếu số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm (75%), theo quy định có bị phạt tiền chậm nộp?

Chú thích ảnh
Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp theo quy định của Nghị định 126. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay: Trong khi chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp nên chủ động tạm nộp để tránh bị phạt.

Theo Nghị định 126 có hiệu lực ngày 5/12/2020, người nộp thuế tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm tối thiểu 75% số thuế phải nộp trong năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu số thuế tạm nộp 3 quý đầu năm (75%), thì phải nộp tiền chậm nộp.  Nghị định đã quy định số tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% tổng số thuế phải nộp của năm. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách Nhà nước nhưng cũng phát sinh một số bất cập.

“Thực tế cho thấy, số phát sinh thuế phải nộp không phải quý nào cũng như nhau. Có doanh nghiệp có thể quý IV thuận lợi thì phát sinh số thuế phải nộp cao, có doanh nghiệp lại phát sinh số thuế phải nộp cao vào quý II hoặc quý III tùy theo tính chất kinh doanh, đặc điểm ngành hàng, sản phẩm kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Theo Nghị định 126, nếu trong quý IV doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch, có thể dẫn đến số thuế phải nộp trên 25%. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp trên số thuế nộp thiếu là chưa hợp lý. Nghị định 126 hiện chưa có hiệu lực với phần kê khai, tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020, mà chỉ có hiệu lực đối với phần tạm nộp thuế TNDN theo quý của năm 2021.

“Trong khi cơ quan quản lý chưa kịp sửa đổi, hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, từ năm 2021 doanh nghiệp nên chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như kế hoạch tài chính cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế vì thời điểm này Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành. Nghĩa là khi doanh nghiệp có số thuế phát sinh đến đâu, thì tạm nộp đến đó, không nên để đọng lại”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Theo Hội Tư vấn thuế Việt Nam, trường hợp doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, doanh nghiệp cần tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh đó. Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp theo quy định của Nghị định 126. Nếu doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để chậm nộp, hoặc nộp dồn vào cuối năm sẽ bất lợi cho doanh nghiệp.

 

Minh Phương/Báo Tin tức