Syria rơi vào bất ổn nghiêm trọng; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị luận tội; Tổng thống Mỹ công bố đợt ân xá lớn nhất trong lịch sử; ông Donald Trump lần thứ 2 được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm” là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Syria rơi vào bất ổn nghiêm trọng
Cuộc khủng hoảng tại Syria đã lên tới đỉnh điểm sau khi lực lượng nổi dậy tiến vào thủ đô Damascus và thông báo về sự kết thúc của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm cầm quyền.
Ngày 8/12, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria đối lập Hadi Al-Bahra tuyên bố Syria cần giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để tạo dựng một môi trường an toàn, trung dung và yên tĩnh cho các cuộc bầu cử tự do. Syria cần soạn thảo hiến pháp trong vòng 6 tháng, và cuộc bầu cử đầu tiên sẽ là tổng tuyển cử. Theo đó, Hiến pháp sẽ quyết định Syria theo thể chế nghị viện, thể chế tổng thống hay kết hợp cả hai thể chế trên. Từ đó,bầu cử được tiến hành để người dân lựa chọn người lãnh đạo.
Đến ngày 10/12, phe đối lập đảng cầm quyền tại Damascus đã bổ nhiệm ông Mohamed al-Bashir là người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria đến ngày 1/3/2025. Trước đó, ông al-Bashir được chỉ định là người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” của phe đối lập tại Tây Bắc Syria.
Các bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp mới thành lập ở nước này cũng đã gặp các thành viên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ, để tổ chức chuyển giao các thể chế nhà nước và đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ công.
Theo giới phân tích, những bất ổn ở Syria có thể đẩy nước này chìm sâu trong một môi trường chính trị - an ninh phức tạp và khó đoán định hơn. Bất kỳ sự chuyển đổi chính trị nào diễn ra không suôn sẻ cũng có thể khiến Syria rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực. Vòng xoáy bạo lực mới có thể lôi kéo các thế lực bên ngoài, khiến cho tình hình ở Syria trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết, nhất là khi Syria lâu nay luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích của các cường quốc.
Tình trạng bất ổn lâu dài cũng sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn hơn ở Trung Đông, khu vực vốn đã chìm trong xung đột do hàng loạt cuộc đụng độ, đối đầu giữa Israel với người Palestine, giữa Israel và Iran hay giữa Israel với các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Trung Đông và có thể dẫn tới những cuộc khủng hoảng mới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị luận tội
Ngày 14/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nghị quyết luận tội được thông qua với 204 phiếu thuận trong tổng số 300 nghị sĩ có mặt. Nghị quyết nêu rõ lý do luận tội là “vi phạm Hiến pháp và luật pháp khi ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp”.
Sau khi bị luận tội, Tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay từ ngày 14/12. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống.
Tổng thống Yoon là nguyên thủ quốc gia thứ ba bị đình chỉ chức vụ do bị luận tội trong lịch sử lập hiến Hàn Quốc, sau cựu Tổng thống Roh Moo Hyun năm 2004 và cựu Tổng thống Park Geun Hye năm 2016.
Đảng Dân chủ đối lập chính (DP) đã hoan nghênh quyết định luận tội Tổng thống Yoon của Quốc hội, gọi đó là chiến thắng của người dân.
Về phần mình, ông Yoon tuyên bố sẽ “không bỏ cuộc” và cam kết sẽ “phục vụ đất nước đến giây phút cuối cùng”, bất chấp những thách thức chính trị đang bủa vây nhiệm kỳ của mình.
Nền chính trị của Hàn Quốc đã phải đối mặt với khủng hoảng trong bối cảnh các vị trí chủ chốt của Nội các bị bỏ trống sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật. Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ đã từ chức trong khi các động thái luận tội đối với Bộ trưởng Tư pháp và Tổng kiểm toán nhà nước cũng đã được Quốc hội thông qua.
Theo giới chuyên gia, việc luận tội Tổng thống Yoon dù đã làm giảm bớt sự bất ổn chính trị trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ, song vẫn còn nhiều câu hỏi về cách xây dựng mối quan hệ giữa Seoul với chính quyền mới của Mỹ và thách thách đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên.
Ông Troy Stangarone, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách công của Quỹ Hyundai Motor-Korea tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định: “Sẽ không có sáng kiến chính sách mới nào khả thi cho đến khi chính quyền mới nhậm chức sau bầu cử, nhưng khi sự bất ổn chính trị đã được loại bỏ, Mỹ hiện có thể tham gia vào chính quyền của Tổng thống tạm quyền Han Duck-soo để quản lý các khía cạnh chính của mối quan hệ”.
Tổng thống Mỹ công bố đợt ân xá lớn nhất trong lịch sử
Ngày 12/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giảm án cho gần 1.500 người đang bị quản thúc tại gia sau khi chấp hành án tù giam trong đại dịch COVID-19, đồng thời ân xá cho 39 tội phạm phi bạo lực không liên quan đến việc sử dụng vũ lực hoặc gây thương tích cho người khác. Đây là đợt giảm án và ân xá trong một ngày nhiều nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Đợt giảm án được Nhà Trắng công bố dành cho những người bị quản thúc tại gia ít nhất một năm sau khi ra tù.
Trong thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Nước Mỹ được xây dựng dựa trên niềm tin về tương lai tốt đẹp và cơ hội thứ hai. Là tổng thống, tôi có đặc quyền khoan hồng cho những người đã tỏ ra ăn năn và cải thiện, lấy lại cơ hội cho người Mỹ hòa nhập đời sống hằng ngày và đóng góp cho cộng đồng, cũng như thực hiện những bước làm giảm sự chênh lệch trong bản án dành cho tội phạm phi bạo lực, đặc biệt là những người bị kết tội về ma túy”.
Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục xem xét đơn xin khoan hồng và thực hiện thêm các bước tiếp theo trong thời gian tới.
Động thái này diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng ân xá cho con trai Hunter Biden - người bị truy tố với các tội danh liên quan tới súng và thuế. Ngoài ra, ông Biden cũng đang cân nhắc ân xá cho những người tiến hành điều tra Tổng thống đắc cử Donald Trump trong âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Trước đây, Tổng thống Biden từng giảm án cho 122 người và ân xá cho 21 người. Đợt khoan hồng trong một ngày nhiều thứ hai, được áp dụng với tổng cộng 330 phạm nhân, là do cựu Tổng thống Barack Obama thực hiện không lâu trước khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2017.
Ông Trump lần thứ hai được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm”
Ngày 12/12, ông Donald Trump được vinh danh là “Nhân vật của năm” theo bình chọn của tạp chí Time, đánh dấu lần thứ hai ông nhận được danh hiệu này.
Việc ông Trump lần thứ 2 nhận được danh hiệu này không chỉ là sự công nhận mới mà còn là sự tiếp nối của lần vinh danh đầu tiên vào năm 2016, khi ông bất ngờ lên nắm chức vụ tổng thống. Lần này, sự kiện công bố đánh dấu sự trở lại đáng chú ý của ông và khả năng làm thay đổi cục diện chính trị Mỹ.
Danh hiệu “Nhân vật của năm” đã trở thành biểu tượng cho sự nổi tiếng mà ông Trump luôn khát khao. Dù thường xuyên chỉ trích truyền thông, ông Trump vẫn thường xuyên tham gia phỏng vấn với các phương tiện truyền thông lớn, trong đó có cả tờ Time. Mới đây nhất, ông đã có cuộc phỏng vấn với tạp chí này vào tháng 11.
“Nhân vật của năm” được trao cho cá nhân hoặc nhóm có ảnh hưởng lớn nhất đến các vấn đề toàn cầu, dù ảnh hưởng đó tích cực hay tiêu cực. Để kỷ niệm sự kiện này, ông Trump rung chuông mở phiên giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York.