03:01 17/03/2019

‘Nóng’ với dịch tả lợn châu Phi bùng phát; cấm xe máy nội đô; tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 17 tỉnh, thành phố, gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi và thị trường tiêu thụ; đề xuất thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi (Hà Nội); lùm xùm quanh dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm và lệnh cấm hoạt động dòng máy bay Boeing 737 Max trong không phận Việt Nam… là những thông tin thu hút dư luận tuần qua.

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, với mức độ lây lan nhanh. Dù các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng dường như vẫn chưa đủ mạnh để đẩy lùi dịch bệnh. Thực tế này đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi tại các địa phương, khi tổng số lợn bệnh bị tiêu hủy lên tới gần 23.500 con và tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ trong nước.

Chú thích ảnh
Các lực lượng chức năng phun khử trùng phương tiện qua lại tại Trạm kiểm dịch tạm thời tại Km 37, Quốc lộ 3 (giáp ranh tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: TTXVN

Bên cạnh công tác khẩn trương tiêu độc, khử trùng, các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh bùng phát của ngành Nông nghiệp, Bộ Công Thương cảnh báo, nếu nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng trên toàn quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, ngành Chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn. Vì vậy, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc ngành Nông nghiệp, Y tế cơ sở siết chặt kiểm tra, vận chuyển, kinh doanh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Ngay trong tháng 3/2019, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá công tác khống chế dịch bệnh tại các địa phương đang có dịch lây lan và đường biên, để làm rõ nguyên nhân, nguy cơ diễn biến dịch bệnh và triển khai phương án bình ổn thị trường trong nước, cũng như ổn định thị trường xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam.

Tìm kiếm một giải pháp cho bài toán giao thông nội đô

Trước tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí gia tăng quá nhanh, lộ trình hạn chế xe máy đến năm 2030 tại Hà Nội sớm được “rút ngắn” bằng đề xuất nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi vốn ùn tắc kinh niên. Nếu việc thí điểm cấm xe máy này hiệu quả, Hà Nội sẽ nhân rộng kết quả trên nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc khác như: Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), Giải Phóng (quận Hoàng Mai)…

Chú thích ảnh
Đường Nguyễn Trãi được đề xuất thí điểm cấm xe máy. Ảnh: Lê Phú

Hà Nội hiện có  33 tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng. Mặc dù đề xuất của Thành phố theo Sở GTVT Hà Nội sẽ còn được nghiên cứu thấu đáo nhằm đưa ra phương án khả thi, để không ảnh hưởng tới điều kiện đi lại, sinh hoạt của người dân nhưng rõ ràng, với thực trạng ùn tắc, ô nhiễm quá tải hiện nay của Thủ đô, nếu không sớm triển khai các biện pháp căn cơ từ bây giờ, giao thông tại Thủ đô sẽ đứng trước khả năng “vỡ trận”.

Lùm xùm xung quanh dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (cơ quan thẩm định) tạm dừng công bố tiêu chuẩn TCVN 12607: 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, việc xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mới đang là dự thảo. Khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trình lên cơ quan thẩm định, thì đơn vị này sẽ tiếp tục lấy ý kiến. Khi đó, cơ quan thẩm định sẽ tiếp tục hội thảo với các đối tượng chịu sự chi phối của tiêu chuẩn như cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, khối thị trường, nông dân…

Chú thích ảnh
Nội dung Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đang có nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, “Dự thảo chưa đảm bảo các yếu tố thì vẫn phải tiếp tục lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, hiệp hội, đơn vị… có liên quan đến quyền lợi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng để tiếp thu, đối thoại... rồi mới ban hành. Nguyên tắc là đã ban hành thì phải thúc đẩy được sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.

Cấm hoạt động dòng máy bay Boeing 737 Max trong không phận Việt Nam

Chỉ lệnh an toàn này có hiệu lực từ 10 giờ ngày 13/3/2019 cho đến khi có quyết định mới. Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi đánh giá các thông tin liên quan đến hoạt động khai thác loại tàu bay Boeing 737 Max thời gian qua ở trong nước và quốc tế, để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp đối với các chuyến bay sử dụng loại máy bay Boeing 737 Max trong vùng trời Việt Nam; đồng thời, chưa xem xét cấp chứng chỉ cho dòng máy bay Boeing 737 Max cho đến khi làm rõ được nguyên nhân và Cục Hàng không liên bang Mỹ có những biện pháp khắc phục nếu có.

Chú thích ảnh
Máy bay Boeing 737 MAX tại nhà máy của Boeing ở Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max. Duy chỉ có Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua 200 chiếc này, dự kiến chiếc máy bay đầu tiên sẽ về vào tháng 10/2019. Bamboo Airways trước đó cũng có kế hoạch bổ sung vào đội máy bay dòng thân hẹp Boeing 737 Max.

Truy tố lãnh đạo PVEP

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và phân công Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP). Ba bị can: Đỗ Văn Khạnh (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PVD), Nguyễn Tuấn Hùng (sinh năm 1971, nguyên Trưởng ban Tài chính PVEP), Vũ Thị Ngọc Lan (sinh năm 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVEP) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009 - 2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), PVEP đã giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Thăng Long. Cụ thể, Đỗ Văn Khạnh (khi đó là Tổng Giám đốc PVEP) đã phân công Vũ Thị Ngọc Lan (khi đó là Phó Tổng Giám đốc PVEP phụ trách tài chính) phê duyệt các tờ trình của Ban Tài chính, ký các Hợp đồng tiền gửi, gia hạn Hợp đồng tiền gửi tại OceanBank. Nguyễn Tuấn Hùng với vai trò là Trưởng ban Tài chính PVEP (từ năm 2012 - 2014) là người trực tiếp đề xuất, ký tờ trình hợp đồng gửi tiền trình Vũ Thị Ngọc Lan phê duyệt. Thực hiện chủ trương của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank), cán bộ dưới quyền đã chi tiền lãi ngoài hợp đồng cho Nguyễn Tuấn Hùng hơn 51,8 tỷ đồng. Cáo trạng cũng xác định, Đỗ Văn Khạnh đã nhận tiền chăm sóc khách hàng từ Nguyễn Tuấn Hùng hơn 4 tỷ đồng, Vũ Thị Ngọc Lan đã nhận 200 triệu đồng. 

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận: Hành vi của ba bị can này đủ căn cứ kết luận phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đăng Sơn/Báo Tin tức