Cuộc cải tổ nội các lịch sử tại Ukraine, chiến sự Israel–Syria leo thang, Tổng thống Trump gia tăng áp lực thuế quan toàn cầu và châu Âu ra tối hậu thư với Iran – bức tranh địa chính trị toàn cầu tuần qua đang biến động dữ dội.
Ngày 17/7/2025, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn bà Yulia Svyrydenko (trong ảnh) giữ chức Thủ tướng nước này theo đề xuất trước đó của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ukraine cải tổ nội các quy mô lớn
Ngày 17/7, Ukraine đã thực hiện một cuộc cải tổ nội các có quy mô lớn nhất trong thời gian gần đây khi Quốc hội nước này phê chuẩn bà Yulia Svyrydenko làm Thủ tướng mới với 262 phiếu ủng hộ trên tổng số 450 nghị sĩ.
Bà Svyrydenko, sinh năm 1985, là một nhà kinh tế có kinh nghiệm từng giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế. Việc bổ nhiệm này được thực hiện theo đề xuất của Tổng thống Volodymyr Zelensky sau khi Quốc hội Ukraine giải tán nội các của ông Denys Shmyhal.
Trong diễn biến đáng chú ý, Thủ tướng vừa mãn nhiệm Denys Shmyhal được bổ nhiệm sang vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, thể hiện sự chuyển đổi vai trò quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Ngoài ra, ông Andrii Sybiha tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, đảm bảo tính liên tục trong chính sách đối ngoại.
Nội các mới bao gồm các vị trí then chốt như Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu Taras Kachka, Bộ trưởng Kinh tế, Nông nghiệp và Môi trường Oleksiy Sobolev và Bộ trưởng Năng lượng Svitlana Hrynchuk. Điều đáng chú ý là chính phủ mới được mô tả là "một trong những chính phủ có số lượng bộ trưởng thấp nhất trong lịch sử Ukraine", cho thấy xu hướng tinh gọn bộ máy. Trong quá trình cải tổ, một số cơ quan chính phủ được sáp nhập và đặc biệt, Bộ Thống nhất Quốc gia đã bị giải thể hoàn toàn.
Cùng thời điểm, Tổng thống Zelensky cũng thực hiện các thay đổi nhân sự quan trọng khác. Ngày 17/7, ông bổ nhiệm Phó thủ tướng Olga Stefanishyna làm tân Đại sứ Ukraine tại Mỹ, thể hiện tầm quan trọng của quan hệ với Washington trong bối cảnh hiện tại.
Ngày 18/7, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov được bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia (NSDC), thay thế ông Oleksandr Lytvynenko. Ông Umerov tuyên bố sẽ giám sát việc phối hợp cung cấp vũ khí, nỗ lực sản xuất chung và quan hệ đối tác quốc phòng.
Theo Tổng thống Zelensky, cuộc cải tổ này nhằm ba mục tiêu chính: thúc đẩy tiềm năng kinh tế, mở rộng hỗ trợ xã hội và tăng quy mô sản xuất quốc phòng. Thủ tướng Svyrydenko đã nhấn mạnh tính cụ thể trong hoạt động, yêu cầu mỗi bộ trưởng phải "vạch ra một kế hoạch hành động rõ ràng trong thời gian ngắn nhất có thể" và "không được trừu tượng hóa".
Nội các Ukraine mới đã tổ chức phiên họp đầu tiên ngay sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội, với cam kết các kế hoạch sẽ được trình bày công khai và thảo luận với các ủy ban liên quan của Quốc hội, đồng thời yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện thường xuyên.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích tại Damascus, Syria, ngày 16/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Căng thẳng Israel và Syria bất ngờ leo thang
Ngày 16/7, Trung Đông chứng kiến sự leo thang bất ngờ khi Israel thực hiện loạt cuộc không kích nhằm vào Damascus, Syria, đánh dấu một diễn biến nghiêm trọng trong bối cảnh khu vực đang bất ổn.
Cụ thể, Israel đã tấn công nhiều mục tiêu chiến lược tại trung tâm thủ đô Damascus, bao gồm các khu vực gần Bộ Quốc phòng Syria và phủ Tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cảnh báo các cuộc tấn công sẽ tiếp diễn cho đến khi lực lượng chính quyền lâm thời Syria rút khỏi Sweida. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố miền Nam Syria phải "hoàn toàn phi quân sự" và không chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Syria do Hồi giáo lãnh đạo gần biên giới Israel.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi Israel chấm dứt các hành vi vi phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ông nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị phù hợp với Nghị quyết 2254 năm 2015.
Đáng chú ý, Mỹ đã có lập trường rõ ràng khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce tuyên bố ngày 17/7: "Mỹ không ủng hộ các cuộc không kích gần đây của Israel". Washington cũng tiến hành hợp tác ngoại giao ở cấp cao nhất với cả Israel và Syria để giải quyết khủng hoảng và đạt được thỏa thuận lâu dài.
Nỗ lực ngoại giao của Mỹ cũng mang lại kết quả khi sáng 19/7, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Tom Barrack thông báo nhà lãnh đạo lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa và Thủ tướng Israel Netanyahu đã đồng ý lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian. Thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Cuộc xung đột có nguồn gốc từ căng thẳng tại Sweida, nơi có đa số cư dân là người Druze. Trước đó, lực lượng chính phủ Syria đã tiến vào thành phố này ngày 15/7 để giám sát lệnh ngừng bắn sau các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Druze và Bedouin khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Israel đã can thiệp để bảo vệ cộng đồng với khoảng 140.000 người, chiếm 2% dân số Syria này. Tel Aviv gửi viện trợ trị giá gần 600.000 USD bao gồm lương thực và vật tư y tế cho người Druze ở Sweida. Theo thống kê, hơn 630 người đã thiệt mạng trong một tuần qua do giao tranh.
Sự kiện này cho thấy cục diện Trung Đông đang đứng trước bước ngoặt mới, nơi các thỏa thuận mong manh và xung đột âm ỉ cùng song hành trên nền địa chính trị đầy bất trắc.
Cảng container hàng hoá ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Diễn biến mới về thuế quan của chính quyền Trump
Chính quyền Trump tiếp tục tạo sóng trong thương mại quốc tế với loạt động thái thuế quan mới, buộc các đối tác lớn phải đẩy nhanh đàm phán để tránh tác động tiêu cực trước thời hạn 1/8.
Ngày 15/7, Tổng thống Trump tuyên bố đã "chốt một thỏa thuận quan trọng" với Indonesia sau cuộc điện đàm với Tổng thống Prabowo Subianto. Theo thỏa thuận này, hàng hóa Indonesia xuất sang Mỹ sẽ chịu thuế 19%, thấp hơn đáng kể so với mức 32% mà chính quyèn Trump từng đe dọa. Đổi lại, Indonesia cam kết mua 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng, 4,5 tỷ USD nông sản Mỹ và 50 máy bay Boeing. Hàng Mỹ xuất sang Indonesia sẽ được miễn cả thuế quan và rào cản phi thuế quan.
Đến ngày 16/7, ông Trump thông báo sẽ gửi thư tới hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức thuế quan họ sẽ phải đối mặt, chủ yếu ở châu Phi và Caribe. Hiện tại, tất cả các nước đã phải chịu mức thuế cơ bản 10% từ tháng 4 năm nay. Tổng thống Trump từng gợi ý tăng lên 15-20%, nhưng chưa công bố con số cụ thể trong tuyên bố mới nhất.
Trước bối cảnh đó, EU đang rất tích cực trong nỗ lực tránh mức thuế 30% dự kiến. Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic đã tới Washington, D.C., đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Đồng thời, EU chuẩn bị danh sách trả đũa trị giá 72 tỷ euro, nhằm vào máy bay, ô tô và nông sản Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận. Ủy viên thương mại EU Maroš Šefčovič cảnh báo nếu Mỹ áp thuế 30% với hàng châu Âu, thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ "gần như bất khả thi".
Ở châu Á: Tại Tokyo ngày 18/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gặp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, với hy vọng đạt được "thỏa thuận tốt về thuế quan". Hai bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng. Giáo sư Alexander Klein từ Đại học Sussex nhận xét các nước đang ưu tiên mục tiêu ngắn hạn khi đàm phán với chính quyền Trump, giúp Nhà Trắng nắm thế chủ động.
Theo số liệu mới nhất, chỉ có Trung Quốc và Canada đáp trả các mức thuế của Mỹ trong bốn tháng qua. Nguồn thu thuế quan của Mỹ đạt kỷ lục 64 tỷ USD trong quý II/2025, tăng 47 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, thu thuế quan của Trung Quốc trong tháng 5/2025 chỉ tăng 1,9%.
Capital Economics dự báo nếu cuộc chiến thương mại leo thang với thuế quan hai chiều trung bình lên 24%, GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 1,3% trong hai năm, so với mức giảm 0,3% ở kịch bản thuế duy trì 10%.
Cuộc chiến thương mại trên đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cục diện kinh tế toàn cầu, với thời hạn 1/8 đang đến gần như một mốc quan trọng quyết định hướng đi của các mối quan hệ thương mại quốc tế.
Cờ Liên minh châu Âu (EU) tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Âu đặt hạn chót đàm phán với Iran
Căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân Iran đang gia tăng khi các nước châu Âu đưa ra tối hậu thư, yêu cầu Tehran phải có tiến triển cụ thể trong đàm phán trước cuối tháng 8 năm nay, nếu không sẽ phải đối mặt với việc tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Theo đó ngày 18/7, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo các nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu đã thể hiện lập trường cứng rắn với Iran. Đại diện các nước Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông báo với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi về quyết tâm sử dụng cơ chế "snapback" - cho phép tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa ông Araghchi và các Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức cùng Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại Kaja Kallas. Theo giới chức Pháp, thời hạn được xác định là cuối tháng 8.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot trước đó đã tuyên bố châu Âu "hoàn toàn có lý do chính đáng" để kích hoạt cơ chế snapback nếu Iran không có cam kết rõ ràng, cụ thể và có thể xác minh về mặt kỹ thuật. Ông khẳng định: "Nếu không có cam kết như vậy từ phía Iran, chúng tôi sẽ tiến hành chậm nhất vào cuối tháng 8".
Đây được đánh giá là biện pháp gây sức ép nhằm thuyết phục Iran "khẩn trương quay lại con đường ngoại giao để đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ, có thể xác thực và bền vững về chương trình hạt nhân".
Đáp lại áp lực từ châu Âu, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố các nước châu Âu không có cơ sở để kích hoạt cơ chế tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Trên trang mạng X, ông Araghchi nhấn mạnh: "Nếu Liên minh châu Âu (EU)/Anh, Pháp, Đức (E3) muốn đóng vai trò nào đó, họ cần hành xử có trách nhiệm và từ bỏ chính sách đe dọa và gây áp lực vốn đã lỗi thời, bao gồm cả cơ chế 'snapback' mà họ hoàn toàn không có cơ sở đạo lý hay pháp lý để thực hiện".
Iran cũng đưa ra điều kiện cho việc nối lại đàm phán. Ngày 16/7, truyền thông nhà nước Iran dẫn tuyên bố của Quốc hội nước này cho biết Tehran sẽ không nối lại đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân cho đến khi các điều kiện tiên quyết được đáp ứng. Tuyên bố khẳng định: "Cần đề ra các điều kiện tiên quyết và sẽ không có cuộc đàm phán mới nào cho đến khi những điều kiện này được đáp ứng đầy đủ".
Theo Ngoại trưởng Araghchi, Iran cần được đảm bảo rằng sẽ không phải hứng chịu thêm bất kỳ cuộc tấn công nào khác. Ông cũng tái khẳng định Tehran sẽ không nhất trí với bất kỳ thỏa thuận nào ngăn cản nước này làm giàu urani, đồng thời từ chối thảo luận về các chủ đề khác ngoài vấn đề hạt nhân như chương trình tên lửa đạn đạo.
Trong khi châu Âu và Mỹ gây áp lực, Iran nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 16/7 nêu rõ SCO tái khẳng định cam kết đảm bảo quyền lợi của Iran trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Iran trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng thông qua đàm phán chính trị.