Trong tuần qua, truyền thông thế giới đã đưa đậm thông tin về cuộc đụng độ tại biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, vòng đàm phán mới giữa Nga cùng Ukraine, Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với một số quốc gia châu Á...
Thái Lan - Campuchia bày tỏ thiện chí ngừng bắn
Khẩu đội pháo di động của quân đội Thái Lan tại Surin nã đạn về phía Campuchia trong ngày 25/7. Ảnh: Reuter/TTXVN
Theo CNA (Singapore), ngày 26/7, đụng độ giữa Thái Lan và Campuchia bước sang ngày thứ 3. Căng thẳng giữa hai nước đã bùng phát thành các cuộc giao tranh dữ dội với máy bay chiến đấu, pháo binh, xe tăng và bộ binh từ ngày 24/7, khiến Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ phải tổ chức cuộc họp khẩn.
Phát biểu sau cuộc họp kín của HĐBA với sự tham dự của đại diện Campuchia và Thái Lan ngày 25/7, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc (LHQ) Chhea Keo tuyên bố nước này muốn đạt được “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện” với Thái Lan. Ông Chhea Keo đồng thời nhấn mạnh đến giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Cùng ngày 25/7, Thái Lan cho biết nước này ủng hộ đàm phán song phương trong giải quyết xung đột quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết một số nước như Mỹ, Trung Quốc và Malaysia – hiện là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - đã đề nghị làm trung gian cho đối thoại giữa Thái Lan với Campuchia. Tuy nhiên, Bangkok muốn tìm kiếm một giải pháp song phương cho cuộc xung đột này vì đây là giải pháp tốt nhất để giải quyết tình hình hiện nay.
Người dân sơ tán tránh xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia tập trung tại nơi tị nạn ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan ngày 25/7. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan đã ban bố thiết quân luật tại 8 huyện giáp biên giới với Campuchia. Ngày 26/7, Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) thông báo cấm các chuyến bay qua khu vực giao tranh trên không phận nước này, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng đến các tỉnh Poipet, Pailin và một nửa tỉnh Siem Reap. Ngoài ra, các máy bay phải duy trì độ cao trên 1.200 m. Quốc vụ khanh kiêm Phát ngôn viên Ban Thư ký SSCA Sin Chansereywattha lưu ý các chuyến bay giữa Campuchia và Thái Lan hiện vẫn hoạt động bình thường.
Cùng ngày 26/7, Campuchia đã đóng cửa 536 điểm trường ở 5 tỉnh do giao tranh ở khu vực biên giới với Thái Lan. Trong khi đó, tại Thái Lan, Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản (Obec) đã ra lệnh tạm thời đóng cửa 751 trường học trong khu vực nguy cơ cao dọc biên giới với Campuchia.
Theo Bộ Y tế Thái Lan, hơn 138.000 người dân nước này đã được sơ tán khỏi các khu vực biên giới. Xung đột khiến 15 người Thái Lan thiệt mạng (gồm 14 dân thường và một binh sĩ) và 46 người khác bị thương. Trong khi đó, CNA dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 26/7 cho biết có 13 công dân nước này thiệt mạng và 71 người bị thương. Chính quyền Campuchia cũng đã sơ tán 3.436 hộ dân đến nơi an toàn.
Căng thẳng leo thang giữa Thái Lan và Campuchia, đã khiến cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại.
Ông Farhan Haq - Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) - nêu rõ ông Antonio Guterres đang theo sát các thông tin liên quan đến tình trạng căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Người đứng đầu LHQ kêu gọi “hai bên thể hiện kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại trên tinh thần láng giềng hữu nghị nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp”.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott cho biết Washington “kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch, bảo vệ dân thường” và giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) bày tỏ hy vọng Thái Lan và Campuchia có thể giải quyết căng thẳng tại biên giới hai nước thông qua đối thoại và tham vấn.
Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump đón người đồng cấp Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng ngày 22/7. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về việc đạt được thỏa thuận thương mại với 3 quốc gia châu Á là Nhật Bản, Philippines và Indonesia.
Vào ngày 22/7, khi các nhà phân tích bàn luận về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Philippines đạt được sau chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tới Nhà Trắng,Tổng thống Trump lại bất ngờ thông báo về thỏa thuận lớn với Nhật Bản, khiến mọi người sửng sốt.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ. Theo CNBC (Mỹ) ông chủ Nhà Trắng thứ 47 cũng khẳng định rằng Nhật Bản sẽ “mở cửa thị trường cho thương mại, bao gồm ô tô, xe tải, gạo, một số nông sản khác và các mặt hàng khác”. Tổng thống Mỹ khẳng định thỏa thuận sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.
Trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản Ryosei Akazawa xác nhận mức thuế của Mỹ với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai châu Á là 15%. Straits Times (Singapore) đánh giá đây là chiến thắng cho các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản.
Trước đó vài tiếng đồng hồ, Tổng thống Trump cũng thông báo về thỏa thuận thương mại với Philippines trên Truth Social. Ông Trump cho biết hàng xuất khẩu của Philippines sang Mỹ sẽ chịu mức thuế 19%. Ngược lại, Philippines sẽ áp dụng mức thuế 0% đối với hàng hóa của Mỹ.
Cùng ngày, chi tiết về thỏa thuận ngày 16/7 giữa Mỹ với Indonesia đã được công bố. Các điều khoản chính bao gồm việc xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan của Indonesia đối với hàng hóa Mỹ. Đổi lại, Mỹ áp mức thuế 19% với hàng xuất khẩu của Indonesia, tuy nhiên, một số hàng hóa có thành phần từ "các nền kinh tế phi thị trường" sẽ bị áp thuế 40%. Hai bên cũng nhất trí rằng Indonesia sẽ cung cấp khoáng sản quan trọng cho Mỹ, mua máy bay Boeing cùng các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Nhà Trắng đã công bố thỏa thuận không chỉ với nền kinh tế lớn thứ hai châu Á mà còn với ba nền kinh tế chủ chốt của ASEAN. Ông Brian McFeeters, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, đánh giá kết quả này rất khả quan.
Ông nhận định: "Chúng ta đã chứng kiến thay đổi thực sự kể từ tháng 4 khi các đối tác ASEAN thể hiện mong muốn tránh leo thang căng thẳng và thay vào đó tập trung vào hợp tác kinh tế thực chất. Kể từ đó, các chính phủ trong khu vực đã nỗ lực, không chỉ với Washington, mà còn với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, để nhận diện và bắt đầu giảm bớt các rào cản thương mại, thuế quan và quy định”.
Nga-Ukraine không đạt được đột phá sau vòng đàm phán mới nhất
Ngày 23/7, Nga và Ukraine đã bắt đầu vòng hòa đàm thứ 3 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN
Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi tù nhân sau cuộc đàm phán trực tiếp lần thứ ba tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23/7.
Sự kiện kết thúc chỉ sau 40 phút đàm phán nhưng dường như không đạt được nhiều tiến triển về các điều khoản ngừng bắn hoặc khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga và Ukraine.
CNN (Mỹ) cho biết, vòng đàm phán tại Istanbul diễn ra sau diễn biến đáng chú ý hôm 14/7 với Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 100% đối với hàng hóa Nga, nếu Moskva không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 50 ngày tới.
Phát biểu sau cuộc họp, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Rustem Umerov - người dẫn đầu phái đoàn Ukraine - cho biết ông đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 8 giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Ông đồng thời cho rằng sự tham gia của Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ “rất có giá trị”.
Khi được hỏi về lời kêu gọi của Ukraine tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin, Trợ lý tổng thống Nga Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn Nga, đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh như vậy "chỉ nên được tổ chức để ký kết các văn kiện, chứ không phải để thảo luận". Theo nhà đàm phán Nga, quan điểm của Ukraine và Nga về việc chấm dứt xung đột vẫn còn cách biệt rất lớn.
Ukraine và Nga đã tiến hành 2 vòng đàm phán tại Istanbul vào các ngày 16/5 và 2/6, giúp đạt được thỏa thuận trao đổi hàng nghìn tù binh và thi thể/hài cốt binh sĩ tử trận. Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi dự thảo bản ghi nhớ về giải pháp chấm dứt cuộc xung đột vốn đã kéo dài hơn 3 năm qua.
Các nước tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước
Người dân Palestine chờ nhận thức ăn cứu trợ tại một trung tâm từ thiện ở thành phố Gaza, ngày 14/7. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 24/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Paris sẽ công nhận Nhà nước Palestine tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng 9 tới. Nếu chính thức hóa, Pháp sẽ trở thành quốc gia thành viên LHQ thứ 143 công nhận Palestine. Theo ông Macron, quyết định này nhằm thúc đẩy một nền hòa bình công bằng và bền vững tại Trung Đông.
Tuyên bố của Tổng thống Macron được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, với hơn hai triệu người Palestine đang phải vật lộn với điều kiện sống khốn khổ. Các nhóm cứu trợ đã cảnh báo về nạn đói diện rộng và khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên khắp dải đất này.
Động thái của Pháp đã nhận được ủng hộ từ nhiều nước như Tây Ban Nha và Saudi Arabia, Jordan, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm 6 quốc gia thành viên là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar.
Ngày 25/7, Bộ Ngoại giao CH Séc một lần nữa khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel – Palestine, nhấn mạnh rằng giải pháp này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp và sự đồng thuận giữa hai bên.
Đầu tuần này, Pháp đã cùng Anh, Australia, Canada và 21 đồng minh khác của Israel lên án việc hạn chế các chuyến hàng viện trợ vào Gaza, cũng như việc sát hại hàng trăm người Palestine đang cố gắng tiếp cận lương thực. Tuyên bố chung khẳng định xung đột "phải chấm dứt ngay lập tức".
Trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, tiến trình đàm phán ngừng bắn tại Dải Gaza hiện vẫn bế tắc. Hiện cả Israel và Hamas đều chịu sức ép lớn trong việc sớm đi tới thỏa thuận ngừng bắn, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua đã gây thương vong cho hàng chục nghìn người và đẩy Gaza vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ngoài ra, việc nhiều con tin Israel vẫn đang nằm trong tay Hamas cũng khiến người dân Israel liên tục gây áp lực lên chính phủ.