07:21 30/07/2020

‘Nóng’ trong ngày 30/7: Hà Nội triển khai xét nghiệm nhanh; TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động tụ tập trên 30 người

Trong ngày 30/7, cả nước tiếp tục ghi nhận thêm 14 ca mắc mới COVID-19. Bộ Y tế cử thêm các chuyên gia và hỗ trợ thêm 10 máy thở để "chi viện" cho Đà Nẵng chống dịch COVID-19; Hà Nội bắt đầu xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân COVID-19 với những người vừa về từ Đà Nẵng; Từ 0 giờ 31/7, TP Hồ Chí Minh đóng cửa quán bar, vũ trường… Bên cạnh đó là sự chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Bộ Y tế tăng cường chi viện nhân lực cho Đà Nẵng chống dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ thêm nhân lực và trang thiết bị để ứng phó với dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Ngày 30/7, Bộ Y tế quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19.

Theo đó, thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Lực lượng chi viện sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị mà Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng từ ngày 25/7. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ phụ trách chỉ đạo toàn bộ lực lượng này.

Bộ Y tế cũng huy động hàng trăm sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế.

Hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực phát hiện và ứng phó với dịch COVID-19

Ngày 30/7, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Hiệp định Viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 6,2 triệu USD để tăng cường năng lực giám sát, xét nghiệm COVID-19, năng lực nghiên cứu vắc-xin, bộ xét nghiệm COVID-19 và truyền thông về bệnh dịch.

Dự án sẽ tăng cường năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) và các hệ thống phòng xét nghiệm khác trên toàn quốc, giúp tăng năng lực đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19. Khoản viện trợ này cũng sẽ dùng cho công tác mua sắm, cung cấp thiết bị nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), phục vụ nghiên cứu, phát triển vắc-xin mới, xét nghiệm chẩn đoán nhanh.

Dự án sẽ hỗ trợ khoảng 200 phòng xét nghiệm tham gia giám sát, xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc. Dự án hỗ trợ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, hai đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, y tế công cộng hàng đầu của Việt Nam, trực tiếp góp phần cải thiện năng lực của Việt Nam trong công tác phát hiện, ứng phó với dịch COVID-19.

Hà Nội băt đầu xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân COVID-19 với những người vừa về từ Đà Nẵng

Chiều 30/7, Hà Nội bắt đầu xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân COVID-19 trên diện rộng với hơn 21.000 trường hợp về từ Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm nhanh.

Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng đã xét nghiệm cho khoảng 60-75 trường hợp, trong đó, ưu tiên xét nghiệm trước với những trường hợp vừa từ Đà Nẵng trở về trong những ngày gần đây và hiện có điều kiện sức khỏe không tốt. Quận Hai Bà Trung xác định được có 1.499 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội.

Những người trở về từ trước đó sẽ lần lượt được xét nghiệm trong ngày tới. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ca test nhanh COVID-19 sẽ được thực hiện và cho kết quả trong 10 phút. Mẫu bệnh phẩm nào cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ lập tức được gửi lấy mẫu xét nghiệm PRC.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP yêu cầu các nhà thuốc trên địa bàn, nếu người dân đến mua thuốc có biểu hiện ho, sốt, khó thở… thì phải thông tin cho trung tâm y tế địa phương.

Các trường hợp F1 cần phải được thực hiện cách ly ngay khi phát hiện; địa điểm cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội; các trường hợp F2 thực hiện cách ly tại nhà, giám sát y tế hàng ngày, khi có nhu cầu xét nghiệp thì các quận, huyện phải đáp ứng ngay.

Từ 0 giờ 31/7, TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động tụ tập trên 30 người; đóng cửa quán bar, vũ trường

UBND TP Hồ Chí Minh vừa phát đi thông báo khẩn yêu cầu tạm dừng các hoạt động lễ hội, các sự kiện tập trung hơn 30 người; đóng cửa các quán bar, vũ trường... từ 0 giờ ngày 31/7.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động các dịch vụ, lễ hội và những sự kiện có tụ tập từ 30 người; các quán bar, vũ trường... để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Mạnh Linh

Chiều ngày 30/7, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ CHí Minh Lê Thanh Liêm đã ký văn bản khẩn về việc tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng chống dịch bệnh COVID-19, sau khi áp dụng theo Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 29/7 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng và xét đề nghị của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như: lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... đồng thời khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ… và không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).

TP Hồ Chí Minh cũng quyết định tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: quán bar, vũ trường... đồng thời khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến. Đối với các trường hợp hội nghị cần thiết phải tổ chức trực tiếp của cơ quan Đảng, chính quyền... phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.

Chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Dự báo vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Ngày 30/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 06 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải.

Để chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:

Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần thực hiện nghiêm Công điện số 05/CĐ-TW ngày 29/7/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm cần được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Cần tổ chức theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau cần thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về vị trí gió mạnh trên biển để chủ động ứng phó.

 

XC/Báo Tin tức