10:01 13/10/2019

‘Nóng’ trong tuần: Khai trừ đảng 2 nguyên bộ trưởng và xử lý vi phạm trên đèo Mã Pì Lèng

Trong tuần qua, dư luận quan tâm đến quyết định kỷ luật khai trừ Đảng 2 nguyện Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; xử lý vi phạm nữ cán bộ Tỉnh ủy Đắk Lắk “mượn” bằng để thăng tiến; xử lý công trình vi phạm 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng; xóa sổ “phố cà phê đường tàu”…

Khai trừ Đảng nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Ngày 11/10/2019, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII bước sang ngày làm việc thứ năm. Tại phiên họp vào buổi chiều về về công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xử lý công trình xây dựng sai phạm trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Mèo Vạc tiến hành kiểm tra thực tế tại công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama được xây dựng tại điểm dừng số 40, dốc Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.

Chú thích ảnh
Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN

Kết quả kiểm tra cụ thể cho thấy, công trình này đã đi vào hoạt động, thực hiện kinh doanh ăn uống, giải khát và lưu trú. Kiểm tra thủ tục, hồ sơ liên quan, chủ đầu tư chỉ cung cấp được một bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định. Chủ đầu tư cũng báo cáo hiện chỉ có một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng).

Hiện trạng công trình được xây dựng ngoài mốc giới di tích danh thắng Mã Pì Lèng. Công trình có kết cấu bê tông, cốt thép kết hợp các dàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình. Mặt trước công trình (mặt bám đường quốc lộ) gồm hai đơn nguyên, đơn nguyên một gồm 1 tầng nổi và 1 tầng âm; đơn nguyên hai gồm 1 tầng nổi, 1 tum và 1 tầng âm. 6 cấp còn lại được xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp 1 tầng, trong đó phần cuối cùng chủ đầu tư tận dụng làm gian kho, không sử dụng vào mục đích kinh doanh. Hiện công trình đã hoàn thiện được 5 cấp. Phần thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và đơn nguyên cấp thứ 7 đang được hoàn thiện. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng là 226 m2, với tổng diện tích sàn là 476 m2 + 78 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.

Sau khi kiểm tra thực tế, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã họp và tiến hành kiểm tra cụ thể vị trí xây dựng công trình trên cơ sở đối chiếu với bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Mã Pì Lèng. Theo ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công trình xây dựng nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Mã Pì Lèng và nằm trong khu vực kiểm soát các hoạt động xây dựng thuộc vùng I - vùng bảo tồn di sản địa chất.

Đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030, khu vực này được quy định như sau: “Khu vực kiểm soát các hoạt động xây dựng: Diện tích khoảng 28.000 ha, hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình về an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật thiết yếu. Tầng cao xây dựng từ 1 - 3 tầng, mật độ xây dựng từ 15 - 25%”.

Từ kết quả kiểm tra, các sở, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Hà Giang: Cho tiến hành cải tạo, chỉnh trang 2 đơn nguyên giáp đường quốc lộ để phục vụ cho việc dừng chân ngắm cảnh. Tháo dỡ các đơn nguyên còn lại, tiến hành cải tạo đất và trồng cây xanh trên phần diện tích đã phá dỡ. Các nội dung tháo dỡ yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/11/2019. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày UBND tỉnh Hà Giang có ý kiến; xem xét xử lý các vi phạm đối với chủ đầu tư và đề nghị UBND tỉnh Hà Giang tham khảo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi ra quyết định.

Trước đó, ngày 8/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), người phát của Bộ cho rằng: Bộ VHTTD cho biếtL chưa nhận bất kỳ công văn xin thẩm định về công trình trái phép trên. Quan điểm của Bộ VHTTDL là căn cứ theo điều 36 Luật Di sản, khi triển khai xây dựng các công trình, thì tỉnh Hà Giang có biện pháp bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng. Các công trình dù góp phần phát triển du lịch, nhưng phải tuân thủ pháp luật.

Mặc dù Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất đập bỏ 6 tầng giật cấp bám sườn đèo nhưng chủ công trình này đang đang phủ sơn màu xanh lá lên các bức tường của công trình vi phạm; khách khứa vẫn tấp nập, đặt phòng.

Hà Nội dẹp “phố cà phê đường tàu”

Sáng  10/10, các lực lượng chức năng tại Hà Nội đã ra quân xử lý, đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu tại khu vực Trần Phú, Phùng Hưng,

Chú thích ảnh
Xóm cà phê đường tàu vắng khách sau lệnh giải tỏa.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Khu vực nêu trên có khoảng 20 quán cà phê, trà đá. Từ đầu năm 2019, nhiều du khách nước ngoài và các bạn trẻ đến đây chụp hình, trong khi dãy quán chỉ cách đường ray 2 m (quy định khoảng cách an toàn tối thiểu là 5m).

Trước đó, ngày 7/10, sau công văn đề nghị của Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, thực hiện trước 12/10.

Trong khi lệnh cấm cà phê đường tàu còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc giữ hay bỏ, giữ như thế nào để đảm bảo an toàn, thì  lực lượng chức năng đã bắt đầu thực hiện sớm việc đình chỉ, dẹp hoạt động kinh doanh tại các phố đường tàu.

Một số chủ quán cà phê tại đây cho biết không bị yêu cầu đóng cửa hay tháo dỡ biển, nhưng cảnh sát dựng rào bên ngoài, đề nghị du khách không vào thì coi như đã cấm và vắng khách từ ngày 10/10 đến nay. Một số hộ kinh doanh đề xuất là họ tự làm các rào chắn, vạch sơn và yêu cầu du khách đứng phía trong để đảm bảo an toàn. Trường hợp hộ kinh doanh nào vi phạm, để khách ra đứng ở đường ray thì phạt nặng hoặc cấm kinh doanh.

Xử lý vi phạm nữ cán bộ Tỉnh ủy Đắk Lắk 'mượn' bằng THPT để thăng tiến

Liên quan đến vụ việc một cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk "mượn" Bằng tốt nghiệp THPT của chị gái để làm việc, học tập, thăng tiến, ngày 7/10, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Công văn số 3106-CV/VPTU về xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên và điều chỉnh những thông tin sai lệch trên một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Công văn nêu rõ, ngày 22/8/2019, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhận được Đơn tố cáo (nặc danh) tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, sinh ngày 25/5/1973, chức vụ: Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk về các nội dung: Tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975); chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học Trung cấp, học liên thông lên Đại học và hiện nay đã học đến Thạc sĩ; đồng thời, kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực...

Qua xem xét nội dung đơn tố cáo và thẩm tra, xác minh, đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu có liên quan, đến ngày 17/9/2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận nội dung Đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, sinh ngày 25/5/1973, chức vụ: Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, sinh năm 1975 đúng như đơn tố cáo.

Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) cũng đã thừa nhận Đơn tố cáo với các nội dung nêu trên là đúng sự thật và tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Nhận được kết quả thẩm tra của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc xem xét, kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) về mặt Đảng và chính quyền theo thẩm quyền.

Về quá trình công tác của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo): Từ năm 1999 đến tháng 5/2002 làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến Cà phê, thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk; từ tháng 5/2002 đến tháng 4/2005 làm Kế toán trưởng tại khách sạn Bạch Mã, thành phố Buôn Ma Thuột; từ tháng 5/2005 đến tháng 5/2011 phụ trách kế toán rồi làm Kế toán trưởng tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk; từ tháng 5/2011 đến tháng 10/2019 công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ nhân viên kế toán, Phó Trưởng phòng Quản trị, Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

XC/Báo Tin tức