07:06 13/07/2025

Nóng trong tuần: Loạt thuế quan mới từ Tổng thống Trump; Mỹ nối lại viện trợ vũ khí cho Ukraine

Các điểm nóng trên bản đồ thế giới tuần qua ghi nhận nhiều diễn biến đáng chú ý: Tổng thống Trump liên tục ra thông báo mới về thuế quan; Israel nêu điều kiện để đàm phán ngừng bắn vĩnh viễn với Hamas; Tổng thống Zelensky xác nhận Mỹ nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine; Công bố báo cáo sơ bộ về tai nạn máy bay ở Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Trump đưa ra loạt thông báo mới về thuế quan

Ngày 11/7, trong một bài viết trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải bức thư gửi Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết từ ngày 1/8 sẽ áp thuế 35% lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada. Trong tuần, Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra nhiều động thái mới trong chính sách thuế quan của mình khi gửi thư áp thuế quan lên hơn 20 quốc gia gồm cả hai đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vào ngày 9/7, ông Trump cũng đã tuyên bố Washington sẽ áp thuế 50% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Brazil - nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin - tăng vọt so với mức 10% mà nước này đã công bố vào tháng 4. Cùng ngày, ông cho biết quyết định áp 50% thuế đối với kim loại đồng nhập khẩu, có hiệu lực từ 1/8.

Loạt thông báo thuế quan gần đây của Mỹ khiến nhiều nước thể hiện thái độ bất ngờ, không hài lòng. Trong khi một số quốc gia đưa ra những phát biểu bày tỏ sự lạc quan, thì cũng có bên đưa ra tuyên bố mang tính cứng rắn trong đàm phán thương mại.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho rằng thông báo thuế quan mới nhất của Mỹ là "điều thực sự lấy làm tiếc", đồng thời khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục đàm phán với chính phủ Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết ông "hơi sốc" trước mức thuế quan mới nhất của Mỹ, nhưng vẫn "tự tin" rằng mức thuế này sẽ được giảm xuống mức tương tự như các quốc gia khác. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố sẽ đáp trả một cách tương xứng.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đang theo dõi chặt chẽ các thông báo mới nhất của Mỹ liên quan tới vấn đề thuế quan, đồng thời cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn. IMF cho biết sẽ công bố thêm thông tin chi tiết trong bản cập nhật “Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4” vào cuối tháng 7, trước thời hạn đàm phán thương mại mới vào ngày 1/8.

Người phát ngôn IMF nêu rõ các diễn biến liên quan đến thương mại vẫn đang thay đổi nhanh chóng, duy trì bất ổn ở mức cao, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia cần tiếp tục hợp tác xây dựng nhằm thúc đẩy một môi trường thương mại ổn định và cùng giải quyết những thách thức chung.

Theo các khảo sát công bố ngày 9/7, lo ngại về các mức thuế mới của Mỹ đang phủ bóng lên triển vọng hoạt động sản xuất tại nhiều khu vực, từ Mỹ, châu Á tới châu Âu dù một số doanh nghiệp vẫn thể hiện khả năng thích ứng và duy trì đà tăng trưởng. Các nhà phân tích nhận định sự suy yếu được phản ánh qua khảo sát cho thấy những thách thức lớn hơn đang hình thành, nhất là khi giới doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách liên tục phải ứng phó với những thay đổi bất định trong chính sách thương mại của Mỹ.

Tổng thống Zelensky xác nhận Mỹ nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine

Chú thích ảnh
Tổng thống Volodymyr Zelensky thị sát cuộc tập trận của binh sĩ Ukraine cùng với các thiết bị quân sự, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot, tại một địa điểm ở Đức. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/7 xác nhận chính quyền Mỹ đã nối lại việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông cho biết, các chỉ huy quân đội Ukraine sẽ làm việc với Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg trong tuần tới về vấn đề này. Theo truyền thông Ukraine, ông Kellogg dự kiến đến Kiev vào ngày 14/7 tới để bắt đầu chuyến thăm kéo dài 1 tuần.

Trước đó, ngày 9/7, một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết lô đạn pháo 155mm và đạn cho Hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao HIMARS đang được Washington cung cấp cho Kiev.

Động thái này diễn ra vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm dừng chuyển giao một số vũ khí quan trọng cho Kiev, dường như liên quan đến lo ngại rằng kho dự trữ vũ khí của Mỹ đang ở mức thấp. Lô vũ khí bị tạm dừng chuyển giao trong tuần trước, bao gồm 30 tên lửa phòng không Patriot, 8.500 quả đạn pháo 155mm, hơn 250 quả đạn cho HIMARS và 142 tên lửa không đối đất Hellfire. Tổng thống Trump sau đó nói rằng ông không rõ ai đã ra lệnh tạm dừng và khẳng định sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine, chủ yếu là vũ khí phòng thủ.

Vào ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục thông báo, nước này sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu với NBC News, ông Trump đề cập đến thỏa thuận mới giữa Mỹ, các đồng minh NATO và Ukraine về việc vận chuyển vũ khí từ Mỹ. Theo ông, Mỹ sẽ chuyển vũ khí cho NATO, sau đó NATO chuyển tiếp đến Ukraine và thanh toán 100% tiền các vũ khí này.

Trước đó, các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Trump sẽ sử dụng quyền đặc biệt của tổng thống để viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng thông tin cho rằng gói viện trợ trị giá ước tính khoảng 300 triệu USD, có thể bao gồm tên lửa phòng thủ Patriot và vũ khí tấn công tầm trung. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump sử dụng quyền này, vốn cho phép tổng thống điều chuyển vũ khí từ kho dự trữ khẩn cấp mà không cần phải chờ Quốc hội phê chuẩn. Trước đó, Chính phủ Mỹ chỉ chuyển giao vũ khí theo chương trình viện trợ do người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt trong nhiệm kỳ trước.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 11/7 xác nhận ủy ban đã bỏ phiếu trong tuần này thông qua dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2026, trong đó cho phép cấp thêm 500 triệu USD viện trợ an ninh cho Ukraine.

Theo người phát ngôn ủy ban trên, trong cuộc họp kín hôm 9/7, dự thảo NDAA đã được thông qua với tỷ lệ 26 phiếu thuận, 1 phiếu chống. Cũng theo Đạo luật này, Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) sẽ được gia hạn đến năm 2028.

Israel nêu điều kiện để đàm phán ngừng bắn vĩnh viễn

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu họp báo tại Jerusalem. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này sẵn sàng đàm phán về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại Gaza trong thời gian ngừng bắn 60 ngày được đề xuất, nhưng chỉ khi vùng lãnh thổ này được phi quân sự hóa hoàn toàn. Phát biểu trên được Thủ tướng Israel đưa ra trong một thông điệp video từ Washington – nơi ông có chuyến thăm gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo Israel cũng nêu điều kiện cơ bản mà phía Tel Aviv đặt ra, đó là lực lượng Hamas của Palestine phải hạ vũ khí, Gaza phải được phi quân sự hóa và đặc biệt là Hamas không còn có thể nắm giữ bất kỳ năng lực quản lý hay quân sự nào nữa. Theo ông Netanyahu, đề xuất thỏa thuận ngừng bắn do Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff đưa ra bao gồm lệnh ngừng bắn 60 ngày, đồng thời đảm bảo việc thả 10 con tin còn sống cùng với một số con tin đã chết. Một số nguồn tin cho biết, khoảng 50 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza, trong đó khoảng 20 người được phía Israel tin là còn sống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/7 nhận định, thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza đang đứng trước “cơ hội rất tốt” và có thể sớm đạt được.

Trước đó, các phái đoàn của Israel và Hamas đã đến Doha (Qatar) vào ngày 6/7 để đàm phán về một lệnh ngừng bắn tạm thời. Hãng tin Tân Hoa dẫn nguồn tin cho biết, Israel đã trình bày đề xuất mới tại Doha, trong đó Tel Aviv sẽ rút lui một phần khỏi Hành lang Morag, khu vực giữa Rafah và Khan Younis, thành phố lớn nhất ở miền Nam Gaza, nơi lực lượng Israel đã chiếm đóng và biến thành khu vực quân sự. Hành lang này, được thành lập vào tháng 4, là một trong số các "khu vực an ninh" mà giới chức Israel trước đây tuyên bố quân đội sẽ không rút đi. Đề xuất mới của Israel đánh dấu "bước tiến triển đáng kể" trong các cuộc đàm phán.

Về phía Palestine, lực lượng Hamas tối 9/7 thông báo đã đồng ý thả 10 con tin như một phần của các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra. Hamas cũng cho biết các cuộc đàm phán ngừng bắn tuy khó khăn nhưng phong trào này đang làm việc nghiêm túc để vượt qua các rào cản.

Trong một diễn biến liên quan, Hội nghị quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine, do Saudi Arabia và Pháp đồng chủ trì, dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 28-29/7 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ). Hội nghị do Đại hội đồng LHQ triệu tập, hướng tới việc thảo luận và thông qua các biện pháp cụ thể nhằm thực thi giải pháp hai nhà nước, chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel và Palestine. Sự kiện ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 17-20/6 nhưng bị hoãn sau khi Israel mở chiến dịch quân sự kéo dài 12 ngày nhằm vào Iran từ ngày 13/6.

Công bố báo cáo sơ bộ về tai nạn máy bay ở Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng

Chú thích ảnh
Xác máy bay Boeing 787 Dreamliner của Hãng hàng không Air India tại hiện trường vụ tai nạn ở Ahmedabad, Ấn Độ ngày 13/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Một báo cáo sơ bộ công bố ngày 12/7 cho thấy sự nhầm lẫn trong buồng lái ngay trước khi chiếc Boeing 787 Dreamliner của Air India rơi hồi tháng trước, sau khi hai công tắc ngắt nhiên liệu động cơ gần như đồng thời bị kích hoạt, đã khiến máy bay ngừng cấp nhiên liệu.

Theo Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB), máy bay cất cánh từ Ahmedabad đi London đã mất lực đẩy và rơi xuống ngay sau khi rời mặt đất, trở thành thảm họa hàng không với nhiều người thiệt mạng nhất thế giới trong một thập kỷ.

Báo cáo nhấn mạnh: “Ngay trước vụ tai nạn, một phi công hỏi người còn lại vì sao cắt nhiên liệu. Người kia đáp không làm việc đó”. Tuy nhiên, tài liệu không nêu rõ ai đã nói câu nào hay ai phát tín hiệu khẩn cấp “Mayday, Mayday, Mayday”.

Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, có hơn 15.600 giờ bay và từng là giáo viên huấn luyện của Air India. Trong khi, cơ phó Clive Kunder, 32 tuổi, có hơn 3.400 giờ bay.

Theo báo cáo, các công tắc nhiên liệu đã gần như đồng thời chuyển từ chế độ hoạt động sang chế độ ngắt chỉ vài giây sau khi cất cánh. Chuyên gia Mỹ, ông John Nance, cho rằng khoảng thời gian giữa hai lần chuyển là một giây - đúng bằng thời gian cần thiết để gạt tay lần lượt từng công tắc, đồng thời nhấn mạnh phi công không bao giờ tự ý tắt nhiên liệu khi máy bay đang leo độ cao. Các chuyên gia khác cho rằng một phi công không thể vô tình gạt đồng thời cả 2 công tắc.

Hình ảnh camera cho thấy ngay sau khi máy bay rời khỏi đường băng, nguồn năng lượng dự phòng gọi là turbine khí nén (ram air turbine - RAT) đã tự động kích hoạt, dấu hiệu cho thấy động cơ mất điện. Tại hiện trường, hai công tắc được tìm thấy ở trạng thái hoạt động, đồng thời có những dấu hiệu động cơ đã khởi động lại trước khi máy bay rơi ở độ cao thấp. Air India xác nhận đang phối hợp điều tra và từ chối bình luận thêm.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đánh giá cao sự hỗ trợ của phía Ấn Độ và cho biết báo cáo không đưa ra khuyến nghị đối với các hãng khai thác Boeing 787 hay động cơ GE. Trong khi đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nhấn mạnh sẽ theo dõi sát để xử lý mọi rủi ro tiềm ẩn. Boeing khẳng định tiếp tục hỗ trợ Air India và cơ quan điều tra, trong khi GE chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Theo quy định quốc tế, báo cáo sơ bộ được công bố trong vòng 30 ngày sau tai nạn, báo cáo cuối cùng dự kiến ra trong một năm. Vụ tai nạn máy bay trên là thách thức lớn đối với chiến dịch khôi phục hình ảnh Air India mà Tập đoàn Tata khởi động từ khi tiếp quản hãng năm 2022.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc