12:11 29/12/2010

Nông sản của dân bị cướp

Trong mấy ngày qua, một số nông dân ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khóc dở mếu dở vì bị kẻ xấu tổ chức tập thể có hung khí cướp nông sản gây thiệt hại lớn về tài sản.

Trong mấy ngày qua, một số nông dân ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khóc dở mếu dở vì bị kẻ xấu tổ chức tập thể có hung khí cướp nông sản gây thiệt hại lớn về tài sản.


Đáng tiếc rằng, khi vụ việc trên vừa xảy ra, người dân đã kịp thời báo cáo với chính quyền, công an và một số cơ quan chức năng để ngăn chặn, nhưng vẫn chưa có hồi âm. Hiện nay, sự việc vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận tại địa phương.

Trước năm 2010, ông Trần Văn Sơn (SN 1961) quê xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) vào tạm trú tại phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) để buôn bán sắn lát và nông sản. Từ quan hệ thân quen, ông Sơn đã mượn 20 ha đất còn bỏ trống thuộc Chương trình 134 của người dân địa phương để sản xuất.

Những người dân bị bọn cướp nhổ sắn đang thu nhặt những gốc sắn còn sót lại. Ảnh: Nguyễn Hòa Dương


Vùng đất này nằm liền kề với Cụm công nghiệp Tân An của TP Buôn Ma Thuột, cách trụ sở phường Tân An khoảng hơn 3.000 m. Sau khi nhận đất, ông Sơn đã cho một số người dân ở TP Buôn Ma Thuột thuê lại với giá 1,5 triệu đồng/ha để trồng sắn.


Trong số đó, có ông Phan Thanh Hoàng (sinh 1960) cư trú tại xã Cư Bua thuê lại 3,5 ha đất trồng sắn với số tiền 8 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Liên (1963) ở phường Thành Công, bà Trần Thị Dung (1952) ở xã Cư Bua cùng thuê 7,5 ha đất với số tiền 11,25 triệu đồng. Một số người ở phường Tân An, xã Hòa Phú, Ea Tu và vùng lân cận cũng đã thuê lại ông Sơn trên 6 ha đất trồng sắn.

Sau khi nhận lại đất từ ông Sơn, những người dân này phải vay tiền ngân hàng, đầu tư vốn thuê máy cày bừa, mua giống, phân bón, mướn lao động trồng sắn và chăm bón. Do điều kiện đầu vụ, mưa muộn, gặp hạn, hom giống sắn chết nên những người dân này phải trồng đi trồng lại 2-3 lần, tốn tiền đầu tư và công lao động. Tính chi phí đầu tư trồng mỗi ha sắn trên 15 triệu đồng.


Trong quá trình sản xuất, bà con đã tập trung chăm bón, vun gốc, làm cỏ khá đầy đủ nên các vườn sắn phát triển khá tốt. Bà con dự tính đến tháng 2/2011 thu hoạch sắn, sẽ bán toàn bộ sản phẩm cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Nhiều người khấp khởi mừng thầm vụ sắn bội thu, sản phẩm bán được giá, sẽ trúng đậm trong vụ sản xuất này. Ước tính sơ bộ, mỗi ha sắn bà con thu sản phẩm bán với giá khoảng trên 50 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, bà con thu lãi 35 triệu đồng/ha.

Bất ngờ ngày 1/8/2010, ông Sơn bị đột quỵ và qua đời. Lợi dụng lúc người anh trai mình chết đột ngột, đầu tháng 12/2010, Trần Thị Thanh (SN 1974) em ruột ông Sơn (trú tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư (Thái Bình) vào Đắk Lắk lập mưu chiếm đoạt những nương sắn của một số người dân thuê lại đất sản xuất của ông Sơn.


Thanh đã cấu kết với cô H'Thu B'Krông (SN1976) trú tại khối 12, phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) cùng Nguyễn Văn Hòa (SN 1960) trú tại khối 6, phường Tân An (Hòa là đối tượng có tiền án vừa mới ra tù) tổ chức người và phương tiện đến nhổ sắn của những người dân này. Ngày 19/12/2010, Thanh, H'Thu B'Krông và Hòa đã đưa gần 100 người dân của phường Ea Tam mang theo dao, rựa, mã tấu, gậy gộc cùng phương tiện tổ chức nhổ sắn.

Trong khi những vườn sắn chưa đến kỳ thu hoạch, củ vẫn còn non. Những diện tích sắn bị nhổ thuộc những vườn cây của ông Phan Thanh Hoàng, Trần Thị Dung (trú tại xã Cư Bua), bà Nguyễn Thị Kim Liên (phường Thành Công), ông Ama Thót (SN 1969) ở phường Ea Tam, Y Nét (SN 1970) trú tại xã Ea Tu, bà Phan Thị Thanh (SN 1966), ông Phan Văn Danh (SN 1975) trú tại thôn 7, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột) và một số gia đình ở Buôn Ma Thuột.


Xót xa vì công sức tiền của đã bỏ ra, ông Hoàng, bà Liên, bà Dung, ông Danh và một số người có vườn sắn ở đây đến nói chuyện để họ dừng tay, thì bị những người nhổ sắn xách dao rựa, gây gộc đe dọa đánh.


Bất lực không ngăn nổi đám đông người cướp sắn, ông Hoàng, bà Liên, bà Dung, ông Danh và một số người đành phải ngậm ngùi ra về trong tâm trạng ấm ức và tức giận. Vì lo sợ bị cướp sắn, trong ngày 26 và 27/12/2010 gia đình ông Tạ Đình Bình (phường Tân An) và một số hộ trồng sắn trong vùng đã phải thuê nhiều người đến giúp thu hoạch sắn non.

Điều đáng nói rằng, do bị cướp sắn non không những bị mất lượng sắn củ quá lớn, mà số cây sắn nhổ quá non cũng không thể tận dụng để làm hom giống cho vụ sau. Đây cũng là thiệt hại đáng kể cho những nông dân này.

Ngay sau khi vụ việc vừa xảy ra, những hộ dân trên đã nhiều lần làm đơn khẩn cấp kêu cứu và tố cáo hành vi cướp nông sản của bọn xấu gửi đến UBND phường Tân An, phường Ea Tam, Công an TP Buôn Ma Thuột và "gõ cửa" các cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn và xử lý.


Nhưng thật đáng tiếc, các cơ quan chức năng vẫn lặng im, không có biện pháp xử lý đối với những kẻ vi phạm pháp luật. Và tiếp tục nhiều ngày sau, Thanh, Hòa và H'Thu B'Krông vẫn tiếp tục nhổ sắn của người dân trong vùng.

Quá bức xúc và bất bình vì bị cướp nông sản mà vẫn không được cơ quan chức năng xử lý kẻ vi phạm pháp luật, chiều 28/12/2010 sau khi vừa nghe tin Trần Thị Thanh kẻ chủ mưu trong vụ cướp sắn chuẩn bị đi khỏi địa bàn, nhiều người dân đã kéo nhau đến một gia đình ở khối 6 (phường Tân An) đã chứa chấp đối tượng Thanh để ngăn chặn. Sau đó đã xảy ra cuộc xô xát và Công an phường Tân An đã nhanh chóng đến can thiệp.

Hiện nay, nhiều người dân địa phương đang mong mỏi cơ quan pháp luật nhanh chóng ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, phá hoại sản xuất của nông dân.

Nguyễn Hòa Dương