07:01 28/07/2019

Nóng trong tuần: Không quy hoạch vào cấp ủy những người có biểu hiện tham nhũng

Đưa vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào diện theo dõi; Phạt 4 năm tù đối với Nguyễn Kim Hưng, tức Hưng “Kính” về tội “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội); Khởi tố bị can đối với lái xe Hà Văn Hoàng gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 5… là những thông tin “nóng” trong tuần qua.

Đẩy mạnh, kiên trì phòng, chống tham nhũng

Phát biểu tại Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 26/7, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Nhất quyết không được để lọt những người có biểu hiện tham ô tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới, nơi nào để xảy ra cái này, mai kia kỷ luật chỗ ấy”...

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Ban Chỉ đạo thống nhất những tháng cuối năm 2019, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Tập trung chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở; kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng, chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.  

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế -  xã hội và phòng, chống tham nhũng theo chương trình của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.  Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 23 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm 4 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 28 vụ việc thuộc diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là hoàn thành xét xử sơ thẩm 8 vụ án trọng điểm trong năm 2018 theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2019 của Ban Chỉ đạo; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành các Đề án theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về công tác phòng, chống tham nhũng để phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cũng tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 6 vụ án, 10 vụ việc đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật; bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SARGI) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; cho ý kiến vào Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Ban Chỉ đạo đánh giá công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng trong Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Nội chính, cơ quan giám định, định giá tài sản... đã nỗ lực cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, tập trung chỉ đạo khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản... giúp cho việc xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu đề ra.

Hưng “Kính” bị phạt 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”

Sau hai ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “Kính”, sinh năm 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng bốn đồng phạm trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội). Bị cáo Nguyễn Kim Hưng bị Tòa tuyên phạt 4 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung đối với Hưng “Kính” là phạt 30 triệu đồng.  

Chú thích ảnh
Bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) cùng các đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bốn đồng phạm của Hưng “Kính” trong vụ án này gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “Hói”) bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù; Dương Quốc Vương (tức Vương “Lợn”), Lê Thanh Hải (tức Hải “Gió") và Nguyễn Mạnh Long (tức Long “Cao”) cùng bị Tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về cùng tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Bản án sơ thẩm nhận định, các bị cáo trong vụ án có đủ nhận thức để biết việc cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng các bị cáo vẫn thực hiện, gây ra hàng loạt khó khăn cho việc kinh doanh của hộ gia đình bị hại, buộc bị hại phải nộp một khoản tiền lớn trong thời gian dài.

Trong khoảng thời gian từ 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng "Kính", nhóm bị cáo đồng phạm đã thu của chị Nghiêm Thúy Nga (sinh năm 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (sinh năm 1972) cùng trú tại Ba Đình, kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên hơn 28 triệu đồng, nhưng chỉ nộp về Ban quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử xác định nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo tội cưỡng đoạt tài sản là đúng. Việc các luật sư bào chữa cho rằng, các bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản là không có cơ sở. Các bị cáo phạm tội với tính chất nghiêm trọng, vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân, gây bất bình cho những hộ kinh doanh ở chợ Long Biên và dư luận. Hành vi của các bị cáo cần xử lý nghiêm để phòng ngừa chung.  

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng giữ vai trò chính. Với vai trò, mức độ phạm tội và nhân thân của Hưng, cần xử phạt bị cáo nghiêm khắc với mức án cao hơn các bị cáo khác. Các bị cáo còn lại cần có mức hình phạt tương xứng để giáo dục, phòng ngừa chung. Tại tòa những bị cáo này đã ăn năn hối cải, nhưng thành khẩn có mức độ. Các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Theo quy định, các bị cáo phải chịu thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền. Bị cáo Hưng phải chịu hình phạt bổ sung này.

Còn các bị cáo khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không áp dụng thêm hình phạt bổ sung.

Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ, trong vụ án này, còn một số hành vi khác của các bị cáo mà cơ quan điều tra đã tách ra để điều tra, xử lý sau. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm của Ban quản lý chợ Long Biên, tách ra tiếp tục điều tra xử lý sau.

Về trách nhiệm dân sự, do phía bị hại không yêu cầu bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét vấn đề này.

Sau khi Hội đồng xét xử tuyên bản án sơ thẩm, chị Nghiêm Thúy Nga (bị hại trong vụ án) cho biết, khi quyết định tố cáo các đối tượng bảo kê chợ Long Biên, chị không mong muốn bản án cao đối với các bị cáo mà chỉ mong muốn công việc kinh doanh của chị được thuận lợi, không bị gây khó dễ.

Chị Nghiêm Thúy Nga chia sẻ: “Khi mạnh dạn đứng lên tố cáo các bị cáo trong vụ án này, tôi mong muốn ngoài bản thân tôi ra, các tiểu thương khác cũng có cuộc sống yên ổn để làm ăn, vì công lý luôn thuộc về lẽ phải".

Khởi tố bị can đối với lái xe gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hà Văn Hoàng, lái xe gây ra vụ tai nạn khiến 5 người thiệt mạng trên Quốc lộ 5 vào ngày 23/7, về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" và tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra.

Chú thích ảnh
 Vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp trên Quốc lộ 5 thuộc địa phận Hải Dương làm nhiều người thiệt mạng. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Tại Cơ quan Công an, bước đầu lái xe Hà Văn Hoàng khai báo do bị hỏng hệ thống phanh xe nên chủ động điều khiển ép xe vào dải phân cách giữa để giảm tốc độ, dẫn đến tai nạn giao thông.

Cơ quan Công an đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành xét nghiệm để xác định chất ma túy, nồng độ cồn trong người lái xe Hà Văn Hoàng. Các xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính.

Như báo Tin tức đã đưa tin, vào 6 giờ, ngày 23/7, tại Km63+500, Quốc lộ 5, đoạn qua xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-150.97 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiếp Vận Việt có địa chỉ tại 12/21 phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội do Hà Văn Hoàng, sinh năm 1993, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa điều khiển lưu thông theo hướng Hà Nội - Hải Phòng do không làm chủ tốc độ đã đâm vào lối mở, xe bị lật và đổ vào nhiều người đang chờ sang đường.

Vụ tai nạn khiến 5 người chết, 2 người bị thương.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Hải Dương, lãnh đạo các huyện Kim Thành, Thanh Hà đã tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong và người bị thương.

V.T/Báo Tin tức